Đưa sản phẩm chè lên sàn thương mại điện tử, giải pháp tiêu thụ hiệu quả thời COVID

Tiêu thụ trong nước gặp khó do lưu thông khó khăn bởi các lệnh giãn cách xã hội, xuất khẩu ra thị trường nước ngoài cũng gặp khó do chi phí vận tải tăng… khiến hàng tồn kho của ngành chè ở mức cao. Nhiều doanh nghiệp đã có cách làm sáng tạo khi đưa sản phẩm chè lên sàn thương mại điện tử, bán online để tháo gỡ khó khăn này.

Tiêu thụ chè gặp khó, bán hàng online “lên ngôi”

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu chè trong tháng 8/2021 đạt 10,3 nghìn tấn, trị giá 17,4 triệu USD, giảm 22,2% về lượng và giảm 20,2% về trị giá so với tháng 8/2020. Tính chung trong 8 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu chè đạt 79,9 nghìn tấn, trị giá 133 triệu USD, giảm 5,6% về lượng và giảm 1,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Giá chè xuất khẩu bình quân trong tháng 8/2021 đạt 1.685,9 USD/tấn, tăng 2,5% so với tháng 8/2020.

Trong 8 tháng đầu năm 2021, giá chè xuất khẩu bình quân đạt 1.664 USD/tấn, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2020. Tính đến thời điểm này kinh tế toàn cầu đã vượt qua giai đoạn khủng hoảng nặng nề nhất và đang nỗ lực duy trì đà hồi phục nhờ việc đẩy mạnh tiến trình tiêm chủng vắc xin.

Sản phẩm chè Shan tuyết Hồng Thái lên sàn thương mại điện tử Smartgap.
Sản phẩm chè Shan tuyết Hồng Thái lên sàn thương mại điện tử Smartgap.

Tuy nhiên, tại thị trường trong nước, tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp khiến nhiều nhà máy chế biến chè phải tạm dừng sản xuất, tác động tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu. Do đó, lượng và trị giá xuất khẩu chè trong tháng 8/2021 giảm mạnh.

Triển vọng xuất khẩu chè trong thời gian tới sẽ phụ thuộc rất lớn vào kết quả của việc kiểm soát dịch bệnh cũng như tiến trình tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19.

Ở trong nước, mặc dù nhu cầu tiêu thụ chè ở mức cao nhưng khó khăn do lưu thông, vận chuyển bởi các lệnh giãn cách, phong tỏa để phòng chống dịch… nên tình hình tiêu thụ sản phẩm này gặp khó khăn.

Để tháo gỡ khó khăn này, các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), các chủ thể OCOP đã nỗ lực để đưa nông sản và đặc biệt là sản phẩm chè bán hàng qua Online và Livestream lên các trang mạng xã hội và hướng đến đưa lên sàn thương mại điện tử (TMĐT). Xác định, đây là giải pháp hữu hiệu giúp các doanh nghiệp, HTX, nông dân giải quyết lượng hàng hóa bị ùn ứ, mở rộng thị trường và tiếp cận với xu thế thương mại công nghệ số.

Tại Tuyên Quang, trước thực trạng nông sản của người dân gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, Bưu điện tỉnh đã đẩy mạnh các hoạt động kết nối, hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân trong và ngoài tỉnh bằng cách đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử Postmart.

Bà Phạm Thúy Vinh, Trưởng phòng Kế hoạch - Kinh doanh, Bưu điện tỉnh đã đề xuất với các cơ quan chức năng tại tỉnh tham gia hỗ trợ trực tiếp nông dân tiêu thụ nông sản qua các kênh truyền thống như trực tiếp thu gom, mua hàng; đưa các mặt hàng nông sản lên sàn thương mại điện tử Postmart; hỗ trợ vận chuyển nông sản, hàng hóa thiết yếu từ Tuyên Quang đi các tỉnh, thành phố và ngược lại.

Đặc biệt, đối với việc mở rộng kênh tiêu thụ sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, Bưu điện tỉnh đã tăng cường bố trí nhân viên đến các doanh nghiệp, hợp tác xã để tư vấn, hướng dẫn đưa sản phẩm lên sàn Postmart. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có 15 sản phẩm nông nghiệp của các đơn vị đã lên sàn thương mại điện tử Postmart. Trong đó có các sản phẩm nổi tiếng như chè xanh Ngọc Thúy của HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Sử Anh (TP Tuyên Quang)...

Sản phẩm chè xanh Ngọc Thúy của HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Sử Anh, phường Mỹ Lâm (TP Tuyên Quang) lên sàn thương mại điện tử Postmart.
Sản phẩm chè xanh Ngọc Thúy của HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Sử Anh, phường Mỹ Lâm (TP Tuyên Quang) lên sàn thương mại điện tử Postmart.

Anh Nguyễn Công Sử, Giám đốc HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Sử Anh, phường Mỹ Lâm (TP Tuyên Quang) cho biết, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng tới lượng tiêu thụ chè của HTX, sau khi được tư vấn của nhân viên Bưu điện tỉnh, anh đã hoàn thiện các thủ tục hồ sơ và đưa 7 sản phẩm chè lên sàn thương mại điện tử Postmart. Qua đánh giá, lượng tiêu thụ các sản phẩm chè của HTX đã tăng lên, từ ngày sản phẩm lên sàn đến nay (7-8), bình quân mỗi ngày HTX nhận từ 10 đến 15 đơn hàng, mỗi đơn hàng từ 2 đến 3 kg chè khô.

Trong khi đó, tại huyện Na Hang, sản phẩm chè Shan tuyết Hồng Thái của HTX Sơn Trà, xã Hồng Thái (Na Hang) đã chính thức lên sàn thương mại điện tử Smartgap.

Hiện diện tích vùng nguyên liệu chè của HTX Sơn Trà tại xã Hồng Thái là 64 ha, gồm 20 thành viên tham gia. Năm 2020, HTX bán ra thị trường trên 6 tấn chè thương phẩm, với giá từ 500 nghìn đến 1,5 triệu đồng/kg tùy loại, tổng doanh thu của HTX đạt trên 4 tỷ đồng.

Sàn giao dịch thương mại điện tử Smartgap do Công ty TNHH Smartgap Việt Nam thành lập từ tháng 6-2019. Mục đích Smartgap hướng đến là một hệ thống tiêu chuẩn độc lập về trồng trọt, chăn nuôi, nông nghiệp và sản xuất nông sản theo các tiêu chuẩn quốc tế. Tất cả các sản phẩm trên Smartgap sẽ được dán tem có mã QR code truy xuất, được cấp chứng nhận và đóng dấu tiêu chuẩn…

Đào tạo công nghệ, kỹ năng bán hàng cho người dân

Tại Thái Nguyên, nhằm giúp doanh nghiệp và người dân tiếp cận với cách bán hàng này, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) đã tổ chức chương trình đào tạo trực tuyến cho các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) sản xuất, kinh doanh chè trên địa bàn tỉnh.

Tại chương trình, các doanh nghiệp, HTX đã được các các chuyên gia chia sẻ nhiều thông tin hữu ích về: Tổng quan thương mại điện tử Việt Nam năm 2021 – Cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp; cách thức tiếp cận và xây dựng chiến lược tiếp thị trực tuyến cho doanh nghiệp; các giải pháp ứng dụng thực tiễn (Facebook; Google; Livestream; Tiktok;...); tăng trưởng kinh doanh với mô hình bán lẻ đa kênh Omni-channel; giải pháp bán hàng trên sàn thương mại điện tử.

Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) đã tổ chức chương trình đào tạo trực tuyến cho các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) sản xuất, kinh doanh chè trên địa bàn tỉnh.
Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) đã tổ chức chương trình đào tạo trực tuyến cho các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) sản xuất, kinh doanh chè trên địa bàn tỉnh.

Tại Hà Nội, để hỗ trợ cho các doanh nghiệp, HTX, các chủ thể sản phẩm OCOP vượt qua khó khăn, thời gian qua, Văn phòng Điều phối xây dựng Nông thôn mới Hà Nội đã tổ chức một số chương trình livestream, nhằm hỗ trợ việc tiêu thụ sản phẩm OCOP trên địa bàn Hà Nội; mở các lớp tập huấn trực tuyến miễn phí cho các chủ thể nhằm thúc đẩy sản xuất, hỗ trợ kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm OCOP. Khoá học với nội dung chuyên sâu về phương thức, kỹ năng bán hàng online, livestream để tiêu thụ sản phẩm chè và các sản phẩm OCOP.

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Hà Nội đã có nhiều giải pháp tích cực để hỗ trợ doanh nghiệp, HTX ứng dụng công nghệ số để tiêu thụ sản phẩm bằng cách mở ra kênh bán hàng mới trên mạng xã hội. Đây được xem là đòn bẩy để các doanh nghiệp, HTX và các chủ thể sản phẩm OCOP làm quen với sàn TMĐTtrong thời đại công nghệ số hiện nay.

Đánh giá về vai trò của việc bán hàng qua kênh thương mại điện tử, chia sẻ với báo chí, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho rằng, việc đưa sản phẩm nông sản tươi và các sản phẩm nông sản có tiềm năng của các địa phương lên các sàn thương mại điện tử là một trong những phương thức bán hàng hiệu quả, đặc biệt là trong thời kỳ dịch bệnh.

* Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.