Cúng là một hoạt động tâm linh gắn chặt với đời sống tâm linh theo tín ngưỡng dân gian. Đặc biệt với người miền cao, lễ cúng rất quan trọng. Cúng để cầu điềm lành, bình an, hạnh phúc, cúng để tạ ơn. Ở chiều ngược lại, cúng cũng là để xua đi cái ác, cái xấu, tà ma, bệnh tật gây hại cho con người.
Thầy cúng luôn chiếm giữ vị trí hàng đầu trong cộng đồng, là người giữ gìn mối dây liên kết giữa cộng đồng - con người và tổ tiên - thế giới tâm linh. Trở lại chuyện cây chè shan tuyết cổ thụ, do tập tính mọc trên núi cao, thường từ hơn 1.000m trở lên, đó cũng là nơi cư trú bao đời người Dao và H’Mông bản địa.
Khoảng năm năm trở lại đây, sản phẩm chè shan được người miền xuôi biết đến nhiều, nhờ vậy việc thu hái chè trước kia chỉ phục vụ đời sống cộng đồng, nay đã phát triển, đem lại nguồn sinh kế ổn định cho người miền cao. Và để nhớ ơn cây chè, lễ cúng được tiến hành như một lời tạ ơn.
Người H’Mông cúng trà
Trong đời sống thường ngày, người H’mông gọi trà là Xùa Zề (trà thuốc). Họ cũng lưu truyền nhau tích truyện về việc phát hiện ra trà của tổ tiên rằng: “Xưa kia có vợ chồng người H’mông đi tìm vùng đất mới để sống; đi mệt, họ dừng lại dưới một gốc cây cổ thụ, bắc nồi nước để nấu ăn, vô tình cơn gió mạnh khiến các cành cây va đập, rớt vào nồi nước một chiếc lá, khi uống nước thấy trong người sảng khoái, tinh thần thoải mái, từ đó người H’mông phát hiện ra cây trà”.
Lối uống trà lá tươi như huyền thoại của người H’mông, cũng chỉ riêng Việt Nam còn lưu giữ. Trà được hái cả cành, lá, bó lại, bỏ vào nồi nấu sôi, cho ra vị trà xanh nguyên thủy, thanh mát và thuần khiết. Đây là cách phổ biến, cổ truyền trong tục uống trà của người Việt nay vẫn lưu giữ ở nhiều vùng miền, đặc biệt ở Nghệ An, với vùng trà Gay nổi tiếng cùng tục gọi trà đã đi vào thơ ca, huyền thoại: “Trưa nắng hè, gọi nhau râm ran chè xanh” (ca từ của cố nhạc sĩ An Thuyên).
Với người H’mông, trà là phương thuốc quý, có thể chữa đủ các bệnh thường gặp như đau bụng, nhức đầu, căng thẳng… Đặc biệt trong đời sống tâm linh, người H’mông coi cây trà là vị thần, được thờ phụng, tôn kính, hàng năm làm lễ tạ ơn thần trà đã mang lại no ấm, hạnh phúc.
Lễ cúng trà thường bắt đầu vào mùa xuân, khi vụ trà đầu tiên ra chồi sau 4 tháng ngủ đông. Lễ cúng trà của người H’mông được biết đến đầu tiên, diễn ra ở vùng trà shan Suối Giàng, tỉnh Yên Bái.
Trong ngày cúng trà, lễ vật mang theo có rượu, và quan trọng nhất là con gà trống còn sống. Bàn thờ lập xong, thầy cúng đọc các lời khấn nguyện, nội dung cảm tạ thần trà ban cho dân bản sung túc, có cái ăn cái mặc, có trà để hái, để làm thuốc, và cầu mong vụ trà năm nay sẽ lại sinh sôi, phát triển, búp trà to như ngón tay trẻ con, hái mãi không bao giờ cạn. Khi cầu nguyện xong, con gà được hóa kiếp, mang lời khấn ấy lên tâu với thần linh. Sau đó thầy cúng luộc gà, bày lên bàn thờ dưới gốc trà, và cùng chia với dân bản, uống rượu. Sau lễ cúng, mọi người cùng ra vườn trà, xem thầy cúng chỉ dân bản cách hái trà như tổ tiên để lại.
Lễ cúng trà cổ của người Dao
Khi đến được gốc trà cổ nhất vùng Nậm Ty của ông Hoàng Sùng Keng, được ghi nhận hơn 600 năm tuổi, thầy cúng của thôn Nậm Piên đã chuẩn bị xong mâm cúng.
Người H’Mông cúng trà, lễ vật là con gà đang sống, sau lời khấn, con gà được hóa kiếp ngay gốc chè cổ để chuyển lời khấn lên thần linh. Mâm cúng còn có thêm năm chén uống rượu, một chai rượu nếp cùng xấp giấy làm từ rơm rạ theo truyền thống người Dao bản địa.
Lễ cúng bắt đầu, thầy cúng Hoàng Xuân Chiêu, với hơn 40 năm hành nghề trên thôn bản Nậm Ty, đọc bài văn cúng mà ông thuộc làu. Trong văn cúng của ông, có cả Mỹ, Pháp, Canada, Nga, Hàn Quốc… Hóa ra đấy là đoạn báo cáo tổ tiên rằng hôm nay có khách quý từ các nước đến vùng trà, cầu mong tổ tiên chúc phúc cho họ.
Suốt hơn một tiếng rưỡi đồng hồ, thầy cúng Hoàng Xuân Chiêu liên tục đọc bài văn cúng, thỉnh thoảng ông lại dừng lời, gieo hai thanh tre xuống đất đôi ba lần, rồi lại cúng. Trong lúc thầy cúng làm nhiệm vụ liên lạc với thần linh, tổ tiên, ông chủ cây trà cổ Hoàng Sùng Keng dẫn khách vào vùng trà, ông Keng bảo: “Tôi sinh năm 1957, tổ tiên dặn lại, đến tôi là đời thứ 9 sống ở đất này, mà từ xa xưa thế đã có cây trà này rồi. Vườn nhà tôi hiện có 5 hecta chè, trồng rải rác, đất trời chăm sóc chúng nó thôi, chúng tôi chỉ việc thu hái. Trước làm trà phơi, gọi là trà vàng, bây giờ có máy làm được chè xanh. Tôi đón nhiều khách lên thăm cây trà lắm, hôm nọ cây được công nhận là Cây Di sản, có anh người mù, nghe tin trên tivi tận Hà Giang, vậy mà nhờ người đưa đến, anh ngồi mân mê, ôm gốc cây cả nửa ngày mới về đấy”.
Lễ cúng kết thúc, thầy cúng Hoàng Xuân Chiêu chia sẻ thêm: “Người Dao cúng cây trà, vì nó gắn bó như tổ tiên, mỗi năm cúng một lần, hoặc ba năm cúng một lần, nhớ lại công ơn tổ tiên ngày xưa trồng trà. Cúng trà cũng để tạ ơn ông cha có sức có lực, có công trồng gốc trà. Hôm nay người các nước đến đây, đều là bạn bè, tôi cảm thấy may mắn, báo cho tổ tiên phù hộ khách đi đâu cũng tốt, không xảy ra cái gì cả”.
Từ những phong tục uống trà, từ những thực hành nghi lễ dân gian về trà, có thể khẳng định mỗi vùng trà ở xứ Việt là một vùng văn hóa đặc sắc, dị biệt, gắn liền với tộc người, với tính dân gian… tạo thành dấu ấn rất riêng của trà Việt, một thức uống gắn liền với thần thoại, huyền thoại và giai thoại đầy thú vị./.
Sơn Thủy