Chị Hằng sinh ra và lớn lên tại một vùng quê nghèo khó ở Hà Tĩnh. Chứng kiến cảnh người dân quê mình vất vả lao động nhưng thu nhập vẫn bấp bênh, cuộc sống khó khăn. Tình yêu quê hương sâu sắc và mong muốn cải thiện đời sống cho người dân nơi đây đã thôi thúc chị tìm kiếm một hướng đi mới. Trong quá trình tìm hiểu, chị nhận thấy rằng khí hậu và thổ nhưỡng của vùng đất này rất phù hợp để trồng nhiều loại cây dược liệu quý như đinh lăng, nghệ, gừng, và rau má... Từ đó, chị quyết định khởi nghiệp với dự án phát triển dược liệu.
Để hiện thực hóa giấc mơ của mình, chị Hằng không ngừng học hỏi và tìm kiếm kiến thức về các loại dược liệu. Chị đã tham gia nhiều khóa đào tạo, hội thảo về trồng và chăm sóc cây dược liệu do các chuyên gia trong và ngoài nước tổ chức. Chị cũng không ngần ngại tìm đến các viện nghiên cứu để nhờ tư vấn và hỗ trợ kỹ thuật.
Hành trình đó thực sự không dễ dàng, để từng bước xây dựng thương hiệu, năm 2020, chị đã mạnh dạn vay mượn anh em, bạn bè, đầu tư xây dựng nhà xưởng, mua sắm máy móc thiết bị để thực hiện các công đoạn chế biến với số vốn đầu tư lên đến 600 triệu đồng. Đến nay xưởng sản xuất của chị đã có 1 máy rửa nghệ củ, 2 máy ép liên hoàn, 1 tủ sấy nóng, 1 máy sấy lạnh điều hòa, 2 máy xay mịn. Nhờ có trang thiết bị hiện đại nên từ chỗ mỗi năm chỉ thu mua khoảng 4- 5 tấn nghệ cũ nguyên liệu thì đến nay mỗi năm chị thu mua chế biến dao động từ 30 -32 tấn nghệ củ, cho ra thành phẩm từ 1,8 – 2 tấn tinh bột nghệ. Xưởng của chị cũng đã tạo công ăn việc làm thời vụ cho 3-5 lao động địa phương.
Bên cạnh đó, việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho sản phẩm dược liệu cũng là một thách thức không nhỏ. Chị đã phải lặn lội khắp nơi để giới thiệu sản phẩm, xây dựng mối quan hệ với các nhà phân phối và tìm kiếm đối tác. Đôi khi, chị phải chấp nhận bán sản phẩm với giá thấp hơn để xây dựng thương hiệu và uy tín trên thị trường.
Cùng với sản xuất tinh bột nghệ, để đa dạng các mặt hàng và tăng thu nhập cho gia đình, chị Hằng còn mày mò, tìm hiểu và chế biến thêm các mặt hàng khác như tinh bột sắn dây, bột ngũ cốc, ngâm các loại riệu từ hoa quả có nguồn gốc từ rừng núi như sim, ba kích, chuối hột…Tuy nhiên sản phẩm chính vẫn là tinh bột nghệ. Sản phẩm được đóng gói thành hộp, có nhãn mác với đầy đủ các thông tin cũng như hạn sử dụng. Hằng còn tổ chức Livetream bán hàng, giới thiệu sản phẩm với sự theo dõi của hàng trăm khách hàng trong và ngoài tỉnh.
Chia sẻ về quy trình sản xuất tinh bột nghệ, chị Hằng cho biết, sản xuất tinh bột nghê này không có gì đặc biệt nhưng đòi hỏi phải kiên trì, tỉ mẩn. Mỗi mẻ bột, người làm phải cẩn thận lựa chọn nguyên liệu, sơ chế thật kỹ và tiến hành chiết xuất đảm bảo đúng tỷ lệ, quy trình.
