Gần 6,900 tỷ đồng được rót vào Vietnam Airlines từ Cổ đông Nhà Nước

Sau công bố tổng nợ tài chính 34.462 tỷ, Vietnam Airlines nhận được 6,900 tỷ đồng ngay trong giai đoạn hãng hàng không quốc gia cần vốn để vượt qua "cơn bão" Covid-19.

Ngày 13/09, SCIC đã chính thức giải ngân gần 6,900 tỷ đồng để mua cổ phiếu do Vietnam Airlines phát hành. Theo SCIC, mục tiêu của đợt rót vốn này là để tháo gỡ khó khăn cho hãng hàng không quốc gia trong bối cảnh dịch Covid-19.

Trước đó, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, HOSE: HVN) đã tổ chức huy động 8,000 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với mệnh giá 10,000 đồng/cp. Với tỷ lệ sở hữu 86.19% tại hãng hàng không quốc gia, Nhà nước - thông qua Ủy ban Quản lý Vốn Nhà nước - có quyền mua 689.5 triệu cổ phiếu và đã ủy quyền cho SCIC thực hiện giao dịch này.

Việc SCIC đầu tư mua cổ phiếu tại Vietnam Airlines góp phần bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh và cải thiện khả năng thanh toán trong ngắn hạn của Vietnam Airlines, hạn chế các tác động, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Thông tin trên được đưa ra giữa lúc cổ phiếu HVN có những bước hồi phục mạnh mẽ. Trong phiên ngày 13/09, cổ phiếu của hãng hàng không quốc gia tăng trần lên mức 26,800 đồng/cp, tức tăng hơn 18% chỉ trong 3 phiên và tăng hơn 40% so với thời điểm cuối tháng 7. Đây cũng là mức giá đóng cửa cao nhất mà HVN đạt được kể từ đầu năm 2020.

Gần 6,900 tỷ đồng được rót vào Vietnam Airlines ngay trong giai đoạn hãng hàng không quốc gia cần vốn để vượt qua "cơn bão" Covid-19.  
Gần 6,900 tỷ đồng được rót vào Vietnam Airlines ngay trong giai đoạn hãng hàng không quốc gia cần vốn để vượt qua "cơn bão" Covid-19.  

Trước đó, Vietnam Airlines cũng đã công bố báo cáo tài chính quý II/2021 với doanh thu thuần tăng 9% lên gần 6.537. Các chi phí cố định lớn khiến doanh nghiệp bị lỗ gộp hơn 3.497 tỷ đồng, cao hơn mức lỗ 2.865 tỷ cùng kỳ năm trước, tổng nợ tài chính 34.462 tỷ.

Doanh thu tài chính  giảm 84% xuống 141,5 tỷ đồng, chủ yếu do lãi chênh lệch tỷ giá giảm 82% về còn 131 tỷ đồng. Lãi tiền gửi, tiền cho vay bằng 1/5 cùng kỳ, ở mức 10,5 tỷ đồng. Tổng công ty cũng giảm được đáng kể chi phí bán hàng và chi phí tài chính, song chi phí quản lý phát sinh trong kỳ gần 454 tỷ đồng, tăng 76% so với quý II năm ngoái. Ngoài ra, kỳ này không ghi nhận khoản thanh lý, nhượng bán tài sản cố định như cùng kỳ, dẫn đến lợi nhuận khác còn hơn 5,2 tỷ đồng.

Doanh thu cung cấp dịch vụ của Vietnam Airlines giảm đến 11,3%, tương đương 544,7 tỷ đồng. Không chỉ hoạt động kinh doanh của công ty mẹ giảm, lợi nhuận của các công ty con có liên quan đến dịch vụ cung cấp hàng không cũng giảm như Veaco, Nasco…

Kết quả, tổng công ty ghi nhận khoản lỗ sau thuế cổ đông công ty mẹ hơn 4.449 tỷ đồng, mức lỗ cao thứ hai từ khi thành lập, chỉ sau kết quả quý I. Sau nửa đầu năm, lỗ sau thuế thuộc công ty mẹ lên đến 8.585 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ gần 5.263 tỷ. Với kết quả này, Vietnam Airlines đã điều chỉnh giảm hơn 754 tỷ đồng khoản lỗ sau thuế tại BCTC hợp nhất quý I từ 4.890 tỷ xuống 4.136 tỷ đồng.

Sau khoảng thời gian giảm mạnh từ tháng 4/2021, cổ phiếu HVN đột nhiên ghi nhận những bước tăng giá mạnh mẽ trong thời gian gần đây. Đà leo dốc của cổ phiếu Vietnam Airlines diễn ra trong bối cảnh khá lạ thường: Hãng hàng không quốc gia ghi nhận 6 quý lỗ liên tiếp, vốn chủ sở hữu bị âm 2,750 tỷ đồng và nợ ngắn hạn cao gấp 5 lần tài sản ngắn hạn.

Bên cạnh đó, Vietnam Airlines cũng từng nhận được gói giải pháp hỗ trợ tài chính 12,000 tỷ đồng từ Chính phủ, bao gồm huy động 8,000 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu và vay tái cấp vốn 4,000 tỷ đồng.