Đời sống ngôn ngữ bây giờ vô cùng phong phú nhưng cũng khá phức tạp, hỗn độn, cả trong văn nói và văn viết. Ngôn từ giao tiếp với nhau trên không gian mạng, qua điện thoại đổi thay khác lạ. Không biết ở đâu ra chuyện không ít người thích nói, viết chệch đi (hay bắt chước kiểu nói nhịu, nói ngọng) như yêu thành iu; vậy thành zị, thôi thành thui, rồi thành rùi, lẫn lộn thành nẫn nộn, tuyệt vời thành tuyệt xời... Rồi từ cảm ơn (tiếng Anh) cũng được viết, nói thành chanh chiu. Dường như chuyện này đã được nhiều lứa tuổi bắt “trend”. Chuyện nói tục, chửi bậy sử dụng ngôn ngữ vô bổ, thiếu văn hóa trên mạng xã hội đã trở thành vấn đề đáng lo ngại
Nếu quan sát kỹ một chút, không khó nhận thấy những “hạt sạn” trên các phương tiện truyền thông. Không phải ngẫu nhiên mà ở thế kỷ trước nhiều toà soạn báo đặt và duy trì lâu bền mục “Dọn vườn” (như người làm morat) để tìm và đãi “sạn” trong các ấn phẩm báo chí. Ở các nhà xuất bản lại có tờ đính chính đi kèm cuốn sách đã xuất bản để xin lỗi độc giả về những sai sót về ngôn từ, chính tả, tư liệu... Còn nhớ, Tạp chí Lịch sử quân sự (Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam) đã từng mở chuyên mục “Nói lại cho rõ, viết lại cho đúng” để xác định tư liệu lịch sử một cách chính xác, chân thực, tường minh trong nghiên cứu lịch sử nói chung và lịch sử quân sự nói riêng.
Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng rất tâm đắc với việc phải “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”. Thế hệ hôm nay cần theo đuổi tư tưởng của Ông tìm mọi cách để giữ gìn cho được sự trong sáng, phong phú mà đa dạng của ngôn ngữ, văn hóa Việt Nam. Văn hóa là hồn cốt của Dân tộc... Văn hóa còn thì dân tộc còn.