Doanh nghiệp ngành chè từng bước phục hồi trong trạng thái bình thường mới

Ngay khi dịch bệnh COVID-19 tạm thời được ngăn chặn, kiểm soát, cuộc sống của người dân và hoạt động sản xuất của doanh nghiệp trong ngành chè đang từng bước được khôi phục trong trạng thái “bình thường mới”.

Phục hồi sản xuất kinh doanh

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu chè trong tháng 8/2021 đạt 10,3 nghìn tấn, trị giá 17,4 triệu USD, giảm 22,2% về lượng và giảm 20,2% về trị giá so với tháng 8/2020. Tính chung trong 8 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu chè đạt 79,9 nghìn tấn, trị giá 133 triệu USD, giảm 5,6% về lượng và giảm 1,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Giá chè xuất khẩu bình quân trong tháng 8/2021 đạt 1.685,9 USD/tấn, tăng 2,5% so với tháng 8/2020. 

Ngành chè Việt Nam đang dần thích ứng với trạng thái bình thường mới
Ngành chè Việt Nam đang dần thích ứng với trạng thái bình thường mới

Trong 8 tháng đầu năm 2021, giá chè xuất khẩu bình quân đạt 1.664 USD/tấn, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2020. Tính đến thời điểm này kinh tế toàn cầu đã vượt qua giai đoạn khủng hoảng nặng nề nhất và đang nỗ lực duy trì đà hồi phục nhờ việc đẩy mạnh tiến trình tiêm chủng vắc xin. Tuy nhiên, tại thị trường trong nước, tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp khiến nhiều nhà máy chế biến chè phải tạm dừng sản xuất, tác động tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu. Do đó, lượng và trị giá xuất khẩu chè trong tháng 8/2021 giảm mạnh.

Ngành chè bị ảnh hưởng nặng nề vào thời điểm dịch COVID 19 bùng phát trong khoảng giữa năm 2021. Ngay sau khi thời điểm giãn cách xã hội kết thúc, người dân cùng các doanh nghiệp trong ngành đã chủ động lên phương án phục hồi sản xuất kinh doanh hướng tới trạng thái “bình thường mới”.

Anh Đỗ Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên thương mại Hùng Thái chia sẻ: “Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều nhà hàng, khách sạn, khu du lịch, siêu thị phải tạm thời đóng cửa khiến việc tiêu thụ sản phẩm của chúng tôi gặp nhiều khó khăn. Nhằm kích cầu tiêu thụ sản phẩm, Công ty chấp nhận bán hàng không lợi nhuận để thu hồi vốn tái sản xuất. Cụ thể, đối với các dòng sản phẩm của Công ty đều được khuyến mại, giảm giá từ 15-30%. Bên cạnh đó, Công ty cũng đẩy mạnh phát triển thị trường tiêu thụ.”

Đối với các hợp tác xã, doanh nghiệp có thị trường tiêu thụ nội địa là chủ yếu, không chịu nhiều ảnh hưởng do gián đoạn hoạt động xuất khẩu nhưng cũng bị ảnh hưởng bởi nhu cầu tiêu dùng trong nước giảm. Hiện nay, các đơn vị này cũng đang đẩy mạnh quảng bá, tiêu thụ sản phẩm thông qua Website điện tử, hay mạng xã hội như: Facebook, Zalo,…Cùng với đó, tập trung phát triển các sản phẩm mới, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của thị trường trong nước.

Tại Hợp tác xã Chè an toàn Khe Cốc, xã Tức Tranh, huyện Phú Lương, bên cạnh các mặt hàng truyền thống là chè đen, Hợp tác xã còn sản xuất kẹo trà xanh, bột matcha từ chè. Hay tại Hợp tác xã Tâm Trà Thái, xã Tân Cương, thành phố Thái Nguyên, Hợp tác xã đã năng động kết những túi chè nhỏ thành bó hoa trà thay cho hoa tươi để tặng khách hàng, cơ quan, đơn vị trong các hội nghị, kỷ niệm,…vừa độc đáo, vừa đem lại hiệu quả thiết thực. Ngoài ra, một số đơn vị khác cũng đã chế biến, phối trộn chè với nhiều loại thực phẩm, thảo dược có lợi cho sức khỏe như: Trà hoa cúc, trà actiso, trà gừng mật ong,…đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng.

Để duy trì vùng nguyên liệu và ổn định sản xuất kinh doanh, Hợp tác xã chè Hảo Đạt, xã Tân Cương, thành phố Thái Nguyên vẫn thu mua chè của người dân từ 60-70 tấn chè búp tươi/tháng, tuy nhiên, sản lượng bán ra giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bà Đào Thanh Hảo, Giám đốc Hợp tác xã Chè Hảo Đạt cho biết: “hiện doanh nghiệp có 5ha chè và liên kết sản xuất với bà con nông dân trong xã với tổng diện tích 30ha. Không như những sản phẩm khác, chè đến lứa bà con phải thu hái, nếu không chè sẽ bị ban và ảnh hưởng đến năng suất chè cả năm. Vì vậy, Hợp tác xã vẫn thu mua chè của bà con với giá cả ổn định theo như hợp đồng đã ký kết.

“Đặc biệt, Hợp tác xã đã thuê hẳn 1 kỹ sư nông nghiệp để hướng dẫn bà con cách trồng, chăm sóc, bón phân cho cây chè đúng thời điểm, hạn chế tình trạng dư thừa phân bón, gây lãng phí. Đồng thời, tuyên truyền, vận động người dân chia sẻ và đồng hành với Hợp tác xã trong giai đoạn khó khăn nhằm duy trì vùng nguyên liệu bền vững, chăm sóc tốt diện tích chè hiện có và tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật trong sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP” Bà Hảo chia sẻ.

Giữ vững tinh thần chống dịch

Hiện nay, các thị trường mà Việt Nam đã ký các Hiệp định Thương mại CTPPP, EVFTA hầu như chưa tận dụng được do các rào cản kỹ thuật và những hậu quả do đại dịch Covid – 19 gây ra. Việc tổ chức xúc tiến thương  mại, khảo sát thị trường, giao lưu văn hóa trà... trong và ngoài nước của ngành chè đang bị đình trệ. TS. Nguyễn Hữu Tài – Chủ tịch Hiệp hội chè Việt Nam nhận định, đại dịch Covid – 19 chưa biết bao giờ mới kết thúc trong nước và trên thế giới, cho nên các doanh nghiệp, các HTX và các hộ gia đình kinh doanh chè vẫn phải nêu cao cảnh giác. Ngoài việc tìm các giải pháp thích ứng để vừa giữ vững được sản xuất, chế biến, tiêu thụ, mặt khác vừa đảm bảo yêu cầu của việc phòng chống dịch.

“Trong vấn đề sản xuất, Hiệp hội khuyến cáo nên điều tiết về vấn đề người lao động khi thực hiện quá trình thu hoạch, cần đảm bảo được sự giãn cách giữa người lao động với nhau để đảm bảo được các biện pháp phòng chống. Trong chế biến cũng vậy, nên dàn trải nhiều ca làm việc và các ca sản xuất cần ít người hơn để đảm bảo biện pháp phòng dịch 5K. Cùng với đó cần kiểm soát người lao động khi vào các nhà máy chế biến chè và đặc biệt là tăng cường ứng dụng cơ giới hóa cho cả khâu sản xuất nông nghiệp và khâu chế biến” TS. Nguyễn Hữu Tài chia sẻ.

Tại 2 nhà máy chế biến chè: Chè Đen và Vân Sơn (thị trấn Nông trường) của Công ty Vinatea Mộc Châu (thuộc Tổng Công ty Chè Việt Nam) hiện duy trì hoạt động, nhưng lượng công nhân giảm chỉ còn dưới 20 người/ca làm việc. Từ đầu tháng 5, Công ty bước vào vụ sản xuất lứa chè thứ 2 đúng thời điểm dịch bệnh bùng phát, mọi hoạt động về công tác kiểm soát, phòng dịch được đơn vị thực hiện ở mức cao nhất. Các khâu kiểm soát y tế thực hiện chặt chẽ, đặc biệt là kiểm soát lái xe vận tải của Công ty khi giao hàng đến các tỉnh, thành phố khác.

Anh Nguyễn Tiến Thành, lái xe vận tải Công ty Vinatea Mộc Châu, cho biết: Trung bình 1 tháng, tôi vận chuyển hơn 10 chuyến hàng đến các tỉnh Vĩnh Phúc, Hà Nội... để giao hàng theo hợp đồng đã ký kết giữa Công ty và các đơn vị tiêu thụ. Để đảm bảo an toàn cho bản thân, tôi chuẩn bị quần áo bảo hộ, nước sát khuẩn tay, phun khử trùng xe; giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc giao, nhận hàng hóa. Khi trở về, tôi chủ động khai báo y tế, lịch trình di chuyển với các cơ quan chức năng và thực hiện cách ly nếu có yếu tố dịch tễ.

Ông Vũ Đức Tráng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Chè Sông Lô, Tuyên Quang cho biết, những yêu cầu bắt buộc như 5K luôn được người lao động thực hiện nghiêm túc tại nhà máy. Do ý thức được việc phòng chống dịch sẽ đảm bảo sản xuất, ổn định đời sống, nên người lao động sau giờ làm việc khi về nhà cũng thực hiện rất nghiêm túc các quy định phòng, chống dịch.

“Công ty luôn thực hiện nghiêm túc 2 nhiệm vụ, một là sản xuất kinh doanh, hai là phòng, chống dịch. Trong sản xuất kinh doanh, DN quán triệt đến tất cả cán bộ công nhân viên người lao động là phải thực hiện các quy định 5K của Bộ Y tế, công nhân phải đeo khẩu trang, trong sản xuất phải giãn cách, không tụ tập đảm bảo hoạt động bình thường”, ông Tráng nói.

Dịch bệnh lần thứ 4 đã khiến nhiều doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, thậm chí nguy cơ phá sản đã dần hiện hữu khi liên tục bị giãn cách. Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128 quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” với 4 cấp độ dịch. Quy định này được áp dụng thống nhất trên toàn quốc đang kỳ vọng tạo cú hích cho doanh nghiệp khôi phục sản xuất.

Khi Nghị quyết 128 được áp dụng, kỳ vọng tháo gỡ những rào cản trong giai đoạn khôi phục sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bởi Nghị quyết 128 chính thức chấm dứt tình trạng cục bộ địa phương, tạm thời không áp dụng các biện pháp phòng chống dịch cấp bách cũng như tạm thời không thực hiện các Chỉ thị 15,16, 19.

Theo các doanh nghiệp, Nghị quyết 128 thực sự là một chuyển biến mới cho quá trình bình thường mới. Các quy định nêu trong Nghị quyết được áp dụng thống nhất trên phạm vi toàn quốc sẽ giống như “liều thuốc” chữa được căn bệnh cát cứ, cục bộ, mỗi nơi thực hiện một kiểu như thời gian qua. Những “điểm mở” trong Nghị quyết 128 cũng sẽ góp phần quan trọng khôi phục sản xuất và thúc đẩy thị trường để tái thiết nền kinh tế sau giai đoạn dài giãn cách diện rộng.

 * Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.