Các gia đình được chuyên gia giới thiệu về Mạng lưới hỗ trợ trẻ em tự kỷ; nhận biết về rối loạn phổ tự kỷ; kỹ năng làm bạn với trẻ tự kỷ; xây dựng và thực hiện kế hoạch can thiệp cá nhân cho con; tiếp cận các phương pháp giáo dục trẻ tự kỷ thích hợp, khoa học và nâng cao nhận thức, chất lượng công tác chăm sóc trẻ tự kỷ và xây dựng mạng lưới phối hợp giữa các Trung tâm hỗ trợ với gia đình và cộng đồng. Trước đó, từ 22-24/5, các chuyên gia và bác sĩ đến từ bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 (TP. Hồ Chí Minh) đã khám cho khoảng 200 trẻ em bị tự kỷ trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
Dự án Nâng cao năng lực và hỗ trợ can thiệp cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ tỉnh Đắk Lắk do Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Đắk Lắk phối hợp Trung tâm hợp tác quốc tế tỉnh Jeollabuk (Hàn Quốc) thực hiện. Mục tiêu của dự án này sẽ giúp cho 100 trẻ rối loạn phổ tự kỷ được hỗ trợ hòa nhập cộng đồng; hỗ trợ đào tạo, nâng cao năng lực cho 40 cán bộ nòng cốt về công tác tuyên truyền, chăm sóc trẻ tự kỷ; 100 phụ huynh, 3.000 người dân, người chăm sóc trẻ tự kỷ, người làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, giáo viên, cán bộ can thiệp trẻ tự kỷ tại cộng đồng cũng được phổ biến kiến thức về tự kỷ. Tổng kinh phí của Dự án khoảng 39.000 USD.
Bà Trần Thị Hoa Mai, phó Chủ tịch Mạng lưới Tự kỷ Việt Nam cho biết, từ năm 2015, đơn vị phối hợp Trung tâm Sáng kiến sức khỏe Dân số xây dựng Wedsite hỗ trợ phụ huynh can thiệp cho con tự kỷ tại nhà. Trong vòng 5 năm qua, đã có gần 5.000 gia đình đăng ký nhận thông tin hỗ trợ miễn phí về các kiến thức, bài tập can thiệp cho tự kỷ tại nhà. Ngoài ra, nhiều cán bộ y tế, giáo viên tham gia vào Wedsite thu thập thêm thông tin phục vụ công tác giáo dục, chăm sóc trẻ tự kỷ.
Huỳnh Thủy
Theo Tiền phong