Sau 5 tháng liên tiếp giá tiêu đen tăng nóng lên 77.000 đồng/kg, thị trường bắt đầu đi xuống do động lực từ Trung Quốc không còn, trong khi các thị trường lớn khác như EU và Mỹ vẫn trầm lắng. Tính tới 10/7, giá tiêu giảm khoảng 10% so với mức đỉnh 1 năm thiết lập hồi tháng 5 xuống 67.500 đồng/kg.
Theo số liệu của Hiệp hội Hồ tiêu và Cây Gia vị (VPSA), tổng lượng tiêu xuất khẩu của Việt Nam trong tháng 6 cũng giảm 26% so với tháng 5 xuống21.209 tấn. Giá tiêu xuất khẩu bình quân gần như đi ngang so với tháng 5 ở mức 3.116 USD/tấn.
Trong số các thị trường chính, xuất khẩu tiêu sang Trung Quốc tháng 6 giảm mạnh nhất gần 60% so với tháng 5 xuống 4.200 tấn. Mặc dù vậy, con số này vẫn cao hơn 40% so với tháng 6/2022 do đây là thời điểm Trung Quốc thực hiện chính sách Zero COVID khiến hoạt động xuất khẩu giảm sút mạnh.
Theo dữ liệu từ Hải quan Trung Quốc, dù lượng tiêu Việt Nam xuất khẩu sang đây phục hồi mạnh so với cùng kỳ nhờ động thái mở cửa nền kinh tế sau nhiều năm thực hiện chính sách Zero COVID nhưng giá tiêu xuất khẩu trung bình trong nửa đầu năm nay vẫn thấp hơn hơn khoảng 18% so với cùng kỳ năm ngoái xuống 3.584 USD/tấn.
Trong top 5 thị trường xuất khẩu tiêu sang Trung Quốc, Việt Nam đứng thứ hai về thị phần (sau Indonesia) nhưng giá bán lại thấp nhất so với các đối thủ.
Trước đó, Trung Quốc là động lực chính giúp giá tiêu nội địa liên tục tăng mạnh trong những tháng đầu năm khi nhu cầu nhập khẩu tăng gấp nhiều lần so với cùng kỳ năm ngoái. Trong nửa đầu năm nay, lượng tiêu xuất khẩu sang Trung Quốc tăng gấp gần 10 lần so với cùng kỳ năm ngoái lên 50.369 tấn.
Ngoài Trung Quốc, việc xuất khẩu tiêu sang một số thị trường truyền thống khác vẫn còn trầm lắng. Theo đó, lượng tiêu xuất khẩu sang Mỹ giảm 12,6% so với tháng 5 xuống 4.801 tấn; sang Châu Âu giảm 2,3% xuống 3.808 tấn.
Mức giá tiêu hiện tại vẫn chưa đủ hấp dẫn để người nông dân tái trồng tiêu vụ mới trong bối cảnh phải cạnh tranh với các loại cây khác cạnh tranh hơn về lợi nhuận. Tuy nhiên, mức giá này lại gây phản ứng dè dặt, giảm đơn hàng từ các nhà nhập khẩu từ châu Âu và Mỹ cho rằng giá không cạnh tranh và kỳ vọng nguồn cung từ Indonesia vào tháng 7 sẽ giúp thị trường hạ nhiệt. Ngoài ra, lượng tồn từ các năm trước vẫn còn từ các nhà nhập khẩu EU và Mỹ.
bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và Cây Gia vị (VPSA) cho biết thời gian qua hoạt động giao dịch tiêu của Việt Nam sôi động vì vừa kết thúc vụ thu hoạch, tiêu còn mới. Tuy nhiên, đến quý III và IV, khách hàng sẽ tìm đến các nước như Brazil và Indonesia để mua vì đây là thời điểm thu hoạch tiêu của hai nước này.
Sức mua hồ tiêu và gia vị của các thị trường châu Âu và Mỹ được dự báo tiếp tục trầm lắng trong thời gian tới khi khủng hoảng kinh tế vẫn còn đang tiếp diễn. Ngoài ra, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng thị trường hạt tiêu toàn cầu sẽ chịu sức ép khi giới đầu cơ có xu hướng chuyển sang cà phê và sức mua từ các thị trường lớn như EU, Mỹ và Trung Quốc giảm.
Đại diện VPSA cho biết trong năm 2023, ngành tiêu mong muốn mở rộng thị trường xuất khẩu, đặc biệt là những thị trường ngách.
Ngoài ra, Trung Quốc ngày càng kiểm soát chặt chẽ hơn hàng hoá nhập khẩu nhằm đáp ứng các yêu cầu tuân thủ về tiêu chuẩn chất lượng, quy định về truy xuất nguồn gốc kể cả đối với hàng hóa trao đổi cư dân biên giới. Do đó, các doanh nghiệp cần sớm chuẩn bị để đáp ứng các yêu cầu cần thiết trong thời gian tới.
Hoài Anh