Huyện Mộc Châu tỉnh Sơn La có 1.879 ha chè. Cây chè đóng vai trò quan trọng trong đời sống và đã trở thành loại cây chủ lực trong phát triển kinh tế của Mộc Châu, hàng nghìn hộ dân đã có cuộc sống ổn định, ấm no nhờ cây chè.
Tuy nhiên, từ năm 2020 đến nay, dịch Covid -19 diễn biến phức tạp gây khó khăn cho sản xuất, chế biến kinh doanh chè trên địa bàn. Do đó, bên cạnh các giải pháp ổn định sản xuất, tiêu thụ, xây dựng vùng nguyên liệu chất lượng cao thì Mộc Châu đã gắn vùng chè nguyên liệu với du lịch sinh thái.
Công ty cổ phần Vinatea Mộc Châu - đơn vị sản xuất kinh doanh chè lớn trên địa bàn huyện Mộc Châu, hằng năm Vinatea sản xuất trên 2.500 tấn chè thương phẩm, doanh thu đạt trên 120 tỷ đồng. Ban giám đốc công ty cũng nhận định rằng, các hoạt động du lịch có những tác động tích đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty. Gắn chè với sinh thái là “cánh tay dài” nối người tiêu dùng đến với thương hiệu chè.
Những đơn vị kinh doanh nằm trong quy hoạch Khu du lịch Quốc gia Mộc Châu như Vinatea đã tận dụng tốt nguồn lực có sẵn từ vùng nguyên liệu, gắn trà với du lịch sinh thái từ đó tạo ra nhiều cơ hội quảng bá sản phẩm chè Mộc Châu đến người tiêu dùng..
Đồi chè trái tim tại Nông trường Mộc Châu cũng là một trong những điểm đến thu hút đông đảo du khách khi đến với Mộc Châu. Khi đến vụ thu hoạch, du khách không chỉ tham quan, chụp hình mà còn được trải nghiệm tự tay hái những búp chè tươi xanh nhờ sự chỉ dẫn của những công nhân, người trồng chè nơi đây. Những hoạt động này đã mang đến cho du khách trải nghiệm rất thú vị, giúp họ hiểu hơn về mảnh đất và con người nơi cao nguyên tươi đẹp này.
Một trong những hoạt động để giới thiệu, quảng bá sản phẩm trà Mộc Châu, tôn vinh những người sản xuất, kinh doanh chè và đồng thời cũng là dịp thu hút du khách đến với vùng cao nguyên tươi đẹp chính là Ngày hội trà trên cao nguyên nơi đây được tổ chức hàng năm.
Đây cũng là dịp thu hút các nhà đầu tư; tạo cơ hội hợp tác phát triển giữa các doanh nghiệp; hợp tác xã sản xuất, kinh doanh chè trong huyện với các doanh nghiệp ngoài huyện; góp phần tạo việc làm ổn định và tăng thu nhập cho người trồng chè của huyện Mộc Châu. Qua đó, tạo sự tương hỗ, phát triển du lịch nông nghiệp “Thăm quan vùng chè Mộc Châu” nhằm tiếp tục thu hút đông đảo khách du lịch đến với Khu du lịch quốc gia Mộc Châu.
Năm nay, do dịch bệnh nên Ngày hội trà trên cao nguyên gặp khó để tổ chức, thay vào đó, công nghệ thực tế ảo (Virtual Reality - VR), với sự hỗ trợ của điện thoại thông minh, máy tính, kính thực tế ảo, tai nghe, ghế tạo hiệu ứng..., người dùng có thể trải nghiệm cảm giác sống động y như thật của điểm đến đã được số hóa trên môi trường 3D được triển khai khiến du khách rất thích thú.
Tour du lịch ảo khám phá Mộc Châu (tỉnh Sơn La) cũng đã được thực hiện với sự trợ giúp của kính VR, tai nghe... Chỉ bằng thao tác chuyển cảnh đơn giản, người xem sẽ được ngắm quang cảnh hùng vĩ của thác Dải Yếm, nghe tiếng thác chảy, ngắm những đồi chè xanh ngan ngát, ngắm rừng thông bản Áng thơ mộng và trải nghiệm đi dạo vòng quanh các vườn hoa như ở ngoài đời thực.
Theo Ban Quản lý Khu Du lịch Quốc gia Mộc Châu, số hóa là bước đầu tiên để đơn vị này xây dựng du lịch ảo. Theo đó, toàn bộ không gian sẽ được quét bằng các thiết bị hiện đại nhất như flycam (máy bay quay phim không người lái), thiết bị chụp ảnh 360. Đến khâu xử lý dữ liệu, tất cả hình ảnh, video 360 độ được ghép và liên kết với nhau bằng phần mềm chuyên dụng, từ đó cho ra sản phẩm chuyến du lịch 360 độ. Hiện, ban quản lý đã xây dựng được hơn 10 chương trình du lịch ảo và thử nghiệm quảng bá trên trang web của đơn vị này.
Để phát triển ngành chè gắn với du lịch bền vững, hiện nay các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh đang chú trọng áp dụng giải pháp công nghệ sạch, an toàn trong sản xuất chè; tăng cường các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm thông qua các ngày hội, lễ hội để phát triển sản xuất, mở rộng thị trường cũng như thu hút du khách.
Đồng thời, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển hình thức du lịch đồng chè, tuyên truyền cho cán bộ, công nhân viên, người lao động và khách du lịch không xả rác thải ra các đồng chè gây ô nhiễm môi trường và làm ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch của cao nguyên Mộc Châu…
Bà Cao Thị Hồng - Phó Tổng Giám đốc Vinatea cho biết, trước khó khăn của đại dịch, Vinatea hiện nay cũng đang gặp phải tình trạng cạnh tranh về ngành khi các khu công nghiệp liên tục phát triển xung quanh khu vực sản xuất đang dần thu hút người dân lao động, giờ đây doanh nghiệp đang tính đến việc sử dụng lao động làm sao cho thật hiệu quả. Phải đưa lợi ích của người trồng chè lên trên, tạo cuộc sống dư dả giúp phát triển kinh doanh trung và dài hạn.
“Để ổn định năng lượng sản xuất, thì việc bảo đảm nguồn thu nhập cho người dân trồng chè hiện nay là cực kỳ quan trọng. Trong thời gian tới, Vinatea cũng đang có hướng phát triển xây dựng khu du lịch sinh thái kết hợp với nông nghiệp chè để đảm bảo sự đầu tư lâu dài cũng như đảm bảo thu nhập cho người dân lao động”.
Với các giải pháp đồng bộ mà chính quyền, doanh nghiệp Mộc Châu đang áp dụng, tin tưởng rằng, doanh nghiệp và người dân đang thực hiện, tin tưởng rằng, ngành chè Mộc Châu sẽ sớm ổn định, phát triển, vượt qua khó khăn do đại dịch Covid - 19 gây ra.
* Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.