VNR20 cho năng suất cao
Có mặt ở các xứ đồng tại tỉnh Thanh Hóa những ngày cuối tháng 5, phóng viên ghi nhận một không khí nhộn nhịp của người nông dân nơi đây đang chuẩn bị bước vào mùa thu hoạch mới.
Bắt gặp giữa cánh đồng lúa thơm mát, anh Ngô Xuân Tứ (thôn Thành Sơn, xã Thiệu Thành, huyện Thiệu Hóa) đang cầm những bông lúa vừa ngắt tại ruộng lên vui mừng nói: "Đây là giống lúa VNR20 của Vinaseed Group chọn tạo. Là giống lúa cảm ôn nên gieo cấy được cả hai vụ. Chiều cao cây 95-100 cm, lá đòng lòng mo, bản lá hẹp…Ngoài ra, VNR20 đẻ nhánh khỏe, tập trung, chọn khóm, thấp cây nên chống đổ tốt, chống chịu trung bình với một số loại sâu bệnh hại".
"Vụ Xuân này gia đình tôi gieo trồng 7 sào giống lúa VNR20, nếu thời tiết nắng thế này thì chỉ ít ngày là bắt đầu thu hoạch. Tôi thấy giống lúa VNR20 không tốn nhiều công chăm sóc mà năng suất dự kiến từ 3-3,5tạ/sào nên bà con nông dân thôn Thành Sơn sẽ gửi chọn niềm tin vào giống lúa VNR20 ở vụ sau", anh Ngô Xuân Tứ nói thêm.
Qua tìm hiểu được biết, giống lúa VNR20 có thời gian sinh trưởng tùy vào từng khu vực và mùa vụ nhưng bình quân từ 95-130 ngày. Đây là giống thích hợp với loại đất chân vàn, vàn cao và vàn hơi thấp.
Lượng giống gieo sạ, lúa vụ Mùa tại các tỉnh phía Bắc từ 40-45 kg/ha, còn các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên từ 80-100 kg/ha.
Để đạt năng suất lúa VRN20 từ 7,0-7,5 tấn/ha, thì cần bón phân cân đối, bón sớm, lượng phân tùy theo từng loại đất. Đặc biệt, công tác phòng trừ sâu bệnh phải thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để phát hiện sâu bệnh sớm phòng trừ.
Liên kết giúp nông dân yên tâm sản xuất
Hầu hết diện tích canh tác tại các huyện Thiệu Hóa, Thọ Xuân, Nông Cống… (tỉnh Thanh Hóa) cơ bản sử dụng nhiều giống lúa chất lượng cao nên năng suất tăng lên rõ rệt như VNR20, VNR88…
Đồng thời, thông qua các mối liên kết và bao tiêu sản phẩm, nông dân Thanh Hóa sẽ được chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, vật tư đầu vào thấp, giá bán lúa cao, các khâu từ trồng đến thu hoạch lúa đều được cơ giới hóa nên hiệu quả kinh tế cao hơn trước.
Ông Mai Khắc Nhuận - Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp và phát triển nông thôn Thiệu Thành cho biết: "Hiện nay, HTX đang bao tiêu khoảng 20 ha lúa, với giá thị trường được tính 6.500 đồng/kg, thì HTX sẽ thu mua cho nông dân gần 9.000 đồng/kg. Trong đó, giống lúa VNR20 cũng nằm trong liên kết bao tiêu sản phẩm, nếu trừ mọi chi phí thì người nông dân lời từ 800.000-1.000.000 đồng/sao".
Nhờ liên kết và bao tiêu sản phẩm nên người nông dân tỉnh Thanh Hóa giờ đây đã yên tâm sản xuất, vật tư đầu vào thấp, giá bán lúa lại cao, các khâu từ trồng đến thu hoạch lúa đều được cơ giới hóa nên hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn.
Tại huyện Nông Cống (tỉnh Thanh Hóa), vụ Xuân 2020 có tổng diện tích lúa gieo trồng 10.200ha, cơ cấu 12 loại giống, trong đó lúa Lai chiếm 68%... Tính đến ngày 18/5/2020 huyện đã thu hoạch được trên 15% diện tích, nhìn chung lúa chiêm Xuân sinh trưởng phát triển tốt, dự kiến năng suất bình quân của huyện đạt 70 tạ/ha. Đặc biệt một số diện tích có giống lúa VNR20, VNR88, Thái xuyên 111, Hương ưu 98, Thiên ưu 8…năng suất đạt trên 75 tạ/ha.
Ông Đồng Minh Quân - Trưởng phòng NNPTNN huyện Nông Cống cho biết: "Đầu năm 2020, huyện tiếp tục đấu nối, mời gọi các doanh nghiệp, Công ty, như: Công ty TNHH Sao Khuê, Công ty An Thành Phong, Tập đoàn giống cây trồng Việt Nam hợp tác cùng với các HTX liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm lúa cho nhân dân trên địa bàn huyện, diện tích liên kết là 600 ha.
Hiện nay, nhân dân thu hoạch lúa tươi đến đâu, doanh nghiệp thu mua đến đấy, giá thu mua lúa tươi cao hơn so với bình quân hàng năm từ 3-5%, giá trị trong sản xuất lúa cơ bản cao hơn từ 10-15% so với cùng kỳ hàng năm - ông Quân cho biết thêm.
Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Thanh Hóa, vụ chiêm xuân 2020, Thanh Hóa gieo trồng được trên 116 nghìn ha lúa. Trong đó có trên 4,7 nghìn ha liên kết với các doanh nghiệp. Nhờ mối liên kết, không những giá trị trên đơn vị diện tích tăng lên mà thống kê toàn tỉnh đã tiết kiệm được khoảng 153 tỷ đồng tiền thuốc bảo vệ thực vật.
Hậu Lộc – Lê Duy