Cụ thể, trong tháng 8, các ngân hàng thương mại tiếp tục điều chỉnh tăng lãi suất huy động từ 0,1-0,3 điểm %, cuộc đua tăng lãi suất để huy động tiền gửi có thêm sự tham gia của nhóm ngân hàng thương mại cổ phần quốc doanh.
Mặc dù lãi suất huy động tăng cao nhưng huy động vốn vẫn lệch pha khá xa so với tăng trưởng tín dụng, tính đến cuối tháng 6, tăng trưởng huy động vốn chỉ đạt 4,8% so với đầu năm. Tăng trưởng cung tiền cũng rất khiêm tốn, chỉ tăng 3,8% so với đầu năm.
Liên quan đến vấn đề “room” tín dụng đang rất nóng thời gian gần đây, VDSC đánh giá nhu cầu tín dụng trong nền kinh tế vẫn sẽ ở mức cao, việc siết room tín dụng trong phần lớn thời gian của quý III sẽ phần nào ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh và mở rộng của các doanh nghiệp trong thời gian còn lại của năm.
Điều này cũng ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 2% trong chương trình phục hồi phát triển kinh tế khi sau 3 tháng thực hiện, số tiền lãi đã hỗ trợ chỉ đạt 1,02 tỷ đồng.
Sắp tới, VDSC kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước có thể điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng tín dụng cho phù hợp hơn với nhu cầu thực tế, tăng trưởng tín dụng cả năm ước có thể đạt 16%.
Các chuyên gia phân tích cho rằng, từ cuối tháng 6 đến nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn sử dụng đều đặn công cụ trên thị trường mở để điều tiết thanh khoản tiền đồng trong hệ thống, từ đó phần nào giảm bớt áp lực lên tỷ giá. Hiện tại, quan sát của VDSC cho thấy xu hướng chủ đạo vẫn là hút ròng, và nhóm phân tích phán đoán hướng điều tiết thanh khoản sẽ đảm bảo lãi suất cho vay tiền đồng trên thị trường liên ngân hàng dao động trong một biên độ cho phép, có thể từ 3,5-4,5%/năm.
''Khả năng dự báo, linh hoạt với diễn biến thị trường, giảm bớt sự lệch pha không cần thiết trong điều hành chính sách tiền tệ sẽ là những vấn đề NHNN có thể sẽ cần cân nhắc trong thời gian tới'', các chuyên gia phân tích nhận định.