Tình trạng lạm phát
Trong quý I năm 2023, thị trường hàng hóa thế giới chịu tác động đan xen bởi nhiều yếu tố kinh tế, chính trị, xã hội. Tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường, xung đột quân sự giữa Nga và Ucraina chưa dừng lại, chính sách tiền tệ thắt chặt, lãi suất ở mức cao, tiêu dùng và các hoạt động kinh tế suy giảm trên diện rộng tại nhiều quốc gia đã tác động đến giá cả hàng hóa trên thị trường thế giới.
Theo số liệu của Bộ Công Thương, 4 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 210,8 tỷ USD, giảm 13,6% so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu sang các thị trường chính của Việt Nam như Mỹ, EU đều ghi nhận mức giảm hai con số, còn các thị trường khác cũng giảm nhẹ. Điều này cho thấy dù Việt Nam có nhiều hiệp định thương mại tự nhưng cũng không thể tránh khỏi sức tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu.Trong bối cảnh các thị trường truyền thống như Mỹ, EU đang căng mình chống chịu với lạm phát, Bộ Công Thương khuyến cáo các doanh nghiệp phát triển các thị trường mới, thị trường còn tiềm năng như Ấn Độ, châu Phi, Trung Đông và châu Mỹ La tinh, Đông Âu… và các thị trường ít bị ảnh hưởng bởi lạm phát và tăng trưởng khả quan (ASEAN).
Doanh nghiệp cần tỉnh táo để tránh tình trạng rủi ro
Vừa qua, Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) cho biết: một doanh nghiệp thuộc Vinacas đang có nguy cơ bị mất trắng lô hàng 5 container hạt điều xuất khẩu sang Algeria (châu Phi) vì tin vào đơn vị môi giới. Cụ thể, tháng 8.2022, doanh nghiệp này đã xuất khẩu 5 container hạt điều sang Algeria, qua trung gian là một công ty đặt tại Nam Phi. Công ty trung gian đã đặt cọc 10% giá trị tiền hàng, nhưng khi hàng đến cảng Mostaganem (Algeria), khách hàng là công ty Eurl ATS Food của Algeria không thể làm thủ tục thông quan vì công ty này bị Bộ Thương mại Algeria đưa vào danh sách các doanh nghiệp gian lận thương mại từ tháng 6.2022.
Theo thống kê của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tỷ lệ doanh nghiệp toàn cầu là nạn nhân của gian lận thương mại trong năm 2018 là 49%; năm 2020 là 47% và năm 2022 là 46%. Trong đó, đối tượng từ bên ngoài chiếm khoảng 43%; từ nội bộ 31%; thông đồng giữa trong và ngoài chiếm 26%...
Trước nguy cơ doanh nghiệp Việt dính gian lận thương mại, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam nhận định: “Chưa bao giờ tính an toàn của doanh nghiệp được đặt lên cao như thế này. Do đó, cần nâng cao nội lực, nâng cao năng lực pháp lý, phòng ngừa các tranh chấp”.
Về phương thức thanh toán, đối với các đơn hàng lớn, nên dùng phương thức như thư tín dụng (L/C) không hủy ngang có xác nhận của ngân hàng châu Mỹ, châu Âu uy tín; Một phương thức thanh toán khác cũng hay sử dụng là nhờ thu qua ngân hàng (DP at sight) có yêu cầu khách hàng đặt cọc từ 20% trở lên. Trong trường hợp thứ hai này, khi hàng đến cảng Algeria thì ngân hàng mới chuyển tiền hàng cho nhà xuất khẩu; Không nên tin tưởng tuyệt đối vào công ty trung gian mà bỏ qua khâu tìm hiểu khách hàng.
Thảo Phương