Độc đáo món rêu đá của người Thái ở Tây Bắc

Nhắc đến ẩm thực Tây Bắc, người ta thường nghĩ đến cơm lam, thịt trâu gác bếp, xôi ngũ sắc,… Nhưng ở vùng đất này còn có một món ăn độc lạ là rêu đá được ví von như đặc sản “trời ban” mà rất ít người biết đến.

Món ăn đặc sản của người Thái ở miền núi Tây Bắc  Nguồn: Internet
Món ăn đặc sản của người Thái ở miền núi Tây Bắc Nguồn: Internet

Nền ẩm thực Việt Nam vô cùng phong phú, nếu là một người thích tìm hiểu và khám phá những món ăn độc lạ thì Tây Bắc là một địa điểm vô cùng lý tưởng. Tây Bắc không chỉ cuốn hút du khách bởi cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, con người thân thiện hiếu khách mà còn có những món ăn đặc sản nức tiếng. Rêu đá có nguồn gốc từ xã Chiền Cang, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La, là một món ăn đặc trưng làm nên hương sắc núi rừng trong văn hóa ẩm thực của người Thái nơi đây.

Rêu đá gắn với câu chuyện về tình yêu thủy chung của đôi trai gái dân tộc Thái. Hai người yêu nhau tha thiết nhưng bố của cô gái không ưng thuận. Một hôm, đôi trai gái trèo lên ngọn núi cao, bện tóc vào nhau, thề nguyện bên nhau suốt đời. Rồi họ biến thành ngôi sao mai lấp lánh, nước mắt họ chảy thành sông, tóc biến thành rêu đá óng ả trong làn nước.

Rêu đá thường mọc trên các gờ đá lúc chớm thu  Nguồn: Internet
Rêu đá thường mọc trên các gờ đá lúc chớm thu Nguồn: Internet

Rêu được người dân ở Tây Bắc phân chia thành 3 nhóm: “cui”, loại rêu mọc thành sợi như sợi tóc, màu hơi sẫm; “cay”, loại rêu có sợi mọc rời rạc màu xanh và “tau”, loại rêu mọc thành từng mảng ở khu vực sông Đà, các ao hoặc các khe suối, không bám chặt vào đá như các loại rêu kia, khi thu hoạch thường dùng thanh tre gạt rêu vào rổ. Cuối thu, đầu đông là thời điểm rêu đá sinh sôi nảy nở và bám vào các gờ đá ở lòng suối, không cần đôi bàn tay chăm sóc của con người mà rêu đá vẫn mọc tươi non trên các gờ đá. Đến Tây Bắc vào những ngày nắng ấm sẽ bắt gặp hình ảnh quen thuộc các cô gái Thái rủ nhau đi hái rêu bên bờ suối rồi cặm cụi làm sạch đám rêu hái được, một nét đẹp văn hóa của người Thái Tây Bắc.

Sau khi rêu được hái về được sơ chế cho hết tạp chất và mùi tanh, sau đó, rêu được cắt thành từng đoạn ngắn vài phân, để tươi hoặc phơi khô dùng dần. Sơ chế là công đoạn kì công và tỉ mỉ nhất, người Thái xem đó như là thước đo tình yêu thương của người phụ nữ dành cho gia đình, cũng như đánh giá sự khéo léo của người vợ, người mẹ trong gia đình. Lọc rêu thì phải để cho rêu róc hết nước, rồi đặt lên thớt và đập cho tới khi các tạp chất bong hết ra. Nhưng quan trọng là đập sao cho rêu không bị nát, không bay mất màu xanh tự nhiên và dưỡng chất quý. Sau khi đập xong phải vò cho hết nhớt phù sa rồi mới đem đi chế biến.

Công đoạn sơ chế rêu đá hết sức tỉ mỉ   Nguồn: Internet
Công đoạn sơ chế rêu đá hết sức tỉ mỉ Nguồn: Internet

Thường rêu sẽ được chế biến ngay sau khi sơ chế xong vì rêu để lâu sẽ bị khô và không còn ngon nữa. Rêu đó có thể chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn khác nhau như xào, hấp, luộc, nướng hay nấu canh. Một trong những món ăn không thể thiếu trong bữa cơm của người Thái cùng với măng chua, gà bản, thêm cả thịt trâu gác bếp,…

Những món ăn đơn giản kết hợp cùng với rêu đá  Nguồn: Internet
Những món ăn đơn giản kết hợp cùng với rêu đá Nguồn: Internet

Có lẽ với nhiều du khách thập phương khi đến Tây Bắc sẽ được thưởng thức món rêu đá nướng được coi là cách chế ngon nhất. Người ta sẽ lấy rêu non tẩm với các gia vị thông thường như mì chính, gừng, sả, hành, hạt sen,... rồi bọc lá chuối hoặc lá dong rồi kẹp tre mang đi nướng trên than hồng hoặc vùi vào trong tro nóng sẽ cho ra một món ăn có màu sắc bắt mắt và hấp dẫn. Sự hòa quyện hương vị mằn mặn đầy lạ lẫm của rêu và vị cay nồng kết hợp của sả, mùi tàu và hạt dổi để lại một dư vị đậm đà cho du khách mỗi khi thưởng thức.

Rêu đá nướng – món ăn được ưa chuộng nhất  Nguồn: Internet
Rêu đá nướng – món ăn được ưa chuộng nhất Nguồn: Internet

Ngoài ra, không thể bỏ qua món canh rêu đá thường được chế biến với nước hầm xương hoặc nước luộc gà và thưởng thức khi nó còn nóng để cảm nhận trọn hương vị thơm ngon hay món nộm rêu đá được chế biến từ rêu non, đồ chín rồi trộn cùng gia vị: bột canh, mì chính, gừng, mùi, ớt giã nhỏ và không thể thiếu được gia vị đặc trưng của Tây Bắc là hạt mắc khén hay còn gọi là hạt tiêu rừng.

Món nộm rêu đá thơm ngon cùng với hạt mắc khén  Nguồn: Internet
Món nộm rêu đá thơm ngon cùng với hạt mắc khén Nguồn: Internet

Theo kinh nghiệm dân gian, rêu đá là một món có nhiều công dụng, đặc biệt rất tốt cho sức khỏe bởi nó là một món ăn mát lành giúp lưu thông khí huyết, giải độc, thanh nhiệt, hạ huyết áp... Rêu đá không ai gieo trồng mà tự mọc là một món quà của đất trời ban tặng nhưng số lượng có hạn và không bảo quản tươi được lâu nên món ăn này ít phổ biến, chính bởi vậy rêu đá được coi là một đặc sản Tây Bắc mà chỉ đến đây bạn mới được thưởng thức.

Diệu Thương

Diệu Thương

Từ khóa: