Công ty CP Dược phẩm Imexpharm (Imexpharm; mã chứng khoán IMP) vừa công bố kết quả kinh doanh quý 3/2023. Theo đó, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 467 tỷ đồng, tăng gần 12% so với cùng kỳ (417 tỷ đồng). Lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 181 tỷ đồng, tăng hơn 5,2% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, doanh thu hoạt động tài chính của Imexpharm đạt 6,3 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số khiêm tốn 1,3 tỷ đồng cùng kỳ năm 2022. Chi phí quản lý doanh nghiệp cũng giảm hơn 25% xuống mức 22,3 tỷ đồng. Trong khi, chi phí tài chính của doanh nghiệp tăng gần 39% lên mức 8,2 tỷ đồng.
Trừ các chi phí, Imexpharm lãi sau thuế gần 70 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ. Đây cũng là mức lãi quý 3 cao kỷ lục của Dược phẩm Imexpharm kể từ khi niêm yết trên HOSE từ tháng 12/2006.
Doanh nghiệp cho biết, mức tăng doanh thu đến từ hoạt động mở rộng thị trường trong quý 3, kết hợp cùng việc cơ cấu lại danh mục sản phẩm, quản lý chi phí hiệu quả để không chế mức tăng chi phí. Qua đó, lợi nhuận trong kỳ tiếp tục tăng trưởng.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm, Imexpharm đạt gần 1.400 tỷ đồng doanh thu, tăng 28% so với cùng kỳ, thực hiện được 79% kế hoạch năm; lợi nhuận trước và sau thuế lần lượt đạt 286 tỷ đồng và 227 tỷ đồng, tăng 45%, đạt 82% kế hoạch lãi trước thuế được ĐHĐCĐ 2023 thông qua.
Tình hình kinh doanh tiếp tục khởi sắc, giúp Imexpharm báo lãi 9 tháng đầu năm 2023 đạt hơn 227 tỷ đồng. Trong khi, năm 2022 là năm tài chính báo lãi kỷ lục của doanh nghiệp chỉ đạt gần 224 tỷ đồng. Như vậy, chỉ cần không báo lỗ trong quý 4/2023, Imexpharm sẽ tiếp tục thiết lập được kỷ lục mới về lợi nhuận.
Tiền thân là Công ty Dược phẩm Cấp II thành lập năm 1977. Năm 2001, chuyển đổi thành Công ty CP Dược phẩm Imexpharm với số vốn điều lệ là 22 tỷ đồng. Năm 2006, công ty chính thức niêm yết cổ phiếu trên Sở giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh với mã IMP. Năm 2013, doanh nghiệp đã có bước cải tiến mới trong sản xuất với việc sử dụng nguyên liệu sản xuất bằng công nghệ lên men (Enzymatic) của tập đoàn DSP Tây Ban Nha cho các dòng sản phẩm kháng sinh. Năm 2016, Imexpharm trở thành công ty dược đầu tiên trong nước cùng lúc đạt được Chứng nhận EU-GMP của Bộ Y tế Tây Ban Nha (thuộc khối ICH) cho cả 03 dây chuyền của Nhà máy Công nghệ cao Betalactam Bình Dương là Cephalosporin (dây chuyền thuốc viên và dây chuyền thuốc tiêm) và Penicillin (dây chuyền thuốc tiêm).
Imexpharm là công ty sản xuất thuốc Generics chất lượng hàng đầu Việt Nam, nổi tiếng với các dòng kháng sinh được giới chuyên môn tin dùng. Với slogan “Sự cam kết ngay từ đầu”, Imexpharm cam kết giữ vững lời hứa trước sau như một, gắn bó với khách hàng, quyết đi theo con đường đã chọn; cung cấp các giải pháp hiệu quả cao cho sức khỏe cộng đồng. Imexpharm tự hào là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam đạt tiêu chuẩn GMP-ASEAN. Công ty trở thành đối tác sản xuất nhượng quyền của nhiều tập đoàn dược đa quốc gia hàng đầu thế giới như: Sandoz, Robison Pharma, DP Pharma, Galien, Pharmacience Canada, Sanofi – Aventis. Chưa dừng lại ở đó, Imexpharm luôn quan tâm cải tiến công nghệ, chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, nhân lực để mang đến những sản phẩm, dịch vụ chất lượng.
Tại thời điểm cuối tháng 9/2023, tổng tài sản của Imexpharm là 2.486 tỷ đồng, tăng gần 210 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, tài sản dài hạn của doanh nghiệp gần như đi ngang ở mức 1.183 tỷ đồng. Số tăng kể trên đến từ phần gia tăng tài sản ngắn hạn của doanh nghiệp tăng hơn 18% so với đầu năm lên mức 1.303 tỷ đồng.
Đáng chú ý, lượng tiền nắm giữ (gồm tiền mặt, các khoản tương đương và tiền gửi dưới 1 năm) của doanh nghiệp còn 201 tỷ đồng, bằng phân nửa đầu năm. Giá trị hàng tồn kho tăng mạnh 76%, lên mức hơn 771 tỷ đồng.
Nợ phải trả của doanh nghiệp tính đến cuối tháng 9/2023 là 474 tỷ đồng (100% là nợ ngắn hạn), tăng 24% so với đầu năm.
Vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp đạt 2.012 tỷ đồng, tăng 6,2% so với đầu năm. Như vậy, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp là 0,23 lần.
Tiến Hoàng