Theo đó, kế hoạch phát triển nhà ở của tỉnh trong giai đoạn tới là phát triển nhà ở theo cơ chế thị trường, phù hợp với các quy định của pháp luật; điều kiện tự nhiên, các điều kiện kinh tế-xã hội trong từng thời kỳ; phù hợp với các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt; hạn chế tình trạng đầu cơ, lãng phí tài nguyên đất trong phát triển nhà ở.
Tổng số dự án phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025 khoảng 559 dự án. Trong đó, nhà ở thương mại, khu đô thị, khu nhà ở, khép kín khu dân cư, hạ tầng kỹ thuật khu dân cư khoảng 513 dự án; nhà ở xã hội khoảng 18 dự án; nhà ở tái định cư (giao đất cho các hộ dân tự xây dựng nhà ở) khoảng 28 dự án.
Theo kế hoạch, diện tích đất được sử dụng để xây dựng nhà ở cần phải bố trí trong giai đoạn này khoảng 796,09 ha.
Trong đó, diện tích đất phát triển nhà ở thương mại khoảng 424,59 ha, diện tích đất phát triển nhà ở xã hội khoảng 53,13 ha, diện tích đất phát triển nhà ở tái định cư khoảng 24,27 ha và diện tích đất nhà ở dân tự xây là 294,09 ha. Tổng nguồn vốn cần có để phát triển nhà ở giai đoạn này khoảng hơn 77.300 tỷ đồng.
Liên quan đến các dự án nhà ở tại địa phương, UBND tỉnh mới đây đã có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư ba dự án Khu nhà ở tại lô đất Khu 1 (5,3 ha, tổng vốn dự kiến tối thiểu 1.176 tỷ đồng), Khu 2 (5,2 ha, tổng vốn dự kiến tối thiểu 1.386 tỷ đồng), và Khu 3 (3,4 ha, tổng vốn dự kiến tối thiểu 1.009 tỷ đồng), thuộc dự án Kè chống sạt lở bờ tả sông Ba kết hợp với phát triển hạ tầng đô thị đoạn từ cầu Đà Rằng mới đến cầu Đà Rằng cũ tại xã Hòa An, huyện Phú Hòa.
Đến năm 2025, diện tích nhà ở bình quân của tỉnh này sẽ đạt 28,1 m²/người (khu vực đô thị đạt 31,8 m²/người, khu vực nông thôn đạt 23,6 m²/người). Chỉ tiêu diện tích nhà ở tối thiểu phấn đấu đạt 10 m2 sàn/người.
Phú Yên phấn đấu nâng tỉ lệ nhà kiên cố, bán kiên cố; giảm tỉ lệ nhà đơn sơ từ 1,8% xuống còn 1%. Riêng khu vực đô thị cố gắng xóa hết nhà đơn sơ.