Nói về hướng đi mới kinh doanh sản phẩm chè trong mùa dịch Covid -19, ông Nguyễn Văn Sỹ - Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Giang Sỹ là cha đẻ của sản phẩm “Trà Mật Sâm” cho biết: “Sản phẩm trà của công ty trước đó đang có thị trường tiêu thụ chính là các chuỗi hệ thống siêu thị trên cả nước. Nhưng từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, doanh nghiệp chịu tổn thất nặng nề do chè không tiêu thụ được. Ảnh hưởng từ dịch bệnh, nhiều đối tác tạm hoãn các hợp đồng, ảnh hưởng đến khả năng xoay vòng vốn. Để tháo gỡ khó khăn trước mắt, ngoài các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước và các ngân hàng, công ty hiện cũng đang tìm kiếm thêm các đối tác mới, mở rộng thị trường tiêu thụ chè ở thị trường nội địa”.
Bên cạnh hỗ trợ của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương, để hạn chế những tác động thị trường xuất khẩu bị thu hẹp do dịch Covid-19 thì các doanh nghiệp đã chủ động lên phương án “tự cứu mình” nhằm hạn chế rủi ro nhất có thể.
Đặc biệt, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động xuất khẩu vẫn chưa thể trở lại bình thường khiến một số doanh nghiệp, hợp tác xã xuất khẩu chè gặp khó.
Bà Dương Thị Duyên - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) chè Thành Nam, tỉnh Phú Thọ chia sẻ: “Đầu năm 2020, đơn vị chúng tôi bắt đầu chuyển đổi mô hình từ hộ kinh doanh cá thể sang HTX chè Thành Nam. Từ một mặt hàng chè xanh nội tiêu, đến nay, HTX đã ra mắt thị trường trên 10 sản phẩm chè. Trong đó, hai sản phẩm chè tôm nõn và chè hoa nhài vừa đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh Phú Thọ. Trong mùa dịch bệnh Covid -19 HTX vẫn đứng vững và sản xuất ổn định”.
“Từ năm 2019 kể từ ngày công bố ca nhiễm Covid-19 đầu tiên, dịch bệnh ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế toàn cầu. Và ngành chè Việt Nam cũng không ngoại lệ. Muốn thành công trong nghề này, vốn và ý chí dám nghĩ dám làm thôi chưa đủ mà phải có tình yêu, hiểu về đặc tính cây chè và nắm vững quy trình kỹ thuật mới là mấu chốt để sản phẩm có thể trụ vững trên thị trường. Đặc biệt, dây chuyền công nghệ phải được bắt nhịp với xu hướng của thế giới, mở rộng tìm kiếm đối tác phát triển sản xuất…” - bà Duyên cho hay.
Bà Đào Thanh Hảo - Giám đốc HTX chè Hảo Đạt, tỉnh Thái Nguyên cho biết: “HTX chè Hảo Đạt hiện có 30 thành viên chính thức, 50 hộ liên kết, tổng số vốn điều lệ là 3 tỷ đồng. Khoảng 2 năm trở lại đây, mỗi năm, doanh thu của HTX đạt trên 10 tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 50 lao động tại địa phương với mức thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng”.
Nói về việc kinh doanh sản phẩm chè trong mùa dịch Covid-19 HTX chè Hảo Đạt bà Hảo chia sẻ thêm: HTX cũng gặp rất nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm chè ra thị trường, với hơn 50 nhãn hiệu sản phẩm, có thể khẳng định Hảo Đạt là một trong số ít các HTX chè của tỉnh sản xuất được khá phong phú các mặt hàng. Mẫu mã, bao bì của các sản phẩm đều bắt mắt, tạo được ấn tượng với khách hàng. Điều đáng nói là, đến nay, HTX đã xây dựng được vùng nguyên liệu sản xuất chè đạt tiêu chuẩn VietGAP rộng 10ha, sản lượng đạt 130 tấn chè búp tươi/năm. Chính những tiêu chí và sự uy tín đến từ thương hiệu sản phẩm chè Hảo Đạt mặc dù do diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, nhưng chúng tôi vẫn tiêu thụ được thông qua bán hàng online…Với những nỗ lực không ngừng, HTX chè Hảo Đạt hướng đến xây dựng thương hiệu sản phẩm gắn với mục tiêu "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".
Bên cạnh đó, khó khăn trong mùa dịch Covid -19 đối với các hộ cơ sở sản xuất kinh doanh chè cũng vướng nhiều vào khâu tiêu thụ sản phẩm chè ra thị trường. Cụ thể, theo anh Hoàng Văn Tuấn ở xóm Phú Thọ, xã Phú Đô, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) chia sẻ: “Do ảnh hưởng dịch bệnh Covid - 19 nên nhu cầu mua sắm online đã trở nên phổ biến, cùng với sự chuyển dịch hành vi tiêu dùng thì sản phẩm trà hữu cơ của cơ sở sản xuất chè an toàn gia đình tôi đã tận dụng tốt thời cơ đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử. Chính điều này, đã thúc đẩy cơ hội bán hàng online lên ngôi trong bối cảnh đại dịch đang diễn biến phức tạp”.
Trong thời gian dịch bệnh Covid-19, hầu hết nền kinh tế trên thế giới đều đang bị ảnh hưởng và khủng hoảng, ngành chè tại Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, ngành chè vẫn giữ được mốc tăng trưởng ổn định, đặc biệt là xuất khẩu chè nhờ có sự đóng góp của nhiều doanh nghiệp trong ngành. Đó cũng là tín hiệu đáng mong đợi ở những thời cơ tiếp theo.
* Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.
Sơn Thủy