Cụ thể, Phó Thủ tướng đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận khẩn trương giải trình ý kiến của Hội đồng thẩm định liên ngành về điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không Phan Thiết, hạng mục hàng không dân dụng.
Đồng thời, chính quyền địa phương cũng rà soát năng lực của nhà đầu tư. Trong trường hợp cần thiết, tỉnh xem xét lựa chọn nhà đầu tư khác có đủ năng lực để thay thế, khởi công dự án vào đầu năm 2023 để bảo đảm hoàn thành đồng bộ với hạng mục đường cất hạ cánh của cảng hàng không do Bộ Quốc phòng thực hiện.
Về những việc cần làm để nhanh tiến độ triển khai đầu tư, khai thác hàng không dân dụng tại một số cảng hàng không, Phó Thủ tướng yêu cầu, về quy hoạch, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) làm việc với một số địa phương có kiến nghị điều chỉnh, bổ sung quy hoạch để cập nhật, hoàn thiện Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng cho rằng, trong thời gian tới cần tiếp tục phân cấp mạnh mẽ hơn nữa cho các địa phương, từ khâu chuẩn bị thủ tục đầu tư tới kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư cảng hàng không. Đồng thời, cần phải đổi mới phương pháp tiếp cận, huy động vốn đầu tư cảng hàng không hiện hữu theo phương thức đối tác công – tư (PPP).
Như với Cảng hàng không Côn Đảo, Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nghiên cứu khả năng đầu tư cảng theo phương thức PPP, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 9 này.
Ngoài ra Bộ GTVT cũng được yêu cầu chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành, địa phương liên quan đánh giá kỹ khả năng khai thác lưỡng dụng, tức dùng chung dân dụng và quân sự để bổ sung vào quy hoạch các sân bay Thành Sơn (tỉnh Ninh Thuận), Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai), Gia Lâm (thành phố Hà Nội), báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 10 tới.