Sáng 21/4, UBND xã Xuân Liên (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) long trọng tổ chức Lễ đón bằng công nhận Lễ hội Cầu Ngư làng Cam Lâm là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Tại buổi lễ, ông Nông Quốc Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trao bằng “Chứng nhận Lễ hội Cầu Ngư làng Cam Lâm là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia” cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Xuân Liên.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu khẳng định đây là sự kiện văn hóa có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tinh thần của Nhân dân, góp phần làm rạng rỡ thêm truyền thống văn hóa đậm đà bản sắc của vùng đất Cam Lâm, xã Xuân Liên, huyện Nghi Xuân nói riêng và Hà Tĩnh nói chung.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng đề nghị cấp ủy, chính quyền huyện Nghi Xuân, xã Xuân Liên và các cấp, ngành trong huyện phải hết sức quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất, cùng bà con nhân dân tiếp tục giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị di sản quý giá này của cha ông để lại.
Lễ hội Cầu Ngư làng Cam Lâm (Xuân Liên, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) có từ hàng trăm năm trước, gắn liền với tục thờ Cá Ông (cá voi) của ngư dân địa phương. Theo truyền thuyết, thuở xưa, vào một buổi sáng, ngoài biển trôi dạt vào bãi cát một bộ xương cá voi, người dân trong làng Cam Lâm thấy vậy bèn đưa về đặt thờ trong đền làng. Mỗi khi ngư dân ra khơi, vào lộng đều đến làm lễ cầu xin và rất linh nghiệm. Về sau, họ xin lập đền riêng để thờ vị ngư thần gọi là đền thờ cá Ông hay đền Đông Hải.
Đền Đông Hải được xây dựng cách đây gần 300 năm nằm ở thôn Lâm Hải Hoa, xã Xuân Liên, là nơi thờ vị thần Đông Hải Đại Vương. Đền được UBND tỉnh Hà Tĩnh xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh vào năm 2017. Để thể hiện lòng biết ơn, tôn kính, hằng năm, ngư dân Xuân Liên tổ chức các lễ cầu cúng như: Lễ cúng tất niên dịp Tết Nguyên đán; lễ dâng hương trước khi ngư dân ra khơi và sau khi từ biển trở về; lễ thắp hương ngày mùng 1, ngày 15 âm lịch hằng tháng; lễ cúng rằm tháng Giêng, tháng 7 âm lịch.
Đặc biệt, lễ hội diễn ra hằng năm vào dịp rằm tháng Giêng và cứ 3 năm một lần, người dân ở đây sẽ tổ chức lễ hội cầu ngư với nhiều nghi lễ. Đây là nét sinh hoạt văn hóa tâm linh truyền thống của người dân làng Cam Lâm nói riêng và ngư dân các địa phương lân cận nói chung.
Phần lễ của Lễ hội Cầu Ngư, ngư dân tổ chức một cách trang nghiêm, cung kính với đầy đủ các nghi thức truyền thống, nghinh thần, rước sắc, đọc văn tế,… Lễ rước sắc chính là phần mở đầu của Lễ hội Cầu Ngư (bắt đầu từ lăng Ông, tức là đền Đông Hải). Sau phần này, ngư dân tiếp tục thực hiện những lễ nghinh thuỷ, lễ rước hồn Thần Đông Hải.
Trước và sau khi kết thúc nghi lễ cầu cúng, phần hội trong Lễ hội Cầu Ngư được bắt đầu với một loạt những trò chơi dân gian, diễn xướng dân gian như Trò Kiều và dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh. Ngoài ra, mọi người còn tổ chức các hoạt động thể thao sôi nổi như đua thuyền, đi cà kheo, kéo co, đấu võ cổ truyền,... Tất cả hoạt động này tạo nên bầu không khí lễ hội vừa trang nghiêm, nhưng cũng rất náo nhiệt và thú vị.
Tục thờ Cá Ông tại làng Cam Lâm ở xã Xuân Liên chiếm vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân nơi đây. Một phong tục đã ăn sâu trong đời sống văn hoá nhằm thể hiện sự biết ơn của ngư dân dành cho Cá Ông, đồng thời là dịp để họ cầu mong, gửi gắm những hi vọng về một năm ra khơi suôn sẻ, thuận lợi và bình an với những khoang thuyền đầy ắp lộc trời.
Với những giá trị văn hóa tâm linh, tập quán tín ngưỡng độc đáo, ngày 21/2/2024, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Quyết định số 389/QĐ-BVHTTDL đưa Lễ hội Cầu Ngư làng Cam Lâm vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Hoài Thanh