“Thuốc bổ của rừng”
Hình ảnh những gốc chè Ô Long cổ thụ hay còn gọi chè “tiến vua” đã quá quen thuộc với cộng đồng người thiểu số tại xã An Toàn, huyện An Lão (Bình Định).
Từ xa xưa, người An Lão đã biết hái và sử dụng lá của những cây chè này làm thức uống thanh lọc cơ thể trong những lần đi rừng hoặc chăn thả gia súc.
Tuy nhiên không có tài liệu nào hay một ai biết tuổi đời xác thực của những gốc chè cổ thụ tự nhiên trên, họ chỉ biết từ thời ông bà đã sử dụng lá những cây chè trên làm nước uống từ đời này qua đời khác hàng trăm năm.
Cũng có nhiều giai thoại về rừng chè tự nhiên này, sở dĩ người dân hay gọi là chè “tiến vua” vì loại chè này mọc nơi rất cao trong rừng tự nhiên, nơi đây quanh năm được bảo phủ bởi sương mù thuần khiết nên rất khó tiếp cận, thu hái.
Từ đó, hương vị những cây chè tại đây mang nét đặc trưng riêng nên ngày xưa, chỉ có vua và quan lại triều đình mới được thưởng thức. Hằng năm, người dân dâng tặng chè lên cho vua để biểu thị lòng tôn kính.
Tại Bãi cỏ Gia Long (nơi chăn thả gia súc của vua Gia Long ngày xưa) tại thôn 2, xã An Toàn rộng khoảng 1,9 ha có đến nghìn gốc chè cổ thụ trên trăm tuổi nên cũng có người cho rằng, những gốc chè trên được có từ thời ấy.
Điểm đặc biệt của cây chè Ô Long tại đây, khi nấu nước sẽ ánh lên màu vàng sánh rất đẹp, người uống vào có vị đắng ở đầu lưỡi, ngọt hậu, thơm ngon và có mùi đặc trưng.
Và cũng theo cộng đồng người thiểu số nơi đây, từ thời ông bà đã biết dùng nước của lá chè này uống để mát gan, thanh lọc cơ thể nên vẫn hay được gọi là "thuốc bổ của rừng".
Nằm ở độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển, việc thu hái lá, búp từ những cây chè Ô Long tại các khu rừng tự nhiên tại xã An Toàn, huyện An Lão của người dân cũng khó khăn.
Việc thu hái từ những cây chè tầm thấp, mọc rải rác không đủ, người dân phải lội 30 phút vào sâu trong rừng để đến được những cây chè Ô Long cổ thụ. Tại đây, người dân phải bắc thang, bắc giàn lên những cây cao hơn 10m mới có thể thu hái được nhiều hơn.
Phương án bảo tồn và phát triển
An Lão là huyện miền núi của tỉnh Bình Định, phía Bắc giáp Quảng Ngãi, phía Tây giáp Gia Lai. Huyện có khí hậu mát mẻ quanh năm, với nhiều đồi núi, thác đá, dòng suối, rừng và rừng nguyên sinh.
Xã An Toàn, huyện An Lão nằm ở độ cao 1.000m so với mực nước biển, không khí trong lành, sương mù phủ quanh năm. Có lẽ, đây là điều kiện tự nhiên quan trọng quyết định đến cây chè ở đây có chất lượng hơn hẳn nhiều vùng, miền khác.
Sau khi phát hiện rừng chè tự nhiên nay, tỉnh Bình Định đã lên phương án bảo tồn, đồng thời khai thác hiệu quả để đưa sản phẩm này trở thành sản phẩm đặc trưng
Qua khảo sát của Sở NN&PTNT Bình Định ở 2.000 ha rừng tự nhiên tại xã An Toàn, huyện An Lão, có đến 493 cây chè cổ thụ. Trong đó, cây có đường kính gốc nhỏ nhất là 10cm, chiều cao từ 3,5m đến hơn 9m, tán 0,4-7m.
Cây lớn nhất hiện tại có đường kính 44cm, cao hơn 13m, tán rộng 7m mọc sừng sững tại khoảnh 11a, Tiểu khu 37, xã An Toàn. Đây là cây chè cổ thụ lớn nhất từ trước đến nay, được phát hiện ở cánh rừng này mà người dân địa phương quen gọi là cây chè "tiến vua”.
Hiện Ban quản lý Rừng đặc dụng An Toàn (Sở NNPTNT tỉnh Bình Định) đã bấm tọa độ, đánh số 242 lên cây chè trên để bảo vệ.
Ngoài ra, còn kiểm đếm được hơn 5.000 cây nhỏ mọc rải rác trong rừng, trong nương rẫy của bà con. Để bảo tồn, hiện Sở NN&PTNT đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động bà con không chặt phá, xâm hại cây và thường xuyên tuần tra, bảo vệ để giữ cây.
Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định cho biết, để bảo vệ những cây chè cổ thụ ở khu rừng, chúng tôi đã giao nhiệm vụ cho Ban quản lý Rừng đặc dụng An Toàn kiểm tra, thống kê, tiến hành bấm số, gắn tọa độ mỗi cây để đưa vào bảo tồn, bảo vệ nghiêm ngặt.
“Nhiều thế hệ, bà con ở đây đã sử dụng lá chè tự nhiên này nấu nước uống hằng ngày. Tuy nhiên, sau khi được tuyên truyền bà con mới hiểu rằng có thể mang lại thu nhập khi thu hái. Hiện Sở NN&PTNT bước đầu đang phối hợp với chính quyền địa phương triển khai các bước đưa chè trở thành sản phẩm hàng hoá”, ông Phúc cho hay.
UBND huyện An Lão vừa đề xuất UBND tỉnh Bình Định cho phép quy hoạch bảo tồn và phát triển chè cổ thụ Ô Long. Theo định hướng, chè tiến vua An Toàn sẽ là sản phẩm đặc trưng địa phương, làm quà tặng chất lượng cao phục vụ du lịch.
UBND huyện An Lão cũng đã lập các thủ tục đăng ký nhãn hiệu và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu "Chè tiến vua An Toàn - An Lão". Huyện đã đăng ký chứng nhận sản phẩm OCOP đối với sản phẩm này.
Theo đề xuất mới nhất của địa phương, vùng chè "tiến vua" sẽ được quy hoạch và bảo tồn theo hướng phục vụ du lịch trải nghiệm cộng đồng. Lãnh đạo huyện An Lão cho biết, việc quy hoạch sẽ góp phần bảo tồn được diện tích chè cổ thụ, xây dựng và hình thành không gian văn hóa gắn với chè tiến vua An Toàn.
Mục tiêu của địa phương là tạo sinh kế phát triển bền vững cho người dân, đặc biệt là giúp cộng đồng người Ba-na bám đất, bám rừng và sống nhờ những sản vật dưới tán rừng,
Toàn bộ gốc chè sẽ được khoanh vùng, bảo vệ và chăm sóc để có thể khai thác sản phẩm. Huyện An Lão sẽ tham vấn các đơn vị có chuyên môn để thực hiện nghiên cứu sâu hơn về công tác bảo tồn nhằm nhân giống chè. Trước mắt, các đơn vị đã tiến hành đánh giá hàm lượng các dược chất có trong chè tự nhiên để nghiên cứu các sản phẩm.
"Trong thời gian tới, dự kiến sẽ sản xuất 1.500 hộp trà túi lọc, trà dưỡng sinh. Sau khi thử nghiệm xong, chúng tôi sẽ bắt đầu sản xuất các loại trà từ cây chè tiến vua này", Ông Đỗ Tùng Lâm, Quyền Chủ tịch UBND huyện An Lão (Bình Định) cho biết.
Vừa qua, UBND tỉnh Bình Định đã yêu cầu Sở NNPTNT, Sở Tài chính và UBND huyện An Lão đẩy nhanh thực hiện Đề án phát triển sản phẩm chè "tiến vua" tại xã An Toàn, huyện An Lão.
Nói về việc sản xuất chè tiến vua ở An Lão, ông Hồ Quốc Dũng - Bí thư Tỉnh ủy Bình Định cho biết, mô hình sản xuất này rất ý nghĩa vì sẽ giúp cho địa phương phát triển du lịch văn hoá, gắn kết phát triển sản phẩm chè, tạo ra sản phẩm đặc trưng, thu hút du khách đến với vùng đất An Toàn; tạo công việc ổn định cho người dân, từng bước thoát nghèo.
“Dự án chè tiến vua, lãnh đạo tỉnh rất quan tâm và sẽ có các hướng hỗ trợ thiết thực nhất trong việc phát triển dự án tại xã An Toàn. Ngoài ra, Ban Quản lý rừng đặc dụng An Toàn 2 cần kiểm đếm đầy đủ về số lượng cây chè hiện có trên địa bàn rừng quản lý, để có nguồn nguyên liệu ổn định…”, ông Hồ Quốc Dũng khẳng định.
Ngày 2/8, UBND tỉnh Bình Định đã chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp nhập nhà đầu tư đối với Công ty Cổ phần và Dịch vụ Q-Link ở phường Nguyễn Văn Cừ, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định xây dựng Nhà máy sản xuất trà "tiến vua" tại xã An Toàn, huyện An Lão. Tổng vốn đầu tư dự án này gần 5 tỷ đồng, công suất hơn 86 kg trà/năm; Tiến độ thực hiện dự án từ quý 2/2024 đến quý 4/2025.
UBND tỉnh Bình Định giao UBND huyện An Lão phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện các thủ tục về đất đai theo quy định; thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng rừng theo quy định.
Trong quá trình triển khai thực hiện dự án, nhà đầu tư có trách nhiệm hoàn thiện các công trình theo quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 được phê duyệt; thực hiện dự án đúng quy mô, tiến độ và các cam kết trong hồ sơ đăng ký thực hiện dự án.