Dự báo trong năm 2023 tỷ lệ lạm phát ở Việt Nam khoảng 3,5%

Mức lạm phát năm 2023 có khả năng đạt đỉnh vào tháng 1 năm 2023 và sau đó giảm dần trong các tháng cuối năm 2023. Các chuyên gia dự báo lạm phát có thể không gay gắt như những dự báo nhìn từ năm 2022.

Dự báo trong năm 2023 tỷ lệ lạm phát ở Việt Nam khoảng 3,5% - Ảnh 1

Tại hội thảo "Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam năm 2022 và dự báo 2023" do Viện Kinh tế - Tài chính, Học viện Tài chính tổ chức, PGS.TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế cho biết, năm 2022 chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 3,15% so với năm 2021, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra (mục tiêu đề ra là lạm phát năm 2022 là dưới 4%). Đây là điểm sáng nhất của nền kinh tế Việt Nam năm 2022, đó chính là kiểm soát được tỷ lệ lạm phát tương đối thấp trong bối cảnh các nước trên thế giới chật vật đối phó với lạm phát phi mã và “bão giá”, đồng thời tăng trưởng với tốc độ cao.

“Việt Nam thuộc nhóm các nước có mức lạm phát thấp, trong khi lạm phát thế giới tiếp tục tăng cao, đặc biệt tại khu vực đồng Euro tháng 11 tăng 11,1% so với cùng kỳ năm trước và của Mỹ tại 7,1%. Tại châu Á, lạm phát tháng 11 của Thái Lan tăng 5,6% so với cùng kỳ năm ngoái; Hàn Quốc tăng 5%, Indonexia tăng 5,4%, Trung Quốc tăng 1,6% và Nhật Bản tăng 3,6%. Nhiều nền kinh tế trong khu vực và trên thế giới đang rơi vào cảnh tốc độ lạm phát cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế” - PGS.TS Long cho biết

Tuy nhiên, đối với Việt Nam, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng cao hơn 2 lần so với lạm phát. Lạm phát cơ bản bình quân năm 2022 tăng 2,59% so với năm 2021 thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 3,15%), điều này phản ánh sự biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực, xăng dầu tăng.

TS Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính nhận định: Áp lực lạm phát tại Việt Nam năm 2023 sẽ không quá lớn, bởi, từ giữa năm 2022, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng trong nửa năm sau 2022; áp lực về tỷ giá cũng đã giảm đáng kể từ cuối năm 2022; nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu đang gia tăng cùng với chính sách thắt chặt tiền tệ tại các nước phát triển

Trong khi đó, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính cho rằng, dự báo trong năm 2023 nếu tình hình kinh tế - xã hội của thế giới vẫn diễn biến phúc tạp, lạm phát vẫn cao, giá xăng dầu, nguyên vật kiệu tăng cao, kinh tế thế giới trì trệ hay suy thoái, tăng trưởng chậm, thương mại quốc tế giảm sút, kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng ở mức 6,2-6,7% thì khả năng lạm phát cả năm sẽ trong khoảng 3,3-3,7%.

Vậy làm thế nào để thực hiện thành công mục tiêu lạm phát mà Quốc hội đã thông qua (mục tiêu tăng trưởng 6,5%, lạm phát tiêu dùng bình quân 4,5%)? Các chuyên gia kinh tế cho rằng, Chính phủ cần kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, rà soát bãi bỏ các quy định không hợp lý, cân bằng giữa lãi suất và tỷ giá, giữa kiểm soát lạm phát và tăng trưởng, giữa hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và cân đối ngân sách trước mắt và lâu dài; tháo gỡ vướng mắt, đẩy nhanh giải ngân đầu tư công và chương trình phục hồi, giải quyết các tồn đọng.

Ngân hàng Nhà nước thực hiện hài hòa chính sách khóa và tiền tệ, từng bức giảm lãi suất của đồng Việt Nam, tạo thanh khoản cho nền kinh tế, phân bổ dòng vốn ngắn hạn, một phần nguồn vốn trung và dài hạn cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế… để tăng khả năng kiểm soát lạm phát năm 2023 dưới mức 4,5% như Quốc hội đề ra.

Cũng tại hội thảo, PGS.TS Ngô Trí Long cũng đưa ra dự báo năm trong năm 2023: Bối cảnh khu vực và quốc tế sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp và khó lường; lạm phát duy trì ở mức cao trên toàn cầu; chính sách tiền tệ thắt chặt, tăng lãi suất kéo dài kèm theo suy giảm giá trị đồng tiền tại nhiều khu vực và quốc gia làm suy giảm sản xuất của nhiều ngành, lĩnh vực… Rủi ro cũng là điều không thể tránh khỏi trong bối cảnh nguyên liệu hàng hóa thế giới cẫn ở mức cao, các nền kinh tế đối tác thương mại lớn, qua trọng như Mỹ, EU, Hàn Quốc, Trung quốc… đều dự báo lạm phát vẫn ở mức cao đáng lo ngại.

Theo PGS.TS Long, lạm phát Việt Nam theo đó sẽ tăng, nguyên nhân do độ trễ vì nhập khẩu nhiều, lượng cung tiến lớn hơn theo thời vụ cuối năm 2022.

Ngoài ra, năm 2023 lương cơ bản tăng, thời điểm phải chấp nhận tăng giá một số mặt hàng do nhà nước quản lý (giá điện, y tế, giáo dục…); thu ngân sách sẽ gặp khó khăn do doanh nghiệp còn gặp khó… Từ đó cho thấy nền kinh tế Việt Nam tiếp tục đối mặt sức ép lạm phát cao, tỷ giá, lãi suất tăng cao…

Ông Long đưa ra dự báo CPI bình quân năm 2023 sẽ ở mức 4 - 4,5%. Tuy nhiên, theo ông Long cũng có nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, lạm phát của Việt Nam trong năm 2023 có thể vượt qua ngưỡng 4,5%. Lý do chính là vì độ trễ của gói phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và lạm phát ở các nền kinh tế đối tác quan trọng có thể vẫn ở mức cao trong năm tới. Tuy nhiên, Chính phủ vẫn kiên quyết thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát trong năm mới để thời kỳ 2021-2025, lạm phát kỳ vọng ở mức 4%.

Tiến Hoàng

Từ khóa: