Nghệ nhân Nguyễn Văn Lưu kể về việc phục dựng, phát triển gốm sứ quê hương nơi mình sinh ra.
Cuộc hẹn bên những người có tâm có tầm giữ lửa nghề xưa, một chiều hè tháng năm, chúng tôi tìm đến trụ sở Công ty Cổ phần Gốm Chu Đậu. Đón tiếp chúng tôi là hai con người tâm huyết ông Nguyễn Văn Lưu (Giám đốc) và ông Nguyễn Thanh Bình (Phó Giám đốc) cả hai ông đều là những người từng trãi đi đến nhiều nơi ở Việt Nam và Quốc tế và đã thành đạt khi trở về quê hương gây dựng lại chất gốm xưa. Không khách sáo, không khuôn mẫu, họ trò chuyện như rút gan rút ruột, kể cho chúng tôi nghe về hành trình trở về quê hương phục dựng dòng gốm cổ từ đống tro tàn thời gian.
Những câu chuyện không chỉ đầy ắp tư liệu lịch sử, mà còn phảng phất chất thơ, chất nhạc và tình yêu quê hương đất nước, yêu nghề mãnh liệt. “Gốm không chỉ là đất gốm là linh hồn qua từng câu chuyện”, ông Lưu trầm giọng. Và quả thật, mỗi sản phẩm gốm Chu Đậu là một câu chuyện về đôi bàn tay tài hoa, về lửa nung đỏ lửa niềm tin, và về bản lĩnh một dân tộc biết tạo ra cái đẹp từ đất và lửa. Từ một người không biết gì về gốm, ông Lưu rong ruổi khắp các làng nghề cả nước, học hỏi từ nghệ nhân, mời các họa sĩ, nghệ sĩ về làng, mở lớp dạy nghề, khôi phục kỹ thuật men trắng ngà, vẽ hoa lam. “Không có thị trường thì không sản xuất, không có nghệ nhân thì không có sản phẩm” bằng một tầm nhìn kết hợp giữa văn hóa và kinh tế, giữa truyền thống và xuất khẩu, ông Lưu đã biến làng gốm Chu Đậu thành điểm sáng của thủ công mỹ nghệ Việt Nam.
Ông bắt đầu câu chuyện về bà Bùi Thị Hý từ tài hoa lỡ vận một số phận lớn giữa thời loạn sinh vào thời Hậu Lê, dưới triều vua Lê Thái Tông, Bùi Thị Hý là con gái của một danh gia vọng tộc ông Lê Quốc Hưng ở Gia Lộc, Hải Dương. Bà nổi tiếng thông minh từ thuở nhỏ, tinh thông ngoại ngữ, thi họa, và ca hát những điều hiếm thấy ở một nữ nhi thời bấy giờ. Tương truyền, vào năm 1442, Bùi Thị Hý cải trang thành nam để đi thi. Tuy nhiên, bà bị phát hiện là nữ giới, phạm tội khi quân và bị đuổi khỏi trường thi. Đó đáng lẽ là dấu chấm hết cho một cuộc đời tài năng. Nhưng định mệnh lại mở ra một hướng khác từ bi kịch cá nhân trở thành sứ mệnh văn hóa. Trên đường buồn bã rời trường thi, bà đến Côn Sơn - Kiếp Bạc, rồi bén duyên với ông Đặng Sỹ một chủ lò gốm tại làng Chu Đậu. Chính tại đây, với bàn tay tài hoa và tâm hồn nghệ sĩ, Bùi Thị Hý đã bắt đầu sự nghiệp mới tạo ra những tác phẩm gốm có giá trị nghệ thuật, văn hóa và tâm linh vượt thời gian.
Một trong những hiện vật quý giá nhất của dòng gốm Chu Đậu hiện nay chính là chiếc bình gốm hoa lam, dưới đáy có đề dòng chữ: “Thái Hòa Bát niên, tượng nhân Bùi Thị Hý” khẳng định vai trò người sáng tạo và ghi dấu ấn cá nhân của bà. Đây được coi là tác phẩm đầu tiên của phụ nữ Việt Nam có chữ ký cá nhân, một biểu tượng của sự tự chủ nữ quyền và tinh thần nghệ sĩ vượt thời đại
Gốm Chu Đậu (Hải Dương) tinh hoa văn hóa Việt Nam.
Dấu ấn lịch sử rõ nét nhất phải kể đến bức thư của ngài Makoto Anabuki – nguyên Bí thư thứ hai Đại sứ quán Nhật Bản, gửi Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương năm 1980, cùng phát hiện tại Bảo tàng Topkapi Saray (Thổ Nhĩ Kỳ): một bình gốm men trắng vẽ hoa lam đề năm “Thái Hòa bát niên” (1450) sản phẩm nguyên bản của gốm Chu Đậu. Cùng với đó, cuộc khai quật con tàu đắm Cù Lao Chàm vào cuối thế kỷ 20 đã phát hiện hàng chục ngàn hiện vật Chu Đậu, khẳng định vai trò trung tâm xuất khẩu gốm sứ hàng đầu Đông Nam Á thời Lê sơ.
Khởi nguồn của một huyền thoại gốm Việt Gốm Chu Đậu dòng gốm từng bị thất truyền suốt nhiều thế kỷ ngày nay đã trở thành biểu tượng sống động của bản lĩnh và sức sáng tạo dân tộc. Từng là niềm kiêu hãnh trong thời kỳ hưng thịnh của Đại Việt, những sản phẩm gốm Chu Đậu mang vẻ đẹp thanh tao, tinh xảo, từng theo những đoàn thuyền vượt trùng khơi đến hơn 46 quốc gia và vùng lãnh thổ từ thế kỷ 14 đến 17.
Chu Đậu từng là trung tâm sản xuất gốm cao cấp của Đại Việt, xuất khẩu đến khắp Á Âu. Nhưng chiến tranh, thiên tai và sự lãng quên đã khiến nghề gốm nơi đây bị thất truyền. Mãi đến năm 1980, khi một chiếc bình gốm hoa lam có đề bút danh “Bùi Thị Hý” được phát hiện tại Bảo tàng Topkapi Saray (Thổ Nhĩ Kỳ), giới nghiên cứu mới thực sự chú ý đến giá trị và nguồn gốc của dòng gốm Chu Đậu.
Các cuộc khai quật sau đó tại chính làng Chu Đậu đã phát hiện hàng trăm đáy lò, hàng nghìn hiện vật, xác lập một sự thật hiển nhiên nơi đây từng là trung tâm chế tác gốm sứ lớn bậc nhất Việt Nam thời phong kiến. Phát triển rực rỡ nhất vào thời nha Mạc rồi nhanh chóng rơi vào lãng quên do chiến tranh.
Chu Đậu Gốm của văn hóa Việt, của linh khí đất trời. Gốm Chu Đậu không chỉ là vật dụng hay đồ trang trí. Đó là đỉnh cao của hội họa và kỹ thuật thủ công Việt Nam: Nét đặc trưng làm nên danh tiếng gốm ngự dụng nước thiêng đất thiêng Gốm Chu Đậu nổi bật với men trắng ngà, men ngọc xanh, hoa lam đặc trưng, kỹ thuật vẽ tay tỉ mỉ và hoa văn đậm hồn Việt: từ hoa sen, hoa cúc đến hình rồng, phượng và thư pháp. Sản phẩm gốm Chu Đậu không chỉ đơn thuần là vật dụng, mà là đồ ngự dụng dùng trong cung đình, tế lễ đòi hỏi sự tinh xảo đến tuyệt đối.
Màu men đặc biệt ngả vàng như ngà voi không đơn thuần là thẩm mỹ mà còn là dấu hiệu nhận biết đất Chí Linh thiêng liêng, nơi hội tụ linh khí Côn Sơn Kiếp Bạc, nơi của những bậc thánh hiền như Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Chu Văn An... đã từng đi qua ở lại ghi dấu ấn
Tâm linh và phong thủy chiều sâu hồn cốt Việt: Không chỉ đẹp về hình thức, đồ thờ và vật phẩm phong thủy Chu Đậu còn mang giá trị linh thiêng nhờ nguồn đất thiêng Chí Linh. Từ bát hương, chân đèn, tượng Phật cho đến lộc bình tất cả đều chứa đựng năng lượng cát lành, tịnh tâm. Gốm Chu Đậu trong không gian thờ cúng là sự kết nối giữa quá khứ hiện tại tương lai, giữa con người và tâm linh, giữa truyền thống và bản sắc. Đặc biệt, sự độc bản “không cái nào giống cái nào” khiến giá trị mỗi món gốm không nằm ở hình dáng hay kích thước, mà ở hồn cốt và câu chuyện văn hóa đằng sau nó. Vì thế, có sản phẩm chỉ vài triệu, nhưng cũng có sản phẩm lên đến hàng trăm triệu đồng.
Các sản phẩm gốm Chu Đậu.
Ngày nay những tuyệt phẩm Bình gốm hoa lam Chu Đậu hay còn gọi là bình củ tỏi mang nét dương thuộc dòng gốm phong thủy mang dáng tròn tượng trưng cho trời, hình trụ thẳng mang dáng trực tượng trưng cho người đàn ông quang minh chính đại, là trụ cột trong gia đình và xã hội vì thế còn được gọi là bình có tính dương Hình dáng tròn, men trắng, họa tiết màu lam, thường được trang trí họa tiết hoa cúc đại đóa, tượng trưng cho sự thành đạt, hoàn hảo.
Bình tỳ bà mang nét âm, trong phong thủy và mỹ học truyền thống phương Đông, dáng bình tỳ bà thường được xem là mang nét âm tức là nhẹ nhàng, mềm mại, nữ tính và có tính thu hút, ôn hòa. Bình tỳ bà mang theo nét âm vì hình dáng mềm mại, uyển chuyển. Dáng bình tỳ bà phỏng theo hình cây đàn tỳ bà hoặc thân người phụ nữ: cổ thon, thân phình, đáy tròn, tạo cảm giác uyển chuyển, mượt mà đúng với đặc trưng của khí âm. Đường cong mượt, không góc cạnh, biểu hiện cho nét đẹp dịu dàng, nuôi dưỡng, bao bọc. Tính âm trong phong thủy trong phong thủy, “âm” không mang nghĩa tiêu cực mà biểu hiện của sự yên tĩnh, trầm ổn, cảm xúc và chiều sâu nội tâm. Bình tỳ bà đặt trong không gian sẽ giúp cân bằng năng lượng, đặc biệt ở những nơi nhiều dương khí (nhiều ánh sáng, hoạt động, người qua lại). Và còn có bình tứ cảnh, tứ linh, bình Phú quý hoa phù dung,.. trở thành quà tặng quốc gia, hiện diện trong nhiều hội nghị quốc tế, góp phần khẳng định vị thế văn hóa Việt trên trường quốc tế.
Vươn tầm thế giới Chu Đậu trên hành trình hội nhập. Hơn cả một dòng gốm, Chu Đậu hôm nay là “chìa khóa vàng” cho phát triển du lịch địa phương và kinh tế văn hóa Việt. Với sự đầu tư bài bản từ các doanh nghiệp và sự hỗ trợ từ chính quyền, làng gốm Chu Đậu không chỉ được phục dựng mà trong tương lai không xa còn trở thành điểm đến du lịch văn hóa nổi bật, nơi du khách có thể trải nghiệm, học nghề và cảm nhận tinh thần dân tộc qua từng thớ đất, ngọn lửa. nguồn nước.
Nhờ nỗ lực không ngừng nghỉ, ngày nay, gốm Chu Đậu đã trở thành quà tặng ngoại giao quốc gia, hiện diện trong các sự kiện trọng đại của đất nước. Đây không còn chỉ là một sản phẩm thủ công mỹ nghệ, mà là “Đại sứ văn hóa Việt Nam”, mang bản sắc Việt Nam đến bạn bè năm châu.
Theo ông Nguyễn Văn Lưu, những nghệ nhân tay nghề cao có thể đạt mức thu nhập lên tới 15- 30 triệu đồng/tháng hơn cả lao động phổ thông ở Hà Nội minh chứng cho tiềm năng phát triển bền vững của một dòng gốm từng bị lãng quên. Gốm Chu Đậu ngày nay không chỉ hồi sinh, mà còn vươn mình mạnh mẽ, góp phần đưa văn hóa Việt Nam hòa mình vào dòng chảy toàn cầu.
Gốm Chu Đậu biểu tượng của bản lĩnh và vẻ đẹp Việt Gốm Chu Đậu không chỉ là những món đồ sứ men lam, mà là ký ức của một nền văn hóa, là lát cắt của lịch sử Đại Việt, là tâm hồn được gửi vào đất, nước, lửa và tình yêu của con người. Đằng sau sự trở lại đầy kiêu hãnh ấy là hình ảnh người con xa quê trở về, lặng lẽ làm điều lớn lao bằng một tấm lòng chân thành, bền bỉ. Gốm Chu Đậu viên ngọc từng bị vùi sâu trong lòng đất nay đã trở lại, rạng rỡ và sống động như chính bản sắc của dân tộc Việt Nam. Trải qua thăng trầm, biến thiên lịch sử, gốm Chu Đậu vẫn giữ nguyên vẻ đẹp thuần khiết, là minh chứng cho một thời kỳ rực rỡ của Đại Việt. Mỗi sản phẩm không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật, mà là di sản sống động của văn hóa Việt, của bàn tay và tâm hồn người Việt. Gốm Chu Đậu không chỉ là quá khứ vàng son, mà còn là hiện tại tỏa sáng và tương lai rạng ngời của văn hóa Việt Nam.
LƯU ĐỨC THỌ