Dinh dưỡng khoáng cần thiết đối với cây chè

Nghiên cứu về vai trò của các nguyên tố dinh dưỡng khoáng đối với sinh trưởng và phát triển cây chè đã được các tác giả Bonheure, D. và Willson, K.C. (1992) nghiên cứu và công bố các nguyên tố cây chè hút với tỷ lệ lớn.

Theo kết quả nghiên cứu, đạm (N) từ 1,69 - 5,95%; Lân (P) từ 0,09 - 0,61%; Kali (K) từ 0,02 - 2,64%; Can xi (Ca) từ 0,06 - 2,42%;Magiê (Mg) từ 0,07 - 1,40%; Các nguyên tố khác chiếm số lượng ít từ 8 - 3700 ppm và sắp xếp theo thứ tự giảm dần là Lưu huỳnh (S), Clo (Cl), Nhôm (Al), Mangan (Mn), Natri (Na), Kẽm (Zn), Đồng (Cu), Bo (B) và sắt (Fe).

Dinh dưỡng đạm (Nitơ) đối với chè

Có thể nói phân đạm là yếu tố chính tạo năng suất, là then chốt của việc bón phân khi các điều kiện sinh trưởng, phát triển của cây chè được thoả mãn (nước, dinh dưỡng lân, kali, trung lượng, vi lượng, hữu cơ và điều kiện khí hậu, v.v) thì mức bón đạm cho phép khai thác đến tối đa tiềm năng năng  suất của cây chè. Bón đạm làm thúc đẩy sự phát triển của cây giúp tăng chiều cao cây, ra nhiều lá và búp mới, lá to xanh, quang hợp tốt.

Thiếu đạm: làm cho cây sinh trưởng phát triển kém, ít nảy đọt, búp non có màu xanh nhạt, xanh vàng đến ửng đỏ, năng suất thấp.

Dinh dưỡng lân (Phốt pho) đối với chè

Theo Enden (1958), lân tham gia vào thành phần cấu tạo tế bào, của phosphatides, axit nucleic, protei. Vì vậy, lân có vai trò tích lũy năng lượng cho cây và có tác dụng thúc đẩy sự phát triển của cây, nâng cao chất lượng chè (cả chè giống và chè nguyên liệu), làm tăng khả năng chống rét và chống hạn cho chè. Lân cần thiết cho sự phát triển của bộ rễ, kích thích chồi mới, tăng khả năng chịu hạn, tăng tuổi thọ của cây, tăng năng suất, tăng lượng đường hòa tan, tăng hàm lượng tannin và tăng hương vị, chất lượng chè.

Thiếu lân: lá có màu xanh đục mờ không sáng bóng, thân cây mảnh, rễ kém phát triển, khả năng hấp thu đạm kém. Chè thiếu lân trầm trọng sẽ bị trụi cành, năng suất và chất lượng đều thấp.

Cây chè cần cung cấp đủ chất dinh dưỡng để đảm bảo tốc độ phát triển
Cây chè cần cung cấp đủ chất dinh dưỡng để đảm bảo tốc độ phát triển

Dinh dưỡng (kali) đối với chè

Kali hoạt hóa enzim liên quan đến quang hợp, tổng hợp hydratcarbon, protein, điều chỉnh pH và nước ở khí khổng. Giúp cây cứng chắc, tăng khả năng chống chịu sâu bệnh, rét và hạn, giảm khô lá và rụng lá già, tăng năng suất và tăng độ ngọt, độ đậm trong chè búp

Kali tham gia vào quá trình trao đổi chất trong cây, làm tăng sự hoạt động của các enzim liên quan đến quang hợp, tổng hợp hydratcarbon, protein, tăng sự tích lũy gluxit và axit amin nâng cao năng suất chất lượng búp chè. Kali có trong tất cả các bộ phận của cây chè nhất là thân, cành.

Thiếu kali: cây sinh trưởng chậm, mép và chóp lá có màu xám hay nâu nhạt sau khô dần, lá già rụng sớm, lá non ngày càng nhỏ, dễ bị sâu bệnh, búp thưa, vỏ cây có màng trắng bạc, cây chậm ra búp, năng suất thấp, chè kém ngọt, chất lượng giảm.

Trước đây phân kali thường có hiệu quả thấp vì trong đất hàm lượng kali còn cao (khoảng 20-25mg K2O/100g đất). Sau nhiều năm độc canh và thâm canh chè yếu tố kali đang dần trở nên thiếu và hiệu quả của Kali đang dần được thể hiện rõ.

