Số liệu sơ bộ của Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam cho thấy, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam trong tháng 5 đạt 31.357 tấn với kim ngạch thu về 141 triệu USD, tăng 19,5% về lượng và tăng 21,1% về kim ngạch so với tháng trước.
Tính chung 5 tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất khẩu được tổng cộng 114.424 tấn hồ tiêu các loại với kim ngạch thu về 493,1 triệu USD, giảm 13,2% về lượng tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu lại tăng 20,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá xuất khẩu bình quân tiêu đen 5 tháng đạt 4.197 USD/tấn, tiêu trắng đạt 5.804 USD/tấn, tăng lần lượt 754 USD đối với tiêu đen và 849 USD đối với tiêu trắng so với cùng kỳ năm 2023.
Mỹ là thị trường xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất của Việt Nam trong 5 tháng với khối lượng đạt 30.466 tấn, chiếm 26,6% và so cùng kỳ tăng 44,4%. Xuất khẩu hồ tiêu sang các thị trường lớn khác cũng tăng mạnh như: Đức tăng 103,2%; Ấn Độ tăng 39%; Hà Lan tăng 48,6%; Italy tăng 179%; Nga tăng 49,7%… Riêng Trung Quốc giảm 89,4% xuống còn 4.871 tấn.
Đáng chú ý, thời gian gần đây, giá hồ tiêu trong nước liên tục tăng cao và thiết lập các mức đỉnh mới. Trong phiên giao dịch ngày 8/6/2024, giá tiêu tiếp tục tăng rất mạnh ở một số địa phương trọng điểm, giao dịch từ 150.000 - 157.000 đồng/kg.
Cụ thể, giá tiêu hôm nay tại Gia Lai ở mức 152.000 đồng/kg. Giá tiêu hôm nay tại các tỉnh Đồng Nai (152.000 đồng/kg); Đắk Lắk (157.000 đồng/kg); Đắk Nông (157.000 đồng/kg); Bà Rịa - Vũng Tàu (150.000 đồng/kg) và Bình Phước (152.000 đồng/kg).
Như vậy, giá tiêu trong nước hôm nay tăng mạnh ở hầu hết các địa phương trọng điểm so với hôm qua, mức tăng 8.000 – 13.000 đồng/kg. Tại tất cả các địa phương, giá tiêu đều vượt ngưỡng 150.000 đồng/kg. Giá tiêu cao nhất được ghi nhận ở mốc 157.000 đồng/kg.
Thậm chí, ghi nhận thực tế, trong phiên giao dịch ngày 7/6, giá tiêu đen nhân xô tại khu vực Tây Nguyên và Đông Nam Bộ được thu mua ở mức 160.000 – 164.000 đồng/kg, tăng gần 60% so với thời điểm giữa tháng 5. Đây cũng là mức giá cao nhất ghi nhận được trong 8 năm qua. Như vậy, giá tiêu nội địa đã tăng gấp đôi so với đầu năm nay và hơn 2,2 lần cùng kỳ năm ngoái.
Bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA) cho biết, một trong những nguyên chính thúc đẩy giá hồ tiêu tăng trong thời gian qua là do nguồn cung hạn chế trên toàn thế giới.
Ngay cả Indonesia, Ấn Độ cũng bị hạn chế nguồn cung và các nước sản xuất nhỏ hơn như Malaysia, Sri Lanka và đặc biệt là hai nước quyết định nguồn cung trên toàn cầu là Brazil và Việt Nam đều bị giảm sản lượng do ảnh hưởng bởi yếu tố thời tiết El Nino gây hạn hán.
“Nhìn về dài hạn trong 3-5 năm tới lượng tiêu sản xuất ra chưa thể đáp ứng được cho nhu cầu tiêu dùng của thế giới” Bà Liên nói.
Bên cạnh yếu tố cung cầu, việc giá tăng nhanh đã khuyến khích hoạt động đầu cơ của các đại lý, nhà xuất khẩu và nông dân tại thị trường trong nước do nguồn cung nguyên liệu dự kiến giảm đáng kể.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo giá tiêu sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, song tốc độ tăng sẽ chậm lại. Hiện nguồn cung hồ tiêu thiếu hụt trong khi nhu cầu hồi phục mạnh mẽ từ các thị trường lớn như châu Âu, Mỹ và Trung Quốc. Sản lượng hạt tiêu năm nay của Việt Nam và nhiều nước sản xuất lớn được dự báo đều sụt giảm, do tác động của hiện tượng El Nino lẫn suy giảm diện tích canh tác.
Theo Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam, hiện tượng thời tiết hạn hán kéo dài dẫn đến sản lượng hồ tiêu năm nay của Việt Nam giảm 10% xuống khoảng 170.000 tấn so với năm ngoái, mức thấp nhất trong vòng 5 năm gần đây. Trong khi lượng tồn kho từ năm 2023 chuyển sang năm 2024 cũng thấp nhất trong nhiều năm qua.
Bên cạnh yếu tố cung cầu, việc giá tăng nhanh đã khuyến khích hoạt động đầu cơ của các đại lý, nhà xuất khẩu và nông dân tại thị trường trong nước do nguồn cung nguyên liệu dự kiến giảm đáng kể.