Theo số liệu của Cục Xuất nhập khẩu, trong tháng 1, giá cà phê Robusta trong nước tăng mạnh theo giá thế giới. Ngày 28/1, giá cà phê Robusta tăng từ 3.000 – 3.100 đồng/kg so với ngày 30/12/2022. Tại tỉnh Lâm Đồng và Đắk Lắk, giá cà phê Robusta cùng tăng 3.100 đồng/kg, lên mức 42.200 – 42.800 đồng/ kg; tại tỉnh Gia Lai và Đắk Nông, giá cà phê Robusta cùng tăng 3.000 đồng/kg, lên mức 42.800 đồng/kg.
Giá cà phê Robusta thế giới cũng tăng mạnh so với cuối năm 2022, đạt mức cao nhất trong 3 tháng, nhờ các Quỹ và nhà đầu cơ mua bù cho các hợp đồng đã mạnh tay bán khống từ trước. Bên cạnh đó, các báo cáo chỉ số kinh tế Mỹ với các dữ liệu tích cực đã hỗ trợ cho hầu hết thị trường hàng hóa nói chung khi suy đoán Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể chậm lại đà nâng lãi suất USD tại phiên họp điều hành tiền tệ sắp diễn ra vào đầu tháng 2.
Ngoài ra, giá cà phê Robusta tăng nhờ thông tin sản lượng tồn kho giảm. Tính đến ngày 25/1, tồn kho đạt chuẩn của sàn ICE London ghi nhận giảm xuống 62.520 tấn.
Trên sàn giao dịch London, ngày 28/1, giá cà phê Robusta kỳ hạn giao tháng tháng 3, tháng 5 tăng lần lượt 12,6%, 11,9% so với ngày 30/12/2022, lên mức 2.053 USD/tấn; 2.016 USD/tấn.
Cùng lúc, giá cà phê Arabica được hỗ trợ khi đồng Real tăng so với đồng USD khiến người trồng cà phê Brazil hạn chế bán ra.
Tuy nhiên, tồn kho ở mức cao khiến giá cà phê Arabica tăng chậm. Tính đến ngày 25/1, tồn kho cà phê Arabica đạt chuẩn của sàn ICE New York ở mức 863.594 bao và 109.105 bao đang chờ phân loại. Như vậy, so với mức thấp kỷ lục hơn 24 năm được báo cáo vào đầu tháng 11/2022, tồn kho cà phê Arabica của ICE – New York hiện đã tăng gấp đôi.
Trên sàn giao dịch New York, ngày 28/1, giá cà phê Arabica giao kỳ hạn tháng 3 và tháng 9 giảm lần lượt 0,1% và 0,6% so với ngày 30/12/2022, xuống còn 169,9 Uscent/lb và 167,95 Uscent/lb.
Ngược lại, giá cà phê Arabica giao kỳ hạn tháng 5 tăng 0,2% so với ngày 30/12/2022, lên mức 170,05 Uscent/ lb.
Cục Xuất nhập khẩu dự báo giá cà phê thế giới sẽ tiếp tục xu hướng phục hồi nhờ nhu cầu tiêu thụ cà phê toàn cầu sẽ gia tăng trở lại sau hai năm giảm mạnh do tác động của dịch Covid-19 và lạm phát toàn cầu sẽ chậm lại trước sự nổ lực điều hành lãi suất tiền tệ của hầu hết các ngân hàng trung ương trên thế giới.
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), tiêu thụ cà phê toàn cầu niên vụ 2022- 2023 dự kiến tăng hơn 800 nghìn bao lên 167,9 triệu bao, với mức tăng chủ yếu ở Liên minh châu Âu, Mỹ và Brazil. Như vậy, nguồn cung cà phê thế giới sẽ vượt nhu cầu khoảng 4,8 triệu bao trong niên vụ 2022-2023.
USDA cũng dự báo xuất khẩu cà phê thế giới sẽ giảm 3 triệu bao trong niên vụ 2022-2023, xuống còn 116,1 triệu bao. Sự sụt giảm được ghi nhận tại Brazil, Việt Nam và Ấn Độ, nhưng tăng ở Honduras và Colombia. Tồn kho cuối vụ dự kiến tăng hơn 1,5 triệu bao lên 34,1 triệu bao.
Trong khi đó, Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) giữ nguyên dự báo về sản lượng cà phê toàn cầu niên vụ 2022-2023 ở mức 167,2 triệu bao (bao 60kg), giảm 2,1% so với 170,8 triệu bao của niên vụ trước.
Trong khi tiêu thụ cà phê thế giới được dự báo sẽ tăng 3,3% lên 170,3 triệu bao trong niên vụ 2022-2023, so với 164,9 triệu bao của vụ 2020-2021. Như vậy, tiêu thụ dự kiến sẽ vượt sản xuất 3,1 triệu bao.
Hoàng Anh (t/h)