Giải bài toán phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn

Sáng nay, ngày 30/8/2022, Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Giải bài toán phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn” nhằm trao đổi, ghi nhận ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý về thực trạng phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn ở nước ta hiện nay.

VIDEO: Tọa đàm trực tuyến “Giải bài toán phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn”

Chủ trì: Nhà báo Khánh Toàn – Tổng biên tập Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống
Khách mời tham dự buổi tọa đàm:

TS. Nguyễn Thế Đồng - Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam

TS. Hoàng Dương Tùng
 - Chuyên gia môi trường, Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam

Ông Nguyễn Thượng Hiền
 - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT)

Bà Chu Thị Tuyết 
- Phó Giám đốc Chi nhánh Cầu Diễn, Công ty TNHH MTV Môi trường và Đô thị Hà Nội.

Buổi tọa đàm còn có mặt của các PV, BTV Tạp chí Môi trường và Cuộc sống và các PV của các báo đài đến dự và đưa tin.

Tọa đàm được tường thuật trực tiếp trên Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống – Moitruong.net.vn và tại fanpage của Tạp chí điện tử trường và Cuộc sống – Moitruong.net.vn trên mạng xã hội Facebook (https://www.facebook.com/moitr...).

Toàn cảnh buổi Tọa đàm
Toàn cảnh buổi Tọa đàm

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Nhà báo Khánh Toàn – Tổng biên tập Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống chia sẻ, Phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn là một trong những giải pháp để giảm tải áp lực trong khâu thu gom, xử lý rác thải nên ý thức của người dân là rất quan trọng. Thế nhưng, hiện tại, các chương trình phân loại rác tại nguồn ở địa phương phần lớn chỉ mang tính thử nghiệm, chưa đồng bộ, quyết liệt và chính thức hóa.

Theo thống kê của Tổng cục Môi trường, mỗi ngày, cả nước phát sinh hơn 60.000 tấn rác thải sinh hoạt, trong đó khu vực đô thị chiếm 55%, khu vực nông thôn chiếm 45%. Trong đó, 13% rác thải được đốt, 16% được chế biến, khoảng 71% được chôn lấp.

Nhà báo Khánh Toàn – Tổng biên tập Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống phát biểu khai mạc Tọa đàm
Nhà báo Khánh Toàn – Tổng biên tập Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống phát biểu khai mạc Tọa đàm

Theo Nghị định số 45 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường có hiệu lực kể từ ngày 25/8/2022, hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt và không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định bị phạt tiền từ 500.000 - 1 triệu đồng.

Mặc dù thời điểm chính thức áp dụng việc xử phạt đối với hành vi này sẽ bắt đầu từ ngày 31/12/2024, nhưng, nếu không làm tốt công tác chuẩn bị, cho dù là thời gian áp dụng kéo dài thêm 2 năm, không có lộ trình rõ ràng cũng rất khó đưa chính sách vào cuộc sống.

Vậy làm thế nào để giải quyết bài toán phân loại rác thải sinh hoạt nguồn trong bối cảnh lượng chất thải rắn phát sinh có tốc độ tăng 10% mỗi năm trong khi nhiều bãi chôn lấp, nhà máy xử lý rác thải tại các tỉnh, thành đang trong tình trạng quá tải là điều mà các cấp chính quyền và người dân thực sự trăn trở.

Thực trạng phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn ở nước ta hiện nay

Hiện tại, công tác phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn mới được thực hiện thí điểm ở một số khu vực thuộc đô thị lớn, còn lại, phần lớn rác thải chưa được phân loại tại nguồn, thu gom lẫn lộn và vận chuyển tới bãi chôn lấp. Do không được phân loại, rác vô cơ-hữu cơ, rác thải, rác tái chế trộn lẫn nên có đến hơn 70% lượng rác buộc phải thực hiện theo hình thức chôn lấp. Các điểm xử lý rác theo kiểu thủ công này luôn tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm, gây bức xúc đối với người dân sinh sống quanh khu vực có rác thải chôn lấp.

Ông Nguyễn Thượng Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT)

Ông Nguyễn Thượng Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT)
Ông Nguyễn Thượng Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT)

Đánh giá về thực trạng phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn ở nước ta hiện nay, ông Nguyễn Thượng Hiền cho biết: Việc phân loại rác tại nguồn trước đây không bắt buộc. Tuy nhiên, đã có một số địa phương thực hiện thí điểm như tại Hà Nội, TP. HCM, Thừa Thiên Huế, Lào Cai. Hiện nay, tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã có quy định rõ việc phân loại rác tại nguồn cụ thể tại khoản 1 điều 75 và đến ngày 1/1/2025, phân loại rác là việc làm bắt buộc với mọi cá nhân và hộ gia đình. Rác thải cụ thể chia ra gồm 3 loại: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; Chất thải thực phẩm; Chất thải rắn sinh hoạt khác.

TS. Nguyễn Thế Đồng - Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam

TS. Nguyễn Thế Đồng - Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam
TS. Nguyễn Thế Đồng - Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam

Nói về những điểm mới trong Nghị định số 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường, ông Nguyễn Thế Đồng cho biết: Nghị định 45 nhằm đảm bảo các chế tài xử lý các vi phạm trong luật bảo vệ môi trường. Đồng bộ với luật vi phạm hành chính sửa đổi năm 2020. Trong đó, những điểm mới thuộc các nhóm: Nhóm quy định về hành vi vi phạm luật bảo vệ môi trường năm 2020; Nhóm quy định liên quan đến mức độ xử phạt, thẩm quyền xử phạt. Đặc biệt, Nghị định 45 đã có quy định để xử phạt nghiêm minh hơn giúp tăng cường hiệu lực tăng cường triển khai thực hiện luật. Và vấn đề về phân loại, thu gom rác thải sinh hoạt đến thời điểm 31/12/2024 nếu không thực hiện thì sẽ bị xử phạt.

TS Hoàng Dương Tùng – Chuyên gia môi trường, Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam

TS Hoàng Dương Tùng – Chuyên gia môi trường, Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam
TS Hoàng Dương Tùng – Chuyên gia môi trường, Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam

Đánh giá về việc hiện nay một số địa phương đã thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn, ông Hoàng Dương Tùng cho biết: Trước năm 2020, một số địa phương đã thí điểm phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn. Ví dụ: Tại Hà Nội có phường Phan Chu Trinh và Nam Thành Công nhưng sau 1 thời gian thực hiện không thành công vì không có dự đồng bộ giữa người dân và đơn vị thu gom.

Bên cạnh đó, Tp. Hồ Chí Minh cũng có quy định và chế tài xử phạt 20 triệu đồng đối với hộ gia đình không phân loại rác tại nguồn nhưng sau 1 thời gian vướng pháp lý và trang thiết bị nên cũng không thành công. Nhưng, một số địa phương nông thôn như xã Dục Tú, huyện Đông Anh có thành công nhất định. Như vậy có thể thấy một bức tranh không đồng đều, nó phụ thuộc vào từng nơi, phương pháp, quy định, thiết bị. Có những điểm sáng cần học tập rút kinh nghiệm, có những nơi cần phải theo dõi để áp dụng cho phù hợp với địa phương.

Phải nói rằng phân loại rác tại nguồn cực kì khó, các nước khác để thành công phải mất từ 5- 10 năm. Hàn Quốc thực hiện phân loại rác tại nguồn từ năm 1995 hay Thượng Hải Trung Quốc thực hiện từ 2019. Từ đó có thể thấy công tác phân loại rác tại nguồn nó khó khăn thế nào, cần sự đồng lòng, quyết tâm của người dân và hệ thống chính trị.

Bà Chu Thị Tuyết, Phó Giám đốc Chi nhánh Cầu Diễn - Công ty TNHH MTV Môi trường và Đô thị Hà Nội

Bà Chu Thị Tuyết, Phó Giám đốc Chi nhánh Cầu Diễn - Công ty TNHH MTV Môi trường và Đô thị Hà Nội
Bà Chu Thị Tuyết, Phó Giám đốc Chi nhánh Cầu Diễn - Công ty TNHH MTV Môi trường và Đô thị Hà Nội

Chia sẻ về việc rác thải sinh hoạt được quy định phân loại như thế nào, bà Chu Thị Tuyết cho biết: Hiện tại URENCO thực hiện phân loại rác thành 2 nhóm là rác tái chế và rác chôn lấp. Rác tái chế có thể sử dụng cho những người thu mua, hoặc công nhân của công ty, hoặc công nhân họ đi thu mua rác tái chế này.

URENCO nói chung thực hiện đổi rác lấy quà, vận động và tuyên truyền cho người dân – những loại rác tái chế để công ty thu mua lại rác bằng cách đổi quà lấy rác, đồng thời công ty dùng nguồn tài trợ và công ty mua các phần quà như bút, vở để tuyên truyền cho các cháu học sinh để các con cũng có thể mang đồ rác tái chế. Ngoài ra, công ty cũng phối hợp cùng các địa phương, các phường, người đứng đầu các phường tuyên truyền sao cho dễ tiếp cận và dễ thực hiện thực hiện.

Nguyên nhân các dự án phân loại rác tại nguồn không hiệu quả

Tổ chức phân loại, thu gom rác thải sinh hoạt tại nguồn không chỉ đem lại lợi ích kinh tế cho người dân mà còn góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp tái chế, nâng cao hiệu quả xử lý chất thải rắn, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn. Thế nhưng, có rất nhiều các dự án phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn được các tỉnh, thành phố triển khai kết quả thu lại không được bao nhiêu vì hàng loạt nguyên nhân.

Tổ chức phân loại, thu gom rác thải sinh hoạt tại nguồn không chỉ đem lại lợi ích kinh tế cho người dân mà còn góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp tái chế
Tổ chức phân loại, thu gom rác thải sinh hoạt tại nguồn không chỉ đem lại lợi ích kinh tế cho người dân mà còn góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp tái chế

Trao đổi tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Thế Đồng cho biết, phân loại rác theo luật ở chung cư rất khó khăn, mỗi tầng có khoang để bà con chứa rác thải phát sinh hàng ngày, mỗi khoang có 1 thùng chứa rác lớn. Tại các chung cư đã được lắp đặt thêm thùng chứa mới, khoang chứa rác càng trở lên chật hẹp. Thùng nhỏ, không phù hợp với các loại rác lớn, thành ra bà con không sẵn sàng.

Chung cư cũ hơn, càng khó trong phân loại rác tại nguồn, tất cả rác đưa xuống tầng hầm nên không có điều kiện phân loại rác tại chỗ. Đây là điểm nghẽn, trước hết là hệ thống, thứ hai là phương thức quản lý, rác khi phân làm 3 loại, sau đó thu gom như thế nào đó là vấn đề quan trọng. Trong luật bảo vệ môi trường có quy định, bộ xây dựng rà soát lại thiết kế các chung cư, nhất là các khu để rác.

Ở góc độ cơ quan quản lý Nhà nước, nói về khó khăn của việc triển khai phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn, ông Nguyễn Thượng Hiền cho biết: Nói đến chung cư, thì có chung cư mới và chung cư cũ, đây là bài toán tương lai và quá khứ. Hiện nay, có những vướng mắc về hạ tầng kỹ thuật, không chỉ chung cư, ngay cả những căn nhà thấp tầng, do vậy cần có thời gian để có lộ trình thực hiện.

Và chúng ta có thể nói đến về lực lượng tận thu thành phần chất thải (người thu gom ve chai) hiện nay chưa có chính sách hỗ trợ những người này, đây cũng là lực lượng giúp cho việc thu gom phân loại rác được thực hiện hiệu quả.

Về bao bì chứa đựng chất thải, ví dụ tại Nhật Bản, túi màu trắng đựng rác tái chế. Tại Thông tư 02 có quy định về kỹ thuật, theo đó tại địa phương đưa ra quy định cụ thể phù hợp với thực tế. 

Về giám sát, cần giao cho đơn vị trực tiếp quản lý giám sát, quản lý cụ thể tại từng khu vực, linh động triển khai giám sát, nên để Ban quản lý khu dân cư, tổ dân phố, đơn vị thu gom. Trước đây Hà Nội, TP. HCM có những điểm đen về môi trường tập kết đổ rác thải, và đã giao cho Tổ dân phố, Hội phụ nữ lắp camera giám sát, đã có những hiệu quả nhất định. Hay tại làng xóm có hương ước để quy định, có thể thấy được nhiều cách làm khác nhau, linh hoạt để áp dụng, ông Hiền cho biết thêm.

Chia sẻ về những dự án mà Hà Nội đã triển khai trước đây nhưng được một thời gian đi vào quên lãng, bà Chu Thị Tuyết cho biết: Trước đây, một số quận của Hà Nội đã thí điểm phân loại rác tại nguồn theo mô hình 3R do tổ chức Jica của Nhật Bản tài trợ nhưng không thành công. Nguyên nhân do thói quen của người dân chưa tốt bởi đó là thói quen nhiều năm khó thay đổi ngay; thiếu sự hỗ trợ tài chính; chưa đồng bộ về công nghệ; việc thiếu đồng bộ trong xử lý. Hiện nay, công ty phân loại thành rác tái chế có chương trình greenday, tức là người dân tham gia đổi rác lấy quà tại các khu chung cư, tòa nhà.

Tại Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định rất rõ trách nhiệm của UBND cấp tỉnh về việc phân loại rác tại nguồn
Tại Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định rất rõ trách nhiệm của UBND cấp tỉnh về việc phân loại rác tại nguồn

Từ kinh nghiệm phân loại rác của các quốc gia trên thế giới, chia sẻ về công tác phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn ở Việt Nam, ông Hoàng Dương Tùng chia sẻ, hiện nay vấn đề phân loại rác tại nguồn không phải là vấn đề mới. Vấn đề kĩ thuật không phải là vấn đề chính mà là vấn đề tư duy, cách quản lý rác. Tôi đánh giá cao tinh thần Luật BVMT 2020 trong đó có vấn đề phân loại rác tại nguồn. Luật 2020 đã xác định vai trò cụ thể của người dân, không thể muốn vứt rác ngày nào, giờ nào thì vứt.

Kinh nghiệm của các nước đã thành công thực hiện phân loại rác tại nguồn cũng vậy, đổ rác, phân loại rác là quy định bắt buộc, phải theo giờ giấc nhất định.

Như ở Thượng Hải họ cũng giống mình có nhà cũ, nhà mới, nhà cao tầng, thấp tầng nhưng họ vẫn làm được. Ở đó họ quy định trách nhiệm của khu chung cư phải xây chỗ đổ rác ở dưới để người dân mang rác xuống đổ đúng giờ, nếu không đổ đúng giờ thì phòng để rác không mở. Từ đó có thể thấy quy định đã phân chia trách nhiệm của chung cư, người dân đơn vị thu gom rất rõ ràng.

Qua kinh nghiệm từ các nước, câu hỏi nhiều nhất của người dân Thượng Hải năm 2019 là phân loại rác thế nào, người đưa ra rất nhiều câu hỏi liên quan như xương gà, xương lơn trước khi chế biến và sau khi chế biến thì quy định là rác gì.... Thậm chí, họ xây dựng các app điện thoại nếu người dân không rõ có thể căn cứ vào đó để phân loại. Quy định phân loại rác phải cực kỳ rõ ràng, cực kì cụ thể, không thể chung chung được. Giờ nào đổ rác thế nào, đựng vào túi nào?

Chúng ta có nhiều loại chung cư thì có nhiều cách giám sát. Tùy chung cư, tùy cách quản lý có cách giám sát khác nhau như lắp camera. Các nước khác họ xây dựng khu, điểm tập kết ở dưới rất sạch sẽ, lắp camera và có người đứng đó để giám sát. Khi đã phân loại theo màu sắc túi cũng dễ dàng kiểm soát hơn, nhưng vẫn phải có những cách kiểm tra đột xuất. Nếu vẫn vứt rác qua ống máng như cũ và đặt camera chưa hợp lí. Do đó, cần tổ chức lại chung cư đó, ông Tùng cho biết thêm

Các giải pháp để người dân hình thành thói quen phân loại rác tại nguồn

Có thể thấy, việc thay đổi thói quen, nâng cao ý thức của người dân là yếu tố quyết định đến việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn, phân loại rác giúp giảm ô nhiễm môi trường, giảm áp lực diện tích chôn lấp, tiết kiệm năng lượng, tài nguyên, hướng tới cuộc sống xanh, bền vững.

Hội Nước sạch và môi trường Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Hội Liên Hiệp Phụ Nữ quận Gò Vấp tổ chức Ngày hội tái chế
Hội Nước sạch và môi trường Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Hội Liên Hiệp Phụ Nữ quận Gò Vấp tổ chức Ngày hội tái chế

Khi người dân thực hiện tốt việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn, nhưng nhân viên thu gom rác lại chỉ sử dụng một xe thu gom duy nhất, vậy cần có biện pháp gì cải thiện điểm bất cập này.

Trao đổi về vấn đề bày, ông Hoàng Dương Tùng cho biết, ngoài trách nhiệm của người dân trong phân loại rác thì trách nhiệm của đơn vị thu gom, vận chuyển xử lý rác cũng cần quan tâm. Theo Luật BVMT năm 2020, đơn vị thu gom rác phải đáp ứng các điều kiện kỹ thuật, tham gia đấu thầu công khai, phải trang bị kỹ huật để đáp ứng yêu cầu đã đặt ra mới được thu gom, vận chuyển.

Luật 2020 đã quy định đồng bộ, người dân phải trả tiền xứ lý rác chứ không phải nhà nước bao cấp hoàn toàn. Do đó, đơn vị thu gom phải đồng bộ về con người, kỹ thuật, năng lực quản lý, xử lý. Đơn vị thu gom sẽ vừa phải cân đối chi phí lãi lỗ, vừa phải thực hiện theo đúng quy định.

Chia sẻ về việc này ông Nguyễn Thế Đồng cho biết: 3 loại rác phải có 3 loại xe. Thu gom phải tính như thế nào cho phù hợp ở Việt Nam, ở các nước phân loại vào túi, vẫn cho vào 1 xe, đến nhà máy xử lý có robot phân loại hoặc thuê các lao động để phân loại rác.

Việc thêm xe hay thêm lao động tùy vào điều kiện từng quốc gia, từng địa phương, đảm bảo thuận lợi cho từng đối tượng một.

Trong phân loại ta học ai, Nhật Bản, Hàn Quốc... bản thân từ người dân ý thức được đó là việc hết sức cần thiết thì sẽ thành công. Việc phân loại rác phải có lộ trình, cần có thời gian, thay đổi ý thức trong bối cảnh Việt Nam chúng ta sự phát triển giữa các địa phương là rất khác nhau. Các địa phương cần cụ thể hóa hướng dẫn để hướng dẫn người dân thực hiện.

Nói về việc chuẩn bị về phương tiện thu gom, vận chuyển và xử lý như thế nào để đáp ứng nhiệm vụ phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn, bà Chu Thị Tuyết cho biết, hiện URENCO đang đợi kế hoạch phân loại rác tại nguồn của thành phố Hà Nội để xây dựng kế hoạch cụ thể. Đồng thời phải có nguồn kinh phí thực hiện và chuẩn bị 3 loại xe rác cho 3 loại rác được thu gom và phân loại.

Để khuyến khích người dân phân loại rác tại nguồn,  ông Hoàng Dương Tùng cho biết: Tôi nghĩ vấn đề tổ chức các ngày hội tuyên truyền chưa thực sự bền vững, phổ biến rộng rãi, đâu đó nhiều cái theo phong trào chỉ được 1 thời gian, làm thế nào để chuyển đổi được thành hành vi, người dân tự giác thực hiện mới thành công. Chúng ta đã tuyên truyền nhưng dường như cơ quan quản lý làm chưa tới.

Chính quyền địa phương phải cụ thể hóa việc phân loại rác tại nguồn, làm sao để hình thành thói quen đổ rác và thấy lợi ích khi phân loại như giảm được tiền xử lý. Ngoài ra, kết hợp với tuyên truyền, vận động, giáo dục người dân. Tổ chức tập huấn để người dân nhận thấy vấn đề đó không phức tạp. Một số nước dùng app điện thoại để người dân thấy việc phân loại rác rất dễ dàng. Và không nhất thiết phải 3 thùng rác, có nhiều cách. Đổ rác hằng ngày thì có 3 túi rất nhỏ gọn, không nhất thiết hằng ngày đi đổ rác mà có những loại rác đổ hàng tuần.

Nói về giải pháp, lộ trình để người dân có thể thực hành việc phân loại rác ngay từ bây giờ, ông Nguyễn Thượng Hiền cho biết: UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện về vấn đề này, về phía bộ đã dự thảo hướng dẫn về phân loại chất thải rắn tại nguồn, Bộ đang lấy ý kiến của các địa phương, đến nay chúng tôi đã lấy 30 ý kiến của địa phương, trên cơ sở đó Bộ Tài Nguyên và Môi trường sẽ ban hành để các địa phương căn cứ vào đó để chúng ta làm các quy định cụ thể chi tiết của địa phương, vì chỉ có địa phương mới biết được chúng ta quy định thế nào, có phù hợp với hạ tầng kỹ thuật, định hướng trong thời gian tới của địa phương.

Do vậy, việc này làm càng sớm càng tốt. Sau đó chúng ta đi đào tạo, tập huấn, truyền thông, vận động để người dân hình thành thói quen chuyển thành hành động cụ thể.

Chúng ta làm từng bước, từng bước, hiện nay, Bộ Tài Nguyên và Môi trường và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có chương trình phối hợp với nhau trong tuyên truyền, đưa hướng dẫn phân loại rác tại nguồn vào trường học dạy các cháu từ bé.

Tuyên truyền có nhiều hình thức tuyên truyền nhưng chúng ta phải thực hiện đồng bộ, từng bước, liên tục, chứ không phải thi thoảng mở một lớp tập huấn, xong mời bà con đến, làm ào ào rồi bà con không hiểu gì, bẵng đi một thời gian xong lại tổ chức. Ý tôi là, địa phương phải có kế hoạch rất cụ thể, chi tiết, kịch bản cho các đối tượng khác nhau.

Chúng ta có lực lượng rất mạnh là các tổ chức chính trị xã hội như Mặt trận Tổ quốc, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân phối hợp tuyên truyền để người dân hình thành ý thức.

Hình thức xử phạt là cuối cùng, mục tiêu của chúng ta không phải xử phạt mà là tuyên truyền, vận động để người dân thấy được trách nhiệm, ý thức về bảo vệ môi trường của từng người dân, từng cộng đồng trong xã hội. Việc bảo vệ môi trường không phải của cơ quan nào cả, không phải của tổ chức nào cả mà cả hệ thống chính trị đặc biệt người dân tham gia vào thì mới cải thiện được.

Muốn biến rác thành tài nguyên, không phát sinh thêm những hệ lụy đối với môi trường thì việc đầu tiên và quan trọng nhất là phải phân loại rác tại nguồn, loại bỏ những tạp chất tồn đọng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, môi trường sống và nâng cao hiệu quả của các biện pháp xử lý. Phân loại rác tại nguồn sẽ cho rác thải bao bì một vòng đời mới, cho rác thải hữu cơ được tái sinh có ích là việc nên làm và phải làm. Đồng thời, giảm gánh nặng lên môi trường từ quá trình chôn lấp, xử lý.

Trước khi kết thúc tọa đàm, nhà báo Nguyễn Khánh Toàn lên phát biểu bế mạc, nhà báo Khánh Toàn đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các chuyên gia cũng như quý độc giả để chương trình tọa đàm"Giải bài toán phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn" thành công tốt đẹp. Thay mặt Ban biên tập nhà báo Khánh Toàn đã tặng những bó hoa tươi thắm cảm ơn các vị khách mời. 

Nhà báo Nguyễn Khánh Toàn tặng hoa cảm ơn các vị khách mời.
Nhà báo Nguyễn Khánh Toàn tặng hoa cảm ơn các vị khách mời.

https://moitruong.net.vn/truc-tiep-toa-dam-giai-bai-toan-phan-loai-rac-thai-sinh-hoat-tai-nguon-54620.html

Theo Môi trường và Cuộc sống

Từ khóa: