Hà Giang: Chàng trai người Dao khởi nghiệp từ chế biến chè hữu cơ khẳng định thương hiệu Việt

Trăn trở tìm ra một hướng đi mới để thoát nghèo cho gia đình cũng như cho người dân trong thôn khi diện tích ruộng bị ngập dưới lòng hồ thủy điện Nậm An, anh Triệu Quang Vinh, thôn Nậm An, xã Tân Thành, Bắc Quang (Hà Giang) đã vận động bà con vươn lên thoát nghèo từ chính cây chè shan - loại cây công nghiệp dài ngày gắn bó lâu đời với người dân nơi đây góp phần ổn định kinh tế cho người dân.

Vươn lên thoát nghèo từ chính cây chè shan, loại cây công nghiệp dài ngày gắn bó lâu đời với người dân thôn Nậm An, xã Tân Thành, Bắc Quang (Hà Giang).
Vươn lên thoát nghèo từ chính cây chè shan, loại cây công nghiệp dài ngày gắn bó lâu đời với người dân thôn Nậm An, xã Tân Thành, Bắc Quang (Hà Giang).

Chia sẻ về hành trình đưa thương hiệu chè shan của người dân thôn Nậm An ra thị trường, anh Triệu Quang Vinh tâm sự: Trong quá trình mang sản phẩm chè xanh của gia đình đi tiêu thụ tại các cơ sở chế biến, