Niềm vui trước thêm năm học mới

Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho tương lai, cho kỷ nguyên mới của dân tộc. Kỷ nguyên mới đang tới, chăm lo cho sự nghiệp trồng người phải mất nhiều thập kỷ. Bởi thế, nghị quyết liên quan đến hoạt động giáo dục tại kỳ họp Quốc hội lần này mang ý nghĩa thiết thực, tạo nên khí thế mới để các em học sinh bước vào năm học 2025-2026 trong niềm vui mới.

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV vừa kết thúc, cử tri cả nước luôn dõi theo tiến trình, nội dung và rất vui mừng chào đón kết quả của kỳ họp. Trong đó, phải kể đến việc Quốc hội thông qua Nghị quyết Miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc gia. Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày 28/6/20225.

Năm học 2023-2024, cả nước có 23,2 triệu học sinh (khối công lập có 21,5 triệu, khối ngoài công lập có 1, 7 triệu). Nếu thực hiện nghị quyết này cần tổng kinh phí là 30.600 tỷ đồng, trong đó cho khối công lập 28.700 tỷ, cho khối dân lập, tư thục là 1.900 tỷ đồng. Số kinh phí này không nhỏ, đặt trong điều kiện kinh tế- xã hội đất nước ta hiện nay, cần phải dảnh nguồn lực cho nhiều lĩnh vực quan trọng khác, thì đây là cố gắng không nhỏ, thể hiện quyết tâm chính trị rất cao của Đảng, Nhà nước. Trong kỳ họp này, ý kiến đại biểu quốc hội còn đề xuất hỗ trợ bữa trưa cho học sinh tiểu học, trung học cơ sở ở các xã biên giới.

Niềm vui trước thêm năm học mới - Ảnh 1

Đầu năm nay, khi làm việc với lãnh đạo thành phố Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm đã gợi mở rất cụ thể việc Thành phố làm sao thu xếp bữa ăn trưa miễn phí cho học sinh các cấp mầm non, phổ thông của thành phố. Ông còn chỉ ra số tiền cần chi là bao nhiêu? Những thông tin trên như luồng gió mát lành giữa mùa hè oi bức, làm mát lòng các em học sinh và các bậc phụ huynh. Bằng hành động cụ thể của các tổ chức đơn vị liên quan, cả hệ thống chính trị đang “hiện thực hóa” định hướng chỉ đạo của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội với mục tiêu con người là trung tâm. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có hướng dẫn các đơn vị liên quan triển khai lấy ngân sách nhà nước cấp bù kinh phí miễn, giảm cho cơ sở giáo dục đối với người học tại cơ sở giáo dục công lập. Cấp trực tiếp đối với người học tại cơ sở giáo dục dân lập, tư thục. Chính sách này sẽ đảm bảo cơ hội cho các em mọi lứa tuổi đều bình đẳng tiếp cận giáo dục, thể hiện tính nhân văn, an sinh sâu sắc của chế độ xã hội ta.

Với sự chăm lo cụ thể, thiết thực này, những học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn thì đây được coi là “cứu cánh”. Thời gian tới, nhà nước sẽ tiếp tục nghiên cứu làm thế nào duy trì thường xuyên việc hỗ trợ tiền ăn cho học sinh nghèo, khắc phục việc tăng phụ phí trong các nhà trường. Phụ huynh học sinh luôn mong mỏi nhà nước sớm nghiên cứu, ban hành hành lang pháp lý tường minh hơn để ngành giáo dục thuận lợi trong việc xã hội hóa, tận dụng các nguồn lực trong xã hội nhằm xây dựng cơ sở vật chất phục vụ cho việc dạy và học hiệu quả hơn. Chủ trương của Đảng và Chính phủ phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non. Nghị quyết Quốc hội trong kỳ họp này góp phần củng cố niềm tin của người dân về giáo dục là quốc sách hàng đầu.

Thực tế, việc xã hội hóa hoạt động chăm lo sự nghiệp trồng người trong các năm qua đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Không ít địa phương, tỉnh, thành dù kinh tế - xã hội còn khó khăn song luôn có tinh thần chủ động kết nối với báo chí, truyền thông để huy động các “Mạnh thường quân” triển khai các sáng kiến trong “cái khó ló cái sáng tạo” nhằm hỗ trợ cho ngành giáo dục địa phương. Hàng trăm ngôi trường, lớp học, bếp ăn, chỗ ở khang trang được khánh thành. Hàng vạn em học sinh được ăn chưa no, ngủ không ngon giấc thiếu dinh dưỡng... thì nay đã được no, ăn đủ dinh dưỡng, được học dưới mái trường nội trú, bán trú vững bền, kiến trúc đẹp, ấm mùa đông, mát về mùa hè.

Cuộc sống của các em dường như đã được “sang trang mới” nhờ vào sự giúp đỡ nhiệt tình, vô tư trong sáng của biết bao tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp. Chương trình, dự án thiện nguyện như “Tiếp sức đến trường”; “Bữa cơm có thịt; “Áo ấm cho em”; “Chắp cánh ước mơ”; “Theo bước chân em đến trường”...đã làm nên sức mạnh cộng đồng to lớn, tình yêu thương con người lan tỏa rộng khắp cả nước. Đặc biệt, chương trình “Cặp lá yêu thương” của đài THVN phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội triển khai trong nhiều thập kỷ đã mang lại hiệu quả xã hội vô cùng to lớn. Những tấm gương thầy, cô, nhà kiến trúc sư, cán bộ, bác sĩ, bộ đội, công an, cộng đồng doanh nghiệp.. . được xã hội trân trọng ghi nhận, tôn vinh trong các chương trình tổng kết, gala tri ân nghĩa tình. Lá lành đùm lá rách, tinh thần tương thân tương ái - một miếng khi đói bằng một gói khi no đã khơi dậy và thổi bùng tình yêu thương của cộng đồng cùng chăm lo cho các con em mình. Nhờ đó, gánh nặng của công cuộc đổi mới giáo dục của Đảng, Nhà nước cũng phần nào được cộng đồng san sẻ.

“Phần nhiều do giáo dục mà nên” – ai ai cũng nhớ lời căn dặn mà Bác Hồ để lại cho thế hệ chúng ta khi nói về chăm lo vun xới thế hệ trẻ và nuôi dạy con trẻ. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho tương lai, cho kỷ nguyên mới của dân tộc. Kỷ nguyên mới đang tới, chăm lo cho sự nghiệp trồng người phải mất nhiều thập kỷ. Bởi thế, nghị quyết liên quan đến hoạt động giáo dục tại kỳ họp Quốc hội lần này mang ý nghĩa thiết thực, tạo nên khí thế mới để các em học sinh bước vào năm học 2025-2026 trong niềm vui mới.

VĂN HÙNG