Nghệ tươi sau khi rửa sạch đất được cạo sạch vỏ rồi đưa vào máy xay ép, tách bã trong khoảng 10 phút rồi đưa vào hệ thống lọc để loại bỏ các tạp chất. Sau khi để bột nghệ lắng xuống trong khoảng 7 – 8 tiếng thì tiếp tục lọc thêm nhiều lần nữa để loại bỏ tạp chất, đặc biệt là loại bỏ dầu nghệ. Tiếp đó, các mẻ nghệ sẽ được đưa vào sấy lạnh trong khoảng thời gian 3 – 5 ngày (nhiệt độ 19 – 20 độ C) nhằm để tinh bột nghệ khô từ từ mà vẫn đảm bảo hương vị đặc trưng và chất dinh dưỡng vốn có.
Trung bình mỗi ngày, cơ sở sản xuất do chị Thu Hằng làm chủ làm ra 25kg tinh bột nghệ nguyên chất (từ 500kg nghệ tươi). So với những sản phẩm cùng loại trên thị trường, tinh bột nghệ của cơ sở có giá tương đối cạnh tranh (400.000 đồng/hộp/kg).
Mỗi năm, cơ sở sản xuất khoảng 1,8 tấn tinh bột nghệ với doanh thu từ 650 – 700 triệu đồng (chưa kể 400 triệu đồng từ các dòng sản phẩm khác); tạo việc làm ổn định cho 4 – 5 lao động với mức thu nhập bình quân đạt 6 triệu đồng/người/tháng. Không chỉ trong tỉnh, sản phẩm của cơ sở được phân phối đến rất nhiều tỉnh, thành trên cả nước.
Với sự nỗ lực cố gắng không biết mệt mỏi của mình, chị Hằng đã từng bước dành được nhiều thành công trên con đường khởi nghiệp. Minh chứng rõ nét đó là năm 2021, Hằng đạt giải khuyến khích tại chương trình “giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp qua video clip” do Hội LHPN huyện Hương Sơn tổ chức. Đến năm 2022, Hằng giành được giải 3 về “Ý tưởng khởi nghiệp” do Hội LHPN Hà Tĩnh tổ chức. Và gần đây nhất đó là vào trung tuần tháng 6/2023, với chất lượng, mẫu mã, đóng gói, sản phẩm tinh bột nghệ Thu Hằng đã được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Hà Tĩnh công nhận chất lượng đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao.
Đây là thành quả ngọt ngào và cũng là động lực để Thu Hằng tự tin, mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất sản phẩm tinh bột nghệ, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của khách hàng, đưa thương hiệu Thu Hằng lên tầm cao mới, góp phần xây dựng quê hương ngày càng phát triển.Hơn thế nữa, việc phát triển vùng dược liệu còn góp phần bảo vệ môi trường, cải thiện chất lượng đất và giữ gìn hệ sinh thái.
Các phương pháp canh tác hữu cơ và không sử dụng hóa chất đã giúp bảo vệ đất đai khỏi sự xói mòn và ô nhiễm. Đồng thời, vùng dược liệu còn tạo ra một môi trường sống xanh, sạch cho người dân địa phương.
Câu chuyện của chị Võ Thị Thu Hằng là một nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho nhiều người, đặc biệt là phụ nữ và giới trẻ. Nó cho thấy rằng, với lòng yêu quê hương, sự kiên trì và khát vọng cống hiến, chúng ta có thể vượt qua mọi khó khăn để đạt được những thành công to lớn. Chị Hằng không chỉ làm giàu cho bản thân mà còn góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của cộng đồng.
Không dừng lại ở những thành công hiện tại, chị Hằng còn có những khát vọng lớn hơn trong tương lai. Chị mong muốn mở rộng quy mô sản xuất, phát triển thêm nhiều loại dược liệu mới và xây dựng một thương hiệu dược liệu uy tín, chất lượng cao. Chị cũng dự định mở thêm các cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm dược liệu tại các thành phố lớn, nhằm quảng bá và đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, chị Hằng còn ấp ủ mong muốn xây dựng một trung tâm nghiên cứu và phát triển dược liệu, nhằm tìm kiếm và ứng dụng các phương pháp canh tác tiên tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Tiến Hoàng