Dinh dưỡng khác (Trung và vi lượng)

Ngoài các yếu tố dinh dưỡng đa lượng, thì các yếu tố trung và vi lượng cũng ảnh hưởng rất lớn đến năng suất, chất lượng búp chè như:

- Lưu huỳnh (S): Là thành phần của một số các axit amin và vitamin, thiamin và coenzim A giúp cấu trúc protein vững chắc, tăng năng suất, chất lượng chè.

Thiếu lưu huỳnh: Xuất hiện vệt vàng nhạt giữa gân các lá non, trong giai đoạn phát triển thiếu lưu huỳnh lá trở nên vàng, khô dần và rụng, năng suất và chất lượng đều thấp (một số trường hợp, thiếu lưu huỳnh làm cây chết non).

- Magiê (Mg): Là thành phần cấu tạo trong nhân diệp lục, enzim chuyển hóa hydratcarbon và axit nucleic. Magiê thúc đẩy quá trình quang hợp, hấp thụ, vận chuyển lân và đường trong cây giúp tăng năng suất và chất lượng chè khô.

Thiếu magiê: Xuất hiện những vệt màu xanh tối hình tam giác ở giữa lá, lá già dần chuyển vàng, hạn chế khả năng ra búp, năng suất thấp, chất lượng chè khô giảm.

- Đồng (Cu): Là thành phần của men cytochrome oxydase, ascorbic, axit axidase, phenolase, lactase, xúc tiến quá trình hình thành vitamin A, tăng sức chống chịuu sâu bệnh, tăng năng suất và chất lượng chè.

Thiếu đồng: Cây sinh trưởng phát triển kém, dễ bị nấm bệnh tấn công. Chè thiếu đồng khi hàm lượng đồng trong lá < 12ppm.

 - Kẽm (Zn): Là thành phần của men metallo-enzimes-carbonic, anhydrase, anxohol dehydrogenase, quan trọng trong tổng hợp axit indol acetic, axit nucleic và protein, tăng khả năng sử dụng lân và đạm của cây. Thúc đẩy sinh trưởng, phát triển, tăng năng suất và chất lượng chè.

Thiếu kẽm: Cây lùn, còi cọc, lá chuyển dần bạc trắng, số búp ít.

- Mangan (Mn): Là thành phần của pyruvate carboxylase, liên quan đến phản ứng enzim, hô hấp, chuyển hóa đạm và sự tổng hợp diệp lục tố. Kiểm soát thế oxyhóa- khử trong tế bào. Giúp tăng khả năng ra lá, ra búp, tăng năng suất và chất lượng chè khô.

- Bo (B): Cần cho sự phân chia tế bào, tổng hợp protein, lignin trong cây, tăng khả năng thấm ở màng tế bào và vận chuyển hydrat carbon. Tăng độ dẻo của búp, giảm rụng lá, tăng năng suất và chất lượng chè.

- Molypđen (Mo): Là thành phần của men nitrogenase, cần cho vi khuẩn Rhizobium cố định đạm, tăng hiệu suất sử dụng đạm, tăng năng suất và chất lượng chè.

- Sắt (Fe): Là thành phần của nhiều enzim, quan trọng trong chuyển hóa axit nucleic, RNA, diệp lục tố. Tăng sinh trưởng và sức ra búp, tăng năng suất và chất lượng chè.

- Clo (Cl): Là thành phần của axit auxin chloindole-3 acetic, kích thích sự hoạt động của enzim và chuyển hóa hydrat carbon, khả năng giữ nước của cây, tăng năng suất và chất lượng chè.

- Nhôm (Al) và Natri (Na): Ảnh hưởng tốt đến hương thơm và vị đậm của chè, tăng năng suất và nâng cao phẩm cấp của chè búp khô.

Tuy nhiên, các vùng có yếu tố hạn chế khác nhau thì nhu cầu về dinh dưỡng khoáng bón cho chè là khác nhau. Việc hiểu biết và có khái niệm về vai trò sinh lý của các yếu tố dinh dưỡng khoáng sẽ giúp chúng ta phần nào có cơ sở để điều chỉnh thích hợp chế độ dinh dưỡng cho cây một cách hợp lý, giúp cây phát triển tốt nhất.

Đan Linh (t/h)