Ðồng hành cùng doanh nghiệp phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh

Bước qua năm 2022, khi tình hình dịch COVID-19 ổn định, hoạt động sản xuất của hầu hết doanh nghiệp (DN) đang từng bước trở lại trạng thái bình thường. Thời gian qua, chính quyền các địa phương cũng như các cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục có những chính sách hỗ trợ và tháo gỡ kịp thời, giúp các DN sản xuất, kinh doanh vượt qua khó khăn, đồng hành cùng địa phương trong phát triển kinh tế.

Công ty cổ phần Yên Thành, huyện Yên Bình Chế biến măng tre xuất khẩu
Công ty Cổ phần Yên Thành, huyện Yên Bình chế biến măng tre xuất khẩu - Ảnh: BYB.

Tại tỉnh Yên Bái, nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ DN cùng với sự nỗ lực vượt qua khó khăn, tinh thần đổi mới, chủ động thích ứng của cộng đồng DN, khu vực doanh nghiệp có nhiều tín hiệu phục hồi khởi sắc.

Được biết đến nay, toàn tỉnh Yên Bái có 2.845 doanh nghiệp; trong đó có khoảng 77,88% doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho 43.863 người, mức thu nhập bình quân của người lao động 6,1 - 6,5 triệu đồng/người/tháng. 7 tháng năm 2022, các doanh nghiệp đã nộp vào ngân sách nhà nước khoảng 913,1 tỷ đồng, chiếm 63% tổng thu cân đối trên địa bàn tỉnh. 

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Yên Bái, 7 tháng năm 2022, toàn tỉnh có 192 DN thành lập mới với tổng số vốn đăng ký trên 2.346 tỷ đồng. 

Nhìn chung các DN đã vượt qua sự bế tắc của thị trường, tiến đến mở rộng sản xuất, kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn tỉnh Yên Bái tiếp tục duy trì sản xuất, kinh doanh ổn định, có hiệu quả, sản phẩm khẳng định được chất lượng, thương hiệu trên thị trường.

Được biết, năm 2021, làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế. Bước qua năm 2022, khi tình hình dịch COVID-19 ổn định. Để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, phục hồi kinh tế, tỉnh Yên Bái tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách; trong đó, đặc biệt quan tâm triển khai Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình.

Các cấp, các ngành đã chủ động, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp (DN) thông qua việc cơ cấu lại nợ, giãn, hoãn, miễn giảm tiền thuế, phí, lệ phí, gia hạn thời gian nộp tiền thuê đất, giảm tiền điện, giá điện. Cùng với các chính sách hỗ trợ về thuế, các tổ chức tín dụng đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 540 khách hàng với dư nợ 1.116 tỷ đồng; miễn, giảm lãi cho 216 khách hàng với dư nợ đã được miễn, giảm lãi là 325 tỷ đồng; cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ tháng 1/2020 đến nay 18.792 tỷ đồng đối với 17.778 khách hàng; giảm lãi suất từ mức 0,2% đến 2,5%/năm cho 54.403 lượt khách hàng, dư nợ được giảm lãi suất là 24.455 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, triển khai kịp thời, hiệu quả chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, Yên Bái đã quyết định hỗ trợ cho trên 31.474 người lao động, người sử dụng lao động, hộ kinh doanh gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh với kinh phí hỗ trợ là 14,669 tỷ đồng. 

Cùng với đó, cơ quan bảo hiểm xã hội cũng đã hỗ trợ cho 63.650 đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với kinh phí trên 99,38 tỷ đồng theo Nghị quyết số 116/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 28/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh các chính sách tài khóa, tín dụng, để hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tỉnh Yên Bái tiếp tục thực hiện Đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia” đến năm 2025 để tạo lập môi trường khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo tại địa phương; đồng thời, tăng cường triển khai Chương trình xúc tiến thương mại tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021- 2025 nhằm ổn định và phát triển thị thường nước ngoài truyền thống, tập trung khai thác các thị trường, khu vực thị trường hiện đang có các thỏa thuận thương mại tự do (FTA) với Việt Nam, ưu tiên kết nối xuất khẩu các mặt hàng có thế mạnh của tỉnh. Thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn theo Kế hoạch số 86/KH-UBND ngày 13/4/2022 của UBND tỉnh. 

Đến nay, xây dựng và vận hành hệ thống phần mềm phục vụ công tác quản lý, thông tin về 138 sản phẩm OCOP; hỗ trợ trên 100 DN hoàn thiện hạ tầng thương mại điện tử trên sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Yên Bái; đưa 457 sản phẩm lên sàn thương mại điện tử; 286 sản phẩm lên sàn postmart.vn; 171 sản phẩm lên sàn voso.vn và bán ra trên 6.590 đơn hàng...

Thời gian tới, tỉnh Yên Bái tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách của trung ương, của tỉnh đã ban hành về hỗ trợ DN, hỗ trợ phát triển kinh tế; tăng cường hỗ trợ đổi mới công nghệ, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất kinh doanh, khuyến khích DN khởi nghiệp, sáng tạo và chuyển đổi số. Đẩy mạnh cải cách hành chính toàn diện, đồng bộ, trọng tâm là đơn giản hóa, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính trong các lĩnh vực đất đai, đầu tư, xây dựng, thuế, hải quan… 

Đồng thời, tiếp tục huy động mọi nguồn lực phục vụ cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình trọng điểm của tỉnh. 

Tập trung cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo bước chuyển biến mới trong thu hút đầu tư vào tỉnh; tăng cường tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các tập đoàn, tổng công ty, DN đã và đang tìm kiếm cơ hội đầu tư vào tỉnh; hỗ trợ nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án; rà soát, thu hồi quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án chậm tiến độ hoặc không thực hiện theo quy định. 

Đổi mới nội dung, hình thức, nâng cao chất lượng hoạt động hỗ trợ DN, như: xúc tiến thương mại, hỗ trợ tìm kiếm thị trường, đối tác, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng thương hiệu; thường xuyên đối thoại với DN để nắm bắt, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh.