Ở lĩnh vực nông nghiệp, GS – TS Nguyễn Quốc Vọng là nhà khoa học hàng đầu về rau quả và trà của Châu Á được người Úc vinh danh. Ông là người có công đưa các giống trà Nhật sang Úc từ 1995, khi đang còn là Chuyên gia của Bộ Nông nghiệp Úc, để rồi hiện người Úc hàng năm xuất khẩu trà xanh ngược về Nhật trung bình 5 tấn, với mức giá 150 đôla Úc/kg (khoảng 2,4 triệu đồng). Trong khi Việt Nam cũng có trà, là nước xuất khẩu trà thứ 5 của thế giới, sản lượng trung bình hàng năm từ 200.000 – 220.000 tấn, cũng đồng thời là nước sản xuất trà xanh lớn thứ 2 thế giới (sau Trung Quốc) – chiếm 60% trên tổng sản lượng, nhưng giá trị trà Việt ở thị trường thế giới lại ở mức thấp nhất. Trở lại Việt Nam lần này (GS – TS Vọng đã từng về Việt Nam làm việc, xây dựng nền móng cho ngành rau quả từ 2007 – 2016), ông tham gia cùng Hiệp hội Chè Việt Nam, cùng tập trung nghiên cứu hai dự án: Trà shan cổ thụ, và tiếp thị trà Việt ra nước ngoài, với mong muốn góp phần nâng tầm vị thế trà Việt trên thị trường quốc tế.
Tìm hiểu và nghiên cứu về ngành trà Việt, ông nhận thấy ở đó những ưu điểm gì khiến ông chú ý?
Trà, vốn dĩ nó đã là ưu điểm, bởi khác với những sản phẩm nông nghiệp khác. Trà chứa nhiều chất dinh dưỡng, đáng chú ý nhất là polyphenol, catechin trong lá trà tươi hoặc trà khô, là hoạt tính giúp con người làm chậm sự hình thành tế bào ung thư, hạ cholesterol xấu trong máu. Người sử dụng trà thời hiện đại, không chỉ uống vì là thức uống, mà vì tác dụng y dược. Rất nhiều bạn bè quốc tế không biết Việt Nam có ngành trà, vì chúng ta tiếp thị theo cách cũ, không nói lên tính khoa học của trà Việt. Tôi tham gia vào dự án nghiên cứu trà shan, nhằm đưa ra những con số, như catechin trong trà đen, trà xanh, trà shan nó là bao nhiêu, và chất khác như axit amin, vitamin C, cafein, tanin, theanin... hàm lượng thế nào… Chúng tôi phân tích rất kỹ những hoạt tính như vậy, và sẽ tổ chức hội thảo, giới thiệu để thế giới biết đến trà Việt Nam mang đặc tính y dược rất tốt, là sản phẩm mà thế giới nên quan tâm.
Hẳn trà Việt cũng có những bất lợi mà quá trình nghiên cứu ông nhận ra?
Việt Nam sản xuất trà đen, trà xanh từ rất lâu (từ 1927 khi người Pháp lập đồn điền trà công nghiệp đầu tiên ở Cầu Đất, Đà Lạt – pv) đi vào thị trường quốc tế cũng rất lâu. Hiện xuất khẩu mỗi năm khoảng 150 ngàn tấn, nhưng bất lợi của mình là trong quá trình dài, chúng ta ít, thậm chí không quản lý được vấn đề dịch hại, đôi khi trà chúng ta xuất khẩu vướng vào dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Một vài lần như vậy khiến cho trà công nghiệp của chúng ta bị mang tiếng không có chất lượng cao, không an toàn vệ sinh thực phẩm. Khi thương lái nước ngoài vào Việt Nam, người ta dùng lý do đó hạ thấp giá mua. Kết quả mỗi năm dù xuất khẩu lớn (đa số trà đen), giá xuất khẩu của chúng ta chỉ từ 1,5 đến cao lắm là 2,5 đôla/kg trong khi thế giới là 4 – 5 đôla/kg.
Theo đánh giá của ông, quá trình này còn ảnh hưởng lâu dài không?
Còn ảnh hưởng lâu dài, cho đến lúc nào Việt Nam tự chứng minh với thế giới rằng trà chúng ta an toàn, không dư lượng bảo vệ thực vật, có chất lượng cao.
Vậy trà shan cổ thụ có gì lợi thế trong cuộc chiến này?
Phát triển trà shan, nên theo hướng khác. Chúng ta sẽ nói trà shan là đặc sản của Việt Nam. Không theo luồng chung như đen hoặc trà xanh đang xuất khẩu. Làm như vậy để thị trường nước ngoài hiểu đây là loại sản phẩm đặc biệt, nó không dính vào bất cứ lỗi thông thường nào ở trà công nghiệp. Cộng với chứng minh trà shan có tính ưu việt về y dược, ưu việt về chất lượng, mọi người thấy rõ vì chúng sinh trưởng trong rừng, rất tự nhiên nên hữu cơ. Điểm lợi thế khác là trà shan chỉ do người dân tộc thiểu số chăm sóc, tác động của con người với trà shan cổ thụ nhiều lắm năm 1 – 2 lần, cắt cỏ cho gốc, không tác động gì khác. Đây là loại trà tôi cho là hữu cơ tự nhiên 100%. Nếu chúng ta tiếp thị ở nước ngoài, miêu tả đây là trà shan cổ thụ, làm bằng tay, thủ công nghệ, người dân tộc thiểu số làm, và hữu cơ, đặc tính y dược tốt, theo cách đó, sẽ bán ra nước ngoài với giá đúng với giá trị thực, tôi tính ít nhất 10 – 15 thậm chí 50 đôla/kg.
Khai thác, cũng cần có chuyện bảo tồn, ông đã đi qua các vùng trà shan cổ thụ ở Việt Nam như Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang… ngoài giá trị của trà, ông quan tâm điều gì khác?
Có mấy vấn đề cần chú ý, thứ nhất là việc bảo tồn. Trà shan cổ thụ là loại trà mọc tự nhiên trong rừng, Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng về biến đổi khí hậu xấu nhất, những cây sống lâu năm trong rừng già, núi cao như trà shan rất nhạy bén với biến đổi khí hậu. Nhiệt độ tăng, hạn hán, bão tố nhiều, môi trường tiểu khí hậu thay đổi, cây trà sẽ chết. Vùng trà cổ thụ Suối Giàng là ví dụ điển hình. Nhà nước cần có chính sách bảo tồn vì đây là vốn rất quý của Việt Nam.
Thứ hai: Trà shan trước đây ít người quan tâm, khi chúng tôi nghiên cứu và đưa ra những công bố khoa học về trà shan, đã có một số doanh nghiệp chú ý. Điểm tốt là người ta sẽ nhân lên, bảo tồn sản xuất trà shan, và không tốt là khả năng sẽ có sự can thiệp của hóa chất vào sản xuất, kêu gọi nông dân phun thuốc, đảm bảo số lượng. Khi đó trà shan sẽ không còn hữu cơ nữa, sẽ có kiểu lợn hai chuồng, rau hai luống. Chúng ta phải làm sao không để tình trạng đó xảy ra cho ngành trà shan.
Thứ ba: Hiện 100% trà shan cổ thụ do anh em dân tộc thiểu số Dao, H’Mông, Tày, Thái chăm sóc, đây là những tộc người sống trên cao, đời sống khó khăn hơn so với người miền xuôi. Trà shan không đủ lượng tạo nguồn sinh kế thường trực, do vậy phải có chính sách đãi ngộ để người ta có tài chánh cơ bản, có thì giờ chăm sóc trà shan. Nếu coi trà shan là vốn quý của đất nước, thì anh em dân tộc là người đại diện chăm sóc vốn quý ấy.
Trên bình diện quốc tế, không chỉ Việt Nam sở hữu trà shan tuyết cổ thụ, Trung Quốc, Lào, Myanmar, Thái Lan cũng có trà shan, chuyện cạnh tranh trên thương trường hẳn là có?
Trà shan đang là phong trào, người ta đang tiếp thị trà shan trên thế giới. Tương lai sẽ có cạnh tranh, chẳng hạn chuyện người nước ngoài vào Việt Nam mua trà shan nguyên liệu đã xảy ra từ rất lâu rồi. Nhưng đáng sợ hơn là tình trạng mua nguyên cây, chặt cây mang về nước họ. Nếu không có chế độ quản lý tốt, với sự hợp tác của anh em dân tộc thiểu số, để gìn giữ bảo tồn, nếu không quan tâm đúng mức, chỉ trong vòng 5 – 10 năm, sẽ không còn trà shan cổ thụ trên lãnh thổ Việt Nam.
Có cơ hội nghiên cứu trà shan, hẳn ông và Hiệp hội Chè Việt cũng đã đưa ra những quy chuẩn đề xuất để phân định thế nào là trà shan Việt Nam?
Về đặc tính vị trí, trà shan phải ở độ cao trên 1.000m trong các khu rừng thuộc Điện Biên, Lào Cai, Sơn La, Hà Giang, Yên Bái… Đặc tính hình thái phải là cây cổ thụ, đường kính gốc ít là trên 20cm. Vì sao? Vì lấy chuẩn những cây trà trồng ở Cầu Đất từ thời Pháp thuộc 1927, giờ có đường kính hơn 20cm. Chúng tôi lấy đó làm so sánh, trà cổ thụ phải là những cây trên 100 năm, cao 3m trở lên, có hai giống lá xanh, và lá đỏ. Khi các chỉ tiêu hoàn thiện, chúng tôi sẽ đăng ký để phân biệt muốn là chè shan Việt Nam phải đáp ứng những yêu cầu đó. Chúng ta phải làm theo tính pháp lý, không nói miệng như trước nữa.
Nói về các chỉ số của trà shan sau nghiên cứu, có điều gì làm ông ấn tượng?
Đây là lần đầu tiên có một nghiên cứu chỉ ra trong trà shan cổ thụ Việt Nam thuộc từng vùng thổ nhưỡng có những hoạt chất gì. Khi xem kết quả, tôi thực sự ngạc nhiên vì những chất như catechin, axit amino… trong trà shan cổ thụ cao gấp 20 – 30 lần so với trà công nghiệp. Còn rất nhiều các hoạt chất khác, trà shan cũng đều vượt trội so với các giống trà thông thường, kể cả so với những mẫu phân tích tôi có được từ trà Nhật, trà Sri Lanka, Ấn Độ.
Ông kỳ vọng gì ở nghiên cứu với trà shan?
Vai trò của tôi là tư vấn và nghiên cứu, tổng hợp tư liệu, thông tin, số liệu từ Hiệp hội Chè Việt Nam để viết thành báo cáo khoa học. Các nhà tài trợ cho dự án hỗ trợ kinh phí thực hiện, kết quả sẽ được Hiệp Hội Chè Việt Nam công bố, dưới hình thức họp báo, hội thảo. Tôi cũng sẽ trích đăng những nghiên cứu trên tạp chí chuyên ngành trong và ngoài nước không chỉ bằng tiếng Việt, mà bằng cả tiếng Anh để mọi người biết và hiểu rõ hơn về trà shan.
Nghiên cứu về trà Việt, ông có cảm nghĩ, nhìn nhận gì về nhu cầu sử dụng trà, cách thức tiếp cận với trà của giới trẻ ngày nay?
Người trẻ trong nước cũng đang góp phần phát triển loại hình đặc sản trà shan cổ thụ. Tôi tham dự các cuộc thi Tea Master Cup (Vua pha trà Việt), thấy rất nhiều bạn trẻ tham gia, họ sử dụng trà shan, với những kỹ thuật pha chế, cách cảm thụ trà rất khác. Năm 2018, trong hội thảo về nội dung tiêu thụ và sản xuất trà toàn cầu do nhu cầu mạnh mẽ ở Trung Quốc và Ấn Độ, diễn ra tại Hàng Châu, Trung Quốc, do FAO – Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc tổ chức, báo cáo có đoạn: Trên thế giới đang dấy lên phong trào người trẻ uống trà, nhưng cách thức bây giờ khác xưa, họ sẵn sàng trả một khoản tiền lớn để uống trà, với điều kiện phải biết trà đó có chất dinh dưỡng thế nào, và xuất xứ từ đâu.
Theo snowshantea.com