Vận tải tăng giá – tồn kho doanh nghiệp cũng tăng
Theo một số doanh nghiệp có mặt hàng xuất khẩu tại Việt Nam thì cước vận chuyển conterner đến các cảng của Mỹ đã tăng từ 1.800 USD lên 9.600 USD trên một container. Nhiều thị trường châu Âu, hay ngay như chuyến nội Á thông báo tăng giá từ ngày 1/8 với mức tăng từ 2.000 - 5.000 USD một container. Có thể thấy, không chỉ cước vận chuyển container tăng cao mà dịch vụ logistics kèm theo hiện đang gặp khó khiến nhiều DN xuất khẩu chịu cảnh xuất khẩu nhiều nhưng càng làm lại càng lỗ thậm chí có những doanh nghiệp không thể xuất khẩu, từ đó lại chuyển sang hàng tồn kho.
Ông Thái Đại Phong - Giám đốc công ty TNHH Đức Phong, chuyên xuất khẩu các mặt hàng mây tre đan xuất khẩu - cho biết: “Tình hình giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 như hiện nay, thì công ty phải chuyển phương án “3 tại chỗ” nên sản xuất hạn chế chỉ được 1/4 công suất. Chi phí vận chuyển trên đường đều tăng cao, dẫn đến ăn thẳng vào giá thành. Làm ra hàng không có xe giao hàng, có xe giao hàng không có tài xế giao hàng. Đến khi có xe có tài xế lại gặp khó khi giao hàng, vì chờ lâu khách hàng huỷ đơn, giá tăng khiến hàng bán chậm, dẫn đến hàng hoá tồn kho ảnh hưởng lớn đến chất lượng sản phẩm.
Đối với mặt chè hiện nay, số lượng xuất khẩu cũng giảm đi đáng kể, TS. Nguyễn Hữu Tài – Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam cho rằng, trong số nhiều nguyên nhân, có nguyên nhân do dịch bệnh đã cản trở việc lưu thông trong nước và quốc tế, bởi chè xuất khẩu chủ yếu bằng container tàu biển, nhưng giá vận tải biển tăng vọt, nhiều lúc không thuê được tàu vì thiếu vỏ container.
"Chi phí vận tải tiêu tốn và làm kiệt sức các doanh nghiệp xuất khẩu, kéo theo giá chè xuất khẩu bị giảm theo. Nhiều doanh nghiệp tại Nghệ An, Hà Tĩnh và một số thành phố bị đình trệ trong việc xuất khẩu chè bởi rơi vào vùng dịch phải thực hiện việc cách ly xã hội. Bên cạnh đó, khi các hợp đồng xuất khẩu của các doanh nghiệp đã ký kết nhưng do dịch Covid-19 khiến nhiều hợp đồng bị giãn, hoãn, thậm chí một số hợp động còn bị yêu cầu giảm giá, trong khi, các hợp đồng mới gần như không có". TS. Tài cho biết.
Anh Lê Văn Thống - Giám đốc Công ty Chè Thống Nhất - cho biết, hiện trong kho của xưởng đã không còn chỗ chứa, chè xuất không được thậm chí đang tồn kho hơn 200 tấn, nhưng DN vẫn đang cố gắng khắc phục để thu mua chè búp tươi cho bà con.
Là một doanh nghiệp tham gia xuất khẩu trực tiếp - anh Thống cho biết: “Chè của công ty hiện 90% xuất khẩu, trong đó Afghanistan chiếm 50%, Ả rập 30% và Iran 10%, còn lại 10% là tiêu dùng trong nước. Từ khoảng tháng 4 trở lại đây, việc xuất khẩu chè qua các thị trường truyền thống gần như “đóng băng”.
Để duy trì chuỗi cung ứng, tiêu thụ, DN đã phải chủ động tìm bạn hàng mới. Anh Thống cho rằng, "Không thể mãi “bỏ trứng vào một giỏ”, mà nhờ vào các đầu mối quen biết, vài tháng qua công ty bắt đầu tìm cách xuất qua các nước mới như Trung Quốc, Đài Loan, Indonesia… bằng đường bộ giá có rẻ hơn nhưng vẫn phải chấp nhận lấy ngắn nuôi dài. Từ lượng tồn kho trên 400 tấn đến nay trong kho đã giảm đi được gần 50%...", - anh Thống cho biết thêm.
Chung tay tháo gỡ khó khăn doanh nghiệp xuất khẩu
Các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu trực tiếp cho rằng, trở ngại lớn đối với các doanh nghiệp trong cả nước khi tham gia xuất khẩu đó là hàng rào kỹ thuật. Tuy nhiên, khi đã gia nhập “sân chơi” lớn thì phải chấp nhận nó như quy luật của “cuộc chơi”. Bởi mỗi nước sẽ dựng lên hàng rào kỹ thuật riêng của mình, và nhiệm vụ của các bên tham gia là phải làm thế nào bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên.
Thực trạng thiếu container rỗng được cho là do đại dịch Covid-19 làm đứt gãy, gián đoạn chuỗi cung ứng logictics. Trong khi đó, các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có hiệu lực đã tạo điều kiện cho xuất khẩu hàng hóa Việt Nam tăng lên. Số lượng hàng xuất đi nhiều kéo theo nhu cầu cần conteiner rỗng tăng cao hơn.
Thêm vào đó, Việt Nam hiện quá phụ thuộc vào các hãng tàu nước ngoài, nên chưa chủ động được nguồn container. Theo thống kê của Hiệp hội Logictics Việt Nam (VLA), đội tàu biển của nước ta mới chỉ đảm nhiệm được khoảng 10% thị phần vận tải hàng từ Việt Nam ra thế giới. Đội tàu container cũng hoạt động chủ yếu trên các tuyến vận tải ngắn như: Đông Nam Á và Đông Bắc Á,…
Khó khăn về vấn đề vận chuyển, vận tải, logictics hiện nay là khó khăn chung cho các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam, trong đó, có ngành chế biến và xuất khẩu thủy sản.
Để có thể "cứu vãn" tình thế, mới đây, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã gửi Công văn số 74 /CV-VASEP tới Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo về 8 khó khăn, bất cập và vướng mắc đang tác động tiêu cực tới hoạt động sản xuất kinh doanh và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp thủy sản.
Theo đó, VASEP kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xem xét và có các chỉ đạo giải quyết tháo gỡ vấn đề thiếu container đi các tuyến và giảm giá cước vận tải biển trở lại như trước tháng 11/2020.
Bên cạnh đó, nhằm giảm tải áp lực cho các doanh nghiệp chè xuất khẩu đang gặp khó trong vấn đề hàng tồn kho, Hiệp hội Chè Việt Nam cũng đã có văn bản kiến nghị với Chính phủ và các Bộ ngành, địa phương cần có những phương án hỗ trợ như: Miễn giảm tiền thuê đất chuyên dùng và không thu đất trồng chè năm 2021 cho các doanh nghiệp, gia hạn khoản nợ cũ và không tính lãi quá hạn, vay vốn mới với lãi suất ưu đãi, không thu thuế giá trị gia tăng (VAT) với chè doanh nghiệp đăng ký để xuất khẩu, giảm thu BHXH và kinh phí công đoàn tại các doanh nghiệp, giảm các lệ phí và kiểm dịch chè xuất khẩu,...
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, nếu như trước đây chúng ta chưa có doanh nghiệp sản xuất container quy mô lớn, thì hiện nay, trước thực trạng thiếu hụt container, đã có doanh nghiệp bắt tay vào sản xuất container cung ứng cho hoạt động xuất khẩu.
Đây chính là kỳ vọng một hướng đi mới trong sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam. Thực tế này cũng cho thấy trong khó khăn do các yếu tố dịch bệnh, doanh nghiệp vẫn tìm được cơ hội để vượt qua khó khăn, đóng góp cho sự phát triển của nền kinh tế.
* Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.