Giấm táo: Bí quyết chăm sóc sức khỏe thần kì hay chỉ là xu hướng nhất thời?

Hiện nay, trào lưu sử dụng giấm táo để giảm cân, cải thiện sức khỏe đang bùng nổ trên các nền tảng mạng xã hội như TikTok và YouTube. Nhiều người nổi tiếng và người dùng tự nhận định rằng việc uống giấm táo hàng ngày đã giúp họ đạt được vóc dáng mơ ước và cải thiện tiêu hóa. Nhưng giấm táo thực sự có mang lại lợi ích như vậy không?

Giấm táo (apple cider vinegar - ACV) là một loại giấm được lên men từ táo, thông qua hai giai đoạn chính. Đầu tiên, đường (carbohydrate) từ táo được lên men thành rượu nhờ nấm men, sau đó rượu này được chuyển hóa thành acid acetic. Acid acetic là thành phần chính tạo nên vị chua và đặc trưng của giấm táo. Ngoài ra, giấm táo còn chứa các hợp chất khác như polyphenol, chất chống oxy hóa và acid hữu cơ có khả năng mang lại một số lợi ích sức khỏe.

GS.TS Carol Johnston từ Đại học bang Arizona (một trong những chuyên gia hàng đầu về dinh dưỡng) đã chỉ ra một số lợi ích của giấm táo có cơ sở khoa học. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tuyên bố chưa được kiểm chứng rõ ràng và không phải ai cũng có thể sử dụng giấm táo một cách an toàn.

Ảnh minh họa (nguồn internet)
Ảnh minh họa (nguồn internet)

Kiểm soát lượng đường trong máu

 

Giám táo giúp kiểm soát lượng đường trong máu (Ảnh minh họa: nguồn internet)
Giám táo giúp kiểm soát lượng đường trong máu (Ảnh minh họa: nguồn internet)

 

Carol S. Johnston, Ph.D - Giáo sư tại Đại học bang Arizona (Arizona State University, ASU) đã tiến hành nhiều nghiên cứu về giấm táo. Bà là một trong những người đầu tiên công bố các kết quả nghiên cứu về tác dụng hạ đường huyết của giấm táo, đặc biệt với những người bị tiểu đường hoặc có khả năng bị kháng insulin​.

GS.TS Johnston và các nhà nghiên cứu khác đã phát hiện ra rằng, uống 1-2 thìa giấm táo pha với nước ngay trước bữa ăn chứa nhiều carbohydrate (tinh bột) sẽ khiến lượng đường trong máu ít tăng đột biến hơn so với bữa ăn không có giấm. Cơ chế chính là do acid acetic trong giấm ức chế hoạt động của các enzyme phân giải carbohydrate, từ đó làm chậm quá trình tiêu hóa tinh bột. Điều này làm giảm tốc độ hấp thụ glucose vào máu, giúp ổn định mức đường huyết và cải thiện độ nhạy insulin.

Một nghiên cứu khác từ Nhật Bản cũng cho thấy giấm táo có thể kích hoạt enzyme AMPK, giúp điều chỉnh mức đường huyết bằng cách tăng cường sự phân hủy glucose và giảm sự tổng hợp lipid trong gan​.

Nhưng nếu mắc đái tháo đường và phải dùng thuốc điều trị thường xuyên, hãy tránh dùng giấm táo. Vì khi sử dụng những loại thuốc này sẽ làm giảm lượng đường trong máu, cộng với việc kết hợp cùng giấm táo sẽ khiến lượng đường trong máu có thể xuống quá thấp gây hạ đường huyết quá mức, chóng mặt, lú lẫn và suy nhược, nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến bất tỉnh, thậm chí co giật.

Hỗ trợ giảm cân

 

Giám táo hỗ trợ giảm cân (Ảnh minh họa: nguồn internet)
Giám táo hỗ trợ giảm cân (Ảnh minh họa: nguồn internet)

 

Trào lưu giảm cân bằng việc uống giấm táo vào mỗi buổi sáng đang được các chị em chia sẻ rộng rãi trên các nền tảng xã hội trong suốt thời gian gần đây. Sau khi dùng một thời gian họ nhận thấy kết quả tích cực trong chỉ số cân nặng.

Giải thích điều này, theo nghiên cứu từ Takeshi Kondo tại Nhật Bản cho thấy rằng giấm táo giúp giảm cân nhẹ khi sử dụng đều đặn. Nghiên cứu này đã theo dõi 155 người và phát hiện rằng những người uống 2 thìa giấm táo pha nước hàng ngày giảm trung bình 1-2kg sau 3 tháng​.

Một thử nghiệm khác vào năm 2024 ở Lebanon với 120 người tham gia, báo cáo rằng uống một thìa giấm táo pha nước mỗi sáng trong 3 tháng giúp họ giảm gần 7kg.

Tuy nhiên, một nghiên cứu theo dõi sau đó cho thấy nhiều người tăng cân trở lại khi ngừng sử dụng giấm táo. Beth Czerwony - Chuyên gia dinh dưỡng từ Phòng khám Cleveland cho rằng các nghiên cứu hiện nay chưa đủ dài và đáng tin cậy để khuyến cáo giấm táo là giải pháp giảm cân an toàn và hiệu quả lâu dài. Mặc dù acid acetic có thể giúp tăng cảm giác no và làm chậm tiêu hóa, nhưng các bằng chứng vẫn chưa đủ mạnh để khẳng định giấm táo là giải pháp tối ưu cho việc giảm cân.

Tăng sức khỏe đường ruột

Một nghiên cứu do Tiến sĩ Hiroshi Yamashita từ Đại học Tokushima (Nhật Bản) đã cho thấy acid acetic trong giấm táo có thể cải thiện quá trình tiêu hóa và chuyển hóa chất béo.

Ông cũng cho hay, acid acetic có thể giúp kiểm soát sự phát triển của các vi khuẩn có hại trong đường tiêu hóa, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn có lợi như Lactobacillus phát triển. Điều này giúp duy trì sự cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột, ngăn ngừa các rối loạn tiêu hóa như đầy hơi và chướng bụng.

Ngoài ra, giấm táo có tính acid nhẹ, giúp kích thích sản xuất acid dạ dày, hỗ trợ quá trình tiêu hóa thức ăn.

Giảm triệu chứng của trào ngược dạ dày thực quản

Trào ngược dạ dày xảy ra khi lượng acid dạ dày không đủ để tiêu hóa thức ăn, dẫn đến việc van cơ thực quản dưới không đóng chặt làm cho acid trào ngược lên thực quản.

Giấm táo với thành phần chủ yếu là acid acetic có thể giúp tăng cường độ acid trong dạ dày giúp cân bằng lượng acid. Điều này có thể làm tăng hiệu quả tiêu hóa và cải thiện việc đóng chặt của cơ thực quản dưới, ngăn chặn acid trào ngược lên trên.

Một nghiên cứu nhỏ được công bố trên tạp chí Journal of Alternative and Complementary Medicine đã đề xuất rằng, bổ sung một lượng nhỏ giấm táo có thể giúp cải thiện chức năng tiêu hóa và làm giảm các triệu chứng trào ngược ở một số bệnh nhân. Tuy nhiên, cần nhiều nghiên cứu quy mô lớn hơn để khẳng định rõ hơn.

Tăng sức khỏe làn da

 

Giấm táo giúp tăng sức khỏe làn da (ảnh minh họa: nguồn internet)
Giấm táo giúp tăng sức khỏe làn da (ảnh minh họa: nguồn internet)

 

Một nghiên cứu đã được công bố trên Journal of Functional Foods cho hay, hàm lượng phenolic trong giấm táo có đặc tính kháng khuẩn, chống oxy hóa giúp ngăn ngừa một số bệnh nhiễm trùng da, bao gồm cả những bệnh do tình trạng cháy nắng gây ra, từ đó hỗ trợ tăng cường sức khỏe làn da.

Trong giấm táo còn có acid malic giúp nhẹ nhàng tẩy tế bào chết để làm thông thoáng lỗ chân lông, giảm mụn đầu đen và cải thiện tình trạng tăng sắc tố trên da.

Ngoài ra, giấm táo có thể giúp cân bằng độ pH của lớp da bên ngoài, giữ cho làn da của bạn hoạt động tối ưu, sản xuất một lượng dầu phù hợp và xử lý các tác nhân gây mụn trứng cá.

Hỗ trợ điều trị viêm da dị ứng

Giấm táo hỗ trợ điều trị viêm da dị ứng (ảnh minh họa: nguồn internet)
Giấm táo hỗ trợ điều trị viêm da dị ứng (ảnh minh họa: nguồn internet)

Theo nghiên cứu được công bố vào tháng 1 năm 2014 trên tạp chí Biomolecules & Therapeutics công bố rằng acid acetic và phenolic trong giấm táo có khả năng kháng nấm và kháng khuẩn. Chúng giúp ức chế sự phát triển của các vi khuẩn, vi sinh vật gây nhiễm trùng da và cân bằng lại pH tự nhiên cho da.

Tuy nhiên, bạn nên làm sạch da sau khi dung dịch đã khô có thể giúp ngăn ngừa kích ứng và tránh dùng giấm nếu vết thương hở, da bị nứt nẻ hoặc chảy máu.

Ảnh minh họa (nguồn internet)
Ảnh minh họa (nguồn internet)

Giấm táo có thể mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, đặc biệt là trong việc hỗ trợ kiểm soát đường huyết và cân nặng. Tuy nhiên, cần sử dụng giấm táo một cách cẩn trọng, tránh lạm dụng và phải pha loãng trước khi dùng để hạn chế các tác dụng phụ tiềm ẩn. Việc tham khảo ý kiến của chuyên gia y tế trước khi sử dụng là cần thiết, đặc biệt với những người có vấn đề về sức khỏe hoặc đang dùng thuốc.

Phương Linh

Từ khóa: