Gây dựng nền nông nghiệp “bất ly nông”

Ly nông và ly hương đã từng là câu chuyện thường thấy của nhiều làng quê nước mình. Bởi muôn vàn lý do, người sinh ra ở nông thôn, học được ít hay nhiều chữ nghĩa đã rời bỏ quê mình ra thị thành kiếm sống. Họ làm đủ nghề, tùy theo năng lực, độ tuổi, nhu cầu lao động. Người thành công thì an cư lạc nghiệp, lại có người chỉ kiếm sống thời vụ, gần như cả đời tạm bợ…

Gây dựng nền nông nghiệp “bất ly nông” - Ảnh 1

Thế giới và Việt Nam trải qua một năm muôn vàn khó khăn, thách thức. Dịch bệnh tạm lắng, xung đột Nga- Ukraine ập đến, ngày một leo thang, chưa biết khi nào chấm dứt. Những sự cố ấy đã và đang tác động mạnh mẽ, sâu rộng nhiều quốc gia trên thế giới.

Khó khăn từ sức ép của lạm phát, tỷ giá, giá năng lượng tăng, tình trạng thiếu lương thực làm gia tăng lạm phát; kiểm soát lạm phát bằng tăng lãi suất tạo ra giảm phát. Thách thức không thể coi nhẹ là khủng khoảng lương thực toàn cầu. “Có thực mới vực được đạo”, triết lý giản dị ấy đã thấm đẫm trong tư duy không chỉ là của người Việt. Phải đủ ăn, ăn no rồi mới nghĩ đến ăn ngon, mặc đẹp…

Là nước xuất phát điểm, đi lên từ nông nghiệp, bằng nông nghiệp chúng ta đã vượt qua nhiều bão tố thời cuộc: chiến tranh, thiên tai bão lũ, biến đổi khí hậu… và trụ vững qua hơn hai năm dịch bệnh là dựa vào tiềm năng, thực lực của nền nông nghiệp, nông thôn, nông dân.

Từ nước đủ gạo ăn, nhiều năm nay nước mình còn có gạo để xuất khẩu, cạnh tranh sòng phẳng với gạo của các nước trong khu vực. Nông nghiệp tiếp tục là bệ đỡ cho nền kinh tế có thêm thời gian phục hồi sau nhiều bất trắc, biến động chính trị, kinh tế trên thế giới.

Gây dựng nền nông nghiệp “bất ly nông” - Ảnh 2

Năm qua, sản xuất lương thực đủ để cả nước ăn, chúng ta còn xuất khẩu được hơn 6 triệu tấn gạo; giá gạo Việt Nam đang giữ được mức cao nhất thế giới. Theo Tổ chức lương thực và nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), năm 2022, số người thiếu dinh dưỡng có thể lên tới 828 triệu người. Thiếu lương thực sẽ gia tăng khi kết quả hội nghị COP 27 hạn chế. Điều này cho thấy, tư duy trọng nông, xây dựng nền nông nghiệp bền vững theo hướng hiện đại, nông nghiệp xanh, chủ động thích ứng trước biến đổi khí hậu đã phát huy tác dụng.

Thay đổi tư duy trong sản xuất nông nghiệp là tích cực, chủ động áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào quá trình sản xuất nông nghiệp làm cho năng xuất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp ngày càng tăng. Liên kết, liên thông, phối hợp nhịp nhàng giữa nông dân với các đối tác, nhà khoa học, ngân hàng, thị trường tiêu thụ, các doanh nghiệp, nhà quản lý, khoa học, hợp lý đã hạn chế được rủi ro phổ biến như sản phẩm nông nghiệp ùn tắc phải kêu gọi giải cứu, không đạt tiêu chuẩn xuất ngoại, cung không ăn nhập với cầu... 10 tháng của năm 2022, chúng ta đã đạt giá trị xuất khẩu 616 tỷ USD, cả năm dự kiến đạt 740 tỷ USD.

Kim ngạch thủy sản 11 tháng đạt 10 tỷ USD. Dịch bệnh được kiểm soát, các hoạt động hội thảo, tọa đàm khoa học, giao lưu, hội chợ triển lãm trong nước và quốc tế được triển khai đều đặn, thiết thực nhằm giới thiệu sản phẩm nông nghiệp các vùng miền của đất nước được tổ chức với quy mô khác nhau. Sản phẩm nông nghiệp như sầu riêng, sữa, cà phê…đã được nhập khẩu chính ngạch sang Trung Quốc; bưởi, chanh chuẩn bị xuất sang New Zealand. Hàng trăm loại sản phẩm được sản xuất theo công nghệ hiện đại, bảo quản lâu dài, chất lượng đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường, người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Gây dựng nền nông nghiệp “bất ly nông” - Ảnh 3

Một số sản phẩm nông nghiệp không chỉ có lương thực, thực phẩm đã lên kệ các siêu thị ở các nước châu Âu, Mỹ, Nhật… Tư duy của người nông dân đã đổi thay rõ rệt, từ tư duy địa phương sang tư duy toàn cầu, từ tư duy ngắn hạn sang tư duy dài lâu, đạt giá trị kinh tế cao, tư duy khai thác gắn với tư duy nuôi dưỡng bảo tồn, gìn giữ phát triển. Chủ động, linh hoạt, thích ứng thuận thiên (theo lẽ tự nhiên) trong điều kiện người nông dân luôn phải đối mặt với rủi ro và không xác định từ thiên nhiên, thị trường, quản lý xã hội để phát triển bền vững.

Thách thức hiện hữu liên quan nông dân, nông nghiệp và đời sống nông thôn vẫn không hề nhỏ. Cả nước còn 2,4 hộ nghèo. Đất đai liên quan đến nông nghiệp vẫn là điểm nóng khi quy hoạch, quản lý còn bất cập. Thu hồi đất của dân, định giá đất bất hợp lý, 70% vụ việc khiếu kiện kéo dài liên quan trực tiếp đời sống nông dân, nông thôn, nông nghiệp. Hạ tầng giao thông nông thôn chậm phát triển tập trung ở vùng sâu, vùng xa, miền núi; hạn hán, xâm thực từ sông, biển, biến đổi khí hậu gây mưa, lũ, hạn hán cùng nhiều dự án “treo” hàng thập kỷ làm cho dân mất đất canh tác, cuộc sống đảo lộn; đất màu bị chuyển đổi mục đích sử dụng, bị thu hồi trưng dụng; đền bù không thỏa đáng…cũng là nguyên nhân tồn thúc đẩy cuộc sống ly nông, ly hương.

Tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng xanh, sạch, tăng chất lượng, bền vững và hiệu quả. Thật bất ngờ, lá chuối, sắn, tre, diễn, mít non… đang là sản phẩm nông sản Việt xuất khẩu trong 8 tháng đầu năm 2022, thu về 144 tỷ đồng (lá sắn 1,6 triệu, lá tre hơn 1 triệu USD). Rau quả 9 tháng qua xuất khẩu đạt 250 triệu USD; sản xuất nông lâm thủy sản đạt 17.000 ha và 7.450.700 tấn thủy sản. 100 nông dân xuất sắc trong 10 năm qua; 698 nông dân đổi mới, sáng tạo ứng dụng công nghệ trong xây dựng nông thôn mới, bảo vệ an toàn trật tự địa phương được tôn vinh. Xây dựng nền nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu (thuận theo tự nhiên) nhằm ứng phó với tác động tiêu cực từ thiên tai, có giải pháp sống chung, hạn chế từng bước đẩy lùi hệ lụy của chúng.

Tổ chức hội chợ triển lãm sản phẩm OCOP, kết nối học tập kinh nghiệm, sản xuất bền vững, tập trung, liên kết, khép kín, chia sẻ. Hàng đặc sản vùng miền có thêm cơ hội vào siêu thị thông qua giới thiệu sản phẩm từ sự phối hợp giữa các sở công thương thành phố lớn chủ yếu là nông, lâm, thủy sản. Xây dựng nông nghiệp theo hướng hiện đại đã thành hiện thực bằng chuyển đổi số, thay đổi giống cây trồng, phương thức canh tác, sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu, tưới, chăm sóc lúa, rau, củ quả... quy mô sản xuất, tư duy quản trị, khép kín quy trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Người bán luôn cố gắng đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng được phân khúc bởi thu nhập, thị hiếu và văn hóa tiêu dùng.

Gây dựng nền nông nghiệp “bất ly nông” - Ảnh 4

Thách thức với sản xuất của khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn vẫn là nguồn kinh phí đầu tư. Doanh nghiệp thiết tha, mặn mà, kiên trì gắn bó với nhà nông còn ít quá. Xu hướng dời đô thị, tránh xa ồn ào, bon chen về quê khởi nghiệp (các bạn trẻ), ổn định cuộc sống lâu dài (người có tuổi và chút vốn liếng) đã hình thành rõ nét.

Thị trường lao động những tháng cuối năm đang xáo trộn mạnh bởi 240.000 lao động các ngành dệt may, gỗ, da giày thiếu việc làm phải giảm nhân lực, bớt giờ làm, một số người muốn về quê kiếm sống. Nhiều rủi ro, bất trắc về kinh tế - xã hội cho cả thế giới còn đó. Việt Nam là quốc gia đang phát triển, nội lực còn khiêm tốn. Căn cứ quy hoạch chiến lược tổng thể quốc gia để quy hoạch vùng miền, địa phương phải được triển khai nghiêm túc, bài bản.

Theo đó, triển khai nghiêm túc, quyết liệt nghị quyết của Đảng trong phát triển kinh tế - xã hội phát huy lợi thế các vùng miền; tận dụng tối đa nguồn lực tài nguyên thiên nhiên, nhất là nguồn lực đất đai sau khi dự thảo Luật đất đai sửa đổi được quốc hội thông qua đất nước mới phát triển bền vững. Tiếp tục khai thác thế mạnh vốn có của nông nghiệp, nông dân, nông thôn được kiểm chứng sau hơn 2 năm chống dịch Covid - 19 để đổi thay căn bản tư duy và hành động trong xây dựng nền nông nghiệp nước ta.

Con người đã và đang hủy hoại cuộc sống của mình từ chuyện phá rừng, lấp ao hồ, sông biển, khai thác tài nguyên bừa bãi… Và khi con người hối hận nhận ra sai lầm, gắng trồng lại các loại rừng, bảo vệ nguồn tự nhiên của sự sống thì chim, cá, muông thú lại kéo về làm tổ, sinh sôi, cuộc sống sẽ hồi sinh. Phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững tựa như bảo vệ thiên nhiên, màu xanh của sự sống vậy. Việt Nam phát triển nền nông nghiệp xanh, sạch, ngập tràn cây trái cũng là xây dựng cuộc sống mới “bất ly nông, bất ly hương”.

Nông thôn mới không phải chỉ là những ngôi nhà xây, đường làng bê tông hóa… mà phải là cuộc sống người nông dân chất phác, chất chứa hương vị của rơm lúa, mặn mòi của biển, hương thơm ngào ngạt của hoa, lá, cỏ cây…; đổi mới nhưng không đổi màu, hội nhập không bị hòa tan, phát triển nhưng phải gìn giữ được hồn cốt, bản sắc, truyền thống ngàn đời: sông quê, ruộng lúa, nương dâu, ao sen, hương cau, bưởi… cùng màu xanh ngút ngàn của rừng cây, lũy tre… ngập tràn không khí trong lành của “rừng vàng, biển bạc, đất phì nhiêu”.

Xuân về, trong tôi chợt vang lên lời trong bài hát “Một đời người, một rừng cây” của nhạc sĩ Trần Long Ẩn “…Cây có hiểu vì sao, chim thường kéo về làm tổ… Có một cây là có rừng. Và rừng đã lên xanh, rừng giữ đất quê hương…”.

Văn Hùng

Từ khóa: