Giải pháp giải tỏa công suất hàng loạt dự án điện mặt trời

Mới đây, Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) đã đề nghị Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) hỗ trợ, tính toán đề xuất các giải pháp giải tỏa công suất hàng loạt dự án điện mặt trời mới

Theo đó, Cục đề nghị ưu tiên tính toán, xem xét khả năng giải tỏa công suất của 21 dự án điện mặt trời (ĐMT) đã được thống nhất chủ trương bổ sung quy hoạch tại Thông báo số 221 ngày 1.7 vừa qua của Văn phòng Chính phủ.

Thực tế, 21 dự án này với tổng công suất chưa tới 1.000 MW đã hoàn thành giai đoạn thẩm định để chuẩn bị cho thực hiện thí điểm cơ chế xác định giá cạnh tranh của các dự án ĐMT sau ngày 31-12-2020. Bộ Công thương trong lần lấy ý kiến đóng góp cho Quy hoạch điện VIII cũng thừa nhận, trong thời gian qua, đã nhiều lần điều chỉnh bổ sung vào quy hoạch nguồn năng lượng tái tạo, trong đó có ĐMT.

Giải pháp giải tỏa công suất hàng loạt dự án điện mặt trời - Ảnh 1

Theo TS Ngô Đức Lâm, hiện tại vấn đề đáng lo ngại với các dự án ĐMT là những cam kết của nhà đầu tư về hướng xử lý các tấm pin năng lượng sau thời gian hết hạn sử dụng 20 - 25 năm sau. Những cam kết của nhà kinh doanh, bán tấm pin về kế hoạch thu nạp xử lý những tấm pin khi hết hạn sử dụng và của nhà đầu tư nên được các địa phương đưa vào trong các hợp đồng.

Trước đó, theo số liệu từ Bộ Công thương, đến cuối năm 2019 có 135 dự án ĐMT được bổ sung. Cập nhật mới nhất, tổng công suất ĐMT hiện đã được quy hoạch khoảng 10.300 MW, trong đó đã đưa vào vận hành trên 90 dự án với tổng công suất khoảng 5.000 MW.

Trong khi đó, tại Quy hoạch điện VII điều chỉnh, công suất ĐMT cũng chỉ dừng lại con số 850 MW vào năm 2020, 4.000 MW vào năm 2025 và khoảng 12.000 MW vào năm 2023. Thế nhưng, thực tế đến nay công suất bổ sung quy hoạch đã lên 10.300 MW, cao gấp 12 lần so quy hoạch và công suất được đưa vào vận hành 5.000 MW cũng cao gấp gần 6 lần so quy hoạch. Số lượng và công suất các dự án ĐMT được các địa phương đề nghị bổ sung quy hoạch trong thời gian qua theo đánh giá của Bộ Công thương là “rất lớn”, lên đến 25.000 MW với ĐMT và 45.000 MW với điện gió.

Tình trạng bùng nổ các dự án ĐMT đã được cảnh báo từ lâu nay, khi các nhà chạy đua hoàn thành dự án trước ngày 31.12 năm nay để hưởng mức giá ĐMT bán ra có thời hạn 20 năm cao hơn so với mức giá mới ban hành sau này.

Chuyên gia năng lượng tái tạo, TS Trần Văn Bình, cho rằng việc đua nhau làm ĐMT trong khi hạ tầng truyền tải không “đua” kịp khiến công suất thấp, gây lãng phí rất lớn. “Cần có quy hoạch bài bản hơn cho phát triển năng lượng bởi thực tế riêng công suất ĐMT (chưa tính điện gió) cao gấp mấy lần so với năng lực đã được quy hoạch trước đây. Trong tương lai gần, việc bùng nổ các dự án ĐMT sẽ gây quá tải cục bộ cho nhiều dự án khi đưa vào vận hành”, TS Bình cho biết.

Theo Quyết định 13 của Thủ tướng Chính phủ, giá mua ĐMT áp mái là 8,38 UScent/kWh (tương đương 1.943 đồng/kWh, chưa bao gồm thuế GTGT - VAT) được áp dụng với các dự án ĐMT phải vận hành phát điện, xác nhận chỉ số công tơ đến ngày 31.12 năm nay và

mức giá này sẽ được áp dụng trong 20 năm từ ngày dự án vận hành thương mại. Dự án ĐMT tại Ninh Thuận đã nằm trong quy hoạch, vận hành thương mại trước ngày 1.1.2021 sẽ được hưởng mức giá 9,35 UScent/kWh (tương đương 2.086 đồng/kWh, chưa bao gồm VAT). Như vậy, các dự án đầu tư sau ngày 31.12.2020, mức giá mua ĐMT áp mái như thế nào chưa rõ.

Trong tương lai gần, việc bùng nổ các dự án điện mặt trời sẽ gây quá tải cục bộ cho nhiều dự án khi đưa vào vận hành

PGS-TS Trần Đình Long, Viện trưởng Viện Điện lực Việt Nam, cho rằng việc liên tục điều chỉnh bổ sung dự án ĐMT vào quy hoạch là bình thường bởi khi xây dựng quy hoạch, có những điều khó lường được trước nhu cầu và xu hướng của thế giới. Lý giải việc “quá tải” các dự án ĐMT, PGS-TS Trần Đình Long nói rằng chủ yếu do các hộ gia đình sử dụng là chính. “Giá điện tính theo bậc khiến các hộ gia đình sử dụng điện phải trả đến bậc cao nhất có giá chênh lệch so với giá bình quân rất lớn, nên lắp được ĐMT sử dụng là rất hiệu quả.

Việc lắp ĐMT không ảnh hưởng đến hoạt động trồng trọt, chăn nuôi, sinh hoạt trong gia đình, thời gian lắp ráp ngắn gọn, vật tư nay rẻ hơn trước nhiều nên gia tăng làm ĐMT là điều dễ hiểu. Với các nhà đầu tư, hiện giá ĐMT mua mới là 8,38 UScent/kWh thấp hơn mức giá cũ nhưng vẫn cực kỳ “hấp dẫn”. So với mức thu hồi vốn bình quân một dự án đầu tư điện khoảng 7 - 8 năm được cho là hợp lý thì dự án ĐMT chỉ cần 5 - 6 năm đã thu hồi vốn, cho dù dự án đầu tư hàng trăm tỉ đồng”, ông nói.

Chuyên gia năng lượng, TS Ngô Đức Lâm (Liên minh Năng lượng tái tạo), nguyên Phó viện trưởng Viện Năng lượng, phân tích: Trong tương lai, giá các công nghệ ĐMT còn thấp nữa. Nếu được khuyến khích, chắc chắn sẽ gia tăng tốt. Thứ hai, điều kiện cơ sở vật chất ĐMT nay cũng tăng, chẳng hạn Chính phủ đã cho tư nhân tham gia làm truyền tải điện, nên có đầu tư tiếp, trong tương lai sẽ ít gặp trường hợp điện làm ra không tiêu thụ được vì hệ thống truyền tải yếu. Thứ ba, chính sách liên quan ĐMT nay cũng rõ ràng hơn, đặc biệt các quy hoạch chính sách cứ bám theo Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị khẳng định ưu tiên năng lượng tái tạo mà làm.

Đây là quyết sách quan trọng để nhà đầu tư mạnh dạn và và yên tâm về lâu dài. Thứ tư, đến năm 2024, thị trường điện sẽ được phát triển đúng nghĩa, lúc đó không chỉ có EVN mới có quyền bán điện mà khách hàng có thể mua điện trực tiếp từ các nhà sản xuất điện. Thứ năm, giá điện nói chung sẽ bình đẳng hơn khi chính Nghị quyết 55 yêu cầu giá điện đưa ra phải là giá thực, không có chuyện bù chéo, bù lỗ...; tạo năng lực cạnh tranh bình đẳng cho nhà đầu tư. Nên giá điện than trong tương lai cũng có thể khó rẻ hơn giá ĐMT nếu tính luôn chi phí khắc phục về ô nhiễm môi trường vào giá điện.

Tú Lê