Giá lương thực thế giới giảm nhẹ trong tháng 8/2022

Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), chỉ số giá lương thực thế giới do đã giảm tháng thứ năm liên tiếp, sau khi đạt mức kỷ lục 159,7 điểm vào tháng 3/2022.

Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) vừa công bố giá lương thực thế giới giảm nhẹ trong tháng 8/2022, bất chấp chi phí năng lượng và vận chuyển tăng và tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng.

FAO nói thêm, triển vọng dài hạn về tình hình lương thực toàn cầu vẫn còn tiêu cực, do sự kết hợp của các yếu tố chi phí, logistics và môi trường.

Cụ thể, chỉ số tổng thể hàng tháng của FAO về giá hàng hóa thực phẩm trong tháng 8/2022 đã giảm 1,9% so với tháng Bảy, mức giảm khiêm tốn hơn nhiều so với một tháng trước đó, khi chỉ số này giảm 8,6%.Báo cáo của FAO cho biết, đây là tháng thứ năm liên tiếp chỉ số giá lương thực giảm, mặc dù nó vẫn duy trì mức tăng 7,9% so với một năm trước đó. Sự sụt giảm này diễn ra bất chấp sự gia tăng giá cả nói chung ở một số nền kinh tế lớn.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đầu tuần này, Liên minh châu Âu (EU) công bố mức tăng chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 8/2022 đạt 9,1% so với một năm trước đó, đánh dấu mức cao kỷ lục đối với Khu vực đồng tiền chung Euro (Eurozone), qua đó củng cố kỳ vọng về một đợt tăng lãi suất tiếp theo của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) trong những tháng tới.

Mỹ hiện vẫn chưa công bố số liệu lạm phát trong tháng 8/2022, nhưng tháng trước nước này đã báo cáo rằng chỉ số giá tiêu dùng tháng 7/2022 đã tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chiếm phần cấu thành lớn nhất trong chỉ số giá lương thực của FAO là giá ngũ cốc đã giảm 1,4% trong tháng Tám vừa qua, nối tiếp mức giảm 11,5% của một tháng trước đó, sau khi hoạt động xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine (U-crai-na) được nối lại.

FAO cho biết các yếu tố chính dẫn đến sự sụt giảm chỉ số giá lương thực trong tháng Tám là triển vọng thu hoạch mùa màng tốt ở Canada, Nga và Mỹ, và hoạt động xuất khẩu được nối lại dù còn hạn chế từ Ukraine, bất chấp xung đột vẫn đang diễn ra.

Bất chấp những đợt giảm liên tiếp, chỉ số giá ngũ cốc toàn cầu hiện vẫn cao hơn 11,4% so với tháng 8/2021. Giá dầu thực vật giảm 3,3% so với tháng trước, một phần do giá dầu cọ giảm.

Trong khi đó, giá sữa hạ 2% do sản lượng mạnh mẽ từ New Zealand (Niu Di-lân) đã giúp lượng hàng tồn kho luôn đầy. Giá thịt trong tháng 8/2022 cũng thấp hơn 1,5% so với tháng trước đó, do nhu cầu nội địa thấp hơn ở một số nước sản xuất chính, trong khi giá đường giảm 2,1%, chủ yếu do lượng đường xuất khẩu cao hơn từ Ấn Độ.

Tuy nhiên, triển vọng dài hạn của giá lương thực thế giới vẫn còn mờ mịt, một phần do giá nhiên liệu, vận tải và phân bón tăng cao.

Theo các chuyên gia khí hậu, những đợt nắng nóng bao trùm tại Trung Quốc, phần lớn châu Âu và miền Tây nước Mỹ có khả năng trở nên gay gắt và thường xuyên hơn trong những năm tới.Theo Ngân hàng Thế giới (WB), mức độ lãng phí thực phẩm toàn cầu ngày càng tăng là một yếu tố đáng kể khác, trong khi các suy đoán của giới truyền thông cũng chỉ ra rằng việc quá nhiều quyền lực nằm trong tay số ít các công ty thực phẩm tư nhân tạo ra sự kém hiệu quả trong hệ thống lương thực toàn cầu.Theo ước tính của Liên hợp quốc, giá lương thực có thể tăng thêm 8,5% so với mức hiện tại vào năm 2027.

Hoàng Anh (t/h)