Theo đó, trong tháng 01/2024 có gần 13.800 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 8,4%; gần 7.800 doanh nghiệp dừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung, tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động của nền kinh tế trong tháng 01/2024 khoảng 27.300 doanh nghiệp.
Nguyên nhân khiến một lượng lớn doanh nghiệp rút khỏi thị trường theo các chuyên gia là do bối cảnh khó khăn của nền kinh tế, thị trường xuất khẩu thu hẹp lại, sức cầu yếu. Ở trong nước, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn khi tiêu dùng yếu ngay cả trong giai đoạn áp Tết.
Một yếu tố kỹ thuật khác là thông thường tháng 1, giai đoạn trước Tết Nguyên đán luôn là tháng có tỷ lệ doanh nghiệp tạm dừng hoạt động cao để tránh phải chi trả các khoản thuế, phí của năm tiếp theo. Dù vậy, nguyên nhân chính vẫn là tình trạng khó khăn của nền kinh tế.
Năm nay, với mục tiêu được giao ngay từ đầu năm, số doanh nghiệp gia nhập thị trường (thành lập mới và quay trở lại hoạt động) trong năm 2024 tăng ít nhất 10% so với năm 2023; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường năm 2024 tăng dưới 10% so với năm 2023.
Đây là các mục tiêu được xác định là tham vọng, nhưng thể hiện rõ quyết tâm cải cách của Chính phủ, sự đồng hành của các cấp chính quyền với doanh nghiệp trong Nghị quyết 02/2024/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024, đi kèm là hàng loạt giải pháp, cả ngắn hạn, dài hạn... được phân giao cho các bộ, ngành, địa phương, với thời hạn cụ thể.
Theo báo cáo tài chính quý IV/2023, số lượng nhân viên của Garmex Sài Gòn vào cuối năm chỉ còn 35 người, tức cắt giảm 1.947 lao động so với hồi đầu năm. Đợt cắt giảm này còn nặng nề hơn cả năm 2022, khi đó, doanh nghiệp này bớt 1.828 việc làm. Tình trạng này không chỉ diễn ra tại Garmex Sài Gòn mà còn ở nhiều doanh nghiệp sản xuất, gia công vốn thâm hụt lao động. Trong bối cảnh chi phí đầu vào tăng cao, doanh thu sụt giảm thì cắt giảm phần lớn nhân sự hoặc tạm dừng hoạt động được coi là giải pháp ngắn hạn được nhiều doanh nghiệp sử dụng.
Kết quả khảo sát Báo cáo Lương và triển vọng thị trường lao động năm 2024 do Navigos vừa phát hành, có đến 454/555 doanh nghiệp cho biết đang ảnh hưởng bởi các biến động thị trường trong năm 2023, chiếm hơn 82%. Đối với những doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi các biến động thị trường trong năm 2023, biện pháp ứng phó được lựa chọn nhiều nhất chính là cắt giảm nhân sự, với gần 69% bình chọn.
Hay với ngành bán lẻ, trong năm qua hệ thống Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh đã đóng tổng cộng 206 cửa hàng. Nếu so với thời điểm đạt đỉnh về số lượng nhân sự của Thế Giới Di Động vào cuối quý III/2022 (80.231 người) thì đến nay doanh nghiệp này đã cắt giảm gần 15.000 nhân sự.
Được biết, hiện đã có nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp được kiến nghị, bên cạnh việc kéo dài nhiều giải pháp được thực hiện từ các năm trước, đã có tác động tích cực. Có thể nhắc tới giải pháp tăng cường công tác xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục tình trạng thiếu lao động, không để đứt gãy nguồn cung, đáp ứng nhu cầu nhân lực phục vụ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp sau Tết Nguyên đán; nghiên cứu, xây dựng các chính sách nhằm tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp mới thành lập, doanh nghiệp nhỏ và vừa...
Báo cáo từ Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) mới đây cho thấy, có đến 72,8% doanh nghiệp được khảo sát dự kiến sẽ giảm quy mô, ngừng/tạm ngừng kinh doanh hoặc giải thể; trong đó, tỷ lệ doanh nghiệp ngừng kinh doanh chờ giải thể là 11,8%, tỷ lệ tạm ngừng kinh doanh là 12,2%; chỉ 18,1% giữ nguyên quy mô. Tỷ lệ doanh nghiệp mở rộng quy mô chỉ đạt 8,3%, trong đó chỉ 1,5% dự kiến mở rộng quy mô mạnh mẽ.
Vì vậy, Ban IV kiến nghị Chính phủ cần ban hành thêm các chính sách tài khoá nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong giai đoạn này. Cần xây dựng các chính sách hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân một cách thực chất, tiếp sức cho doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn như hiện nay.
Tiến Hoàng