Mới đây, Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ GD-ĐT đã có kết luận liên quan tới những sai phạm của kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình.
Theo đó, các đơn vị Đảng ủy Cục Quản lý chất lượng; chi ủy, chi bộ Thanh tra và cá nhân ông Sái Công Hồng (Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học) thuộc Chi bộ Vụ Giáo dục Trung học được xác định đã có khuyết điểm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ trong Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018.
Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ GD-ĐT cho rằng, các tổ chức, cá nhân mắc sai phạm chưa đến mức phải xem xét xử lý kỷ luật. Do đó, Ban thường vụ Đảng ủy Bộ đề nghị các tổ chức và cá nhân trên kiểm điểm rút kinh nghiệm sâu sắc.
Về việc này, ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, những sai phạm trong kỳ thi THPT 2018 tại 3 địa phương nói trên, Bộ GD-ĐT là cơ quan chủ quản phải chịu trách nhiệm về công tác tổ chức, chỉ đạo, giám sát kỳ thi chung trên cả nước.
Để xảy ra sai phạm, trách nhiệm trực tiếp và lớn nhất thuộc về các địa phương Sơn La, Hà Giang, Hòa Bình, tuy nhiên, Bộ GD-ĐT cũng là cơ quan chịu trách nhiệm gián tiếp, chịu trách nhiệm liên đới.
Cụ thể là các đơn vị Cục Quản lý chất lượng; Thanh tra, Vụ Giáo dục Trung học là các cơ quan chịu trách nhiệm trực tiếp trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ kỳ thi THPT quốc gia thì phải chịu trách nhiệm cao nhất.
Rõ ràng các cơ quan này đã chưa làm tròn trách nhiệm, đặc biệt, công tác quản lý thiếu chặt chẽ, thiếu kiểm tra, đôn đốc, giám sát, thậm chí có cá nhân còn vi phạm kỷ luật trong công việc bảo mật đối với phần mềm chấm thi trắc nghiệm...
"Những sai phạm đã được chỉ ra khá rõ và đều thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên, khi đưa ra hình thức xử lý, kỷ luật cũng phải hết sức thận trọng.
Với một vụ việc quá nhiều tai tiếng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín của ngành giáo dục như sai phạm trong kỳ thì THPT vừa qua thì việc làm nghiêm, làm minh bạch để lấy lại uy tín, danh dự cho ngành giáo dục là rất cần thiết.
Do đó, Bộ GD-ĐT cần công khai mức độ sai phạm, công khai trách nhiệm. Nếu cần thiết, yêu cầu Ủy ban kiểm tra các cấp vào cuộc xem xét cho thấu đáo, tránh tình trạng nể nang, bao che cho nhau", ông Hòa nói.
Trong khi đó, nêu quan điểm cá nhân, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng đề nghị Bộ GD-ĐT công khai kết luận thanh tra và kết luận thanh tra phải nói rõ được cụ thể tính chất, mức độ của sai phạm. Sai phạm tới đâu phải xử lý tới đó. Nếu là sai phạm nghiêm trọng cũng phải xử lý thật nghiêm khắc, không thể bao che.
"Tôi không đồng tình với việc tổ chức thanh tra nội bộ, sai tới mức nào chỉ ngành giáo dục hiểu là không ổn.
Vẫn có tình trạng người không đáng bị xử lý vẫn bị đưa ra xử lý, trong khi có những người sai phạm rất rõ lại nói chưa tới mức xử lý kỷ luật. Tôi đề nghị Bộ GD-ĐT phải trả lời rõ, kết luận sai phạm đối với các cá nhân, tổ chức này cụ thể là như thế nào? Sai tới đâu? Như thế nào là chưa cần thiết phải xử lý kỷ luật?"
Liên quan tới kết luận của Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ GD-ĐT về những sai phạm của kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, cơ quan này chỉ ra: các đơn vị Đảng ủy Cục Quản lý chất lượng; chi ủy, chi bộ Thanh tra và cá nhân ông Sái Công Hồng (Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học) thuộc Chi bộ Vụ Giáo dục Trung học đã có khuyết điểm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ trong Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018.
Những sai phạm cụ thể được Ban Thưởng vụ Đảng ủy Bộ GD-ĐT chỉ ra là: Chi bộ Quản lý thi và Đánh giá chất lượng giáo dục thuộc Đảng bộ Cục Quản lý chất lượng chưa làm tròn trách nhiệm trong việc lãnh đạo đảng viên và chỉ đạo Trung tâm Khảo thí và Kiểm định quốc gia trong việc xây dựng phần mềm thi trắc nghiệm kỳ thi THPT quốc gia năm 2018.
Không ban hành các văn bản lãnh đạo; Không thực hiện phân công nhiệm vụ cho đảng viên; thiếu kiểm tra, đôn đốc, giám sát đảng viên.
Có đảng viên vi phạm kỷ luật trong công việc bảo mật đối với phần mềm chấm thi trắc nghiệm; Đề nghị Đảng ủy Cục Quản lý chất lượng chỉ đạo và thực hiện quy trình xem xét kỷ luật Chi bộ Quản lý thi và đánh giá chất lượng giáo dục theo thẩm quyền...
Với những sai phạm nêu trên, Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ GD-ĐT cho rằng, các tổ chức, cá nhân mắc sai phạm chưa đến mức phải xem xét xử lý kỷ luật. Do đó, Ban thường vụ Đảng ủy Bộ đề nghị các tổ chức và cá nhân trên kiểm điểm rút kinh nghiệm sâu sắc.
Kết luận trên được các ĐBQH cho rằng chưa thật sự thể hiện rõ vai trò quản lý của Bộ GD-ĐT trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia cũng chưa thỏa mãn được những bức xúc của dư luận thời gian qua.
Thái An
Theo Đất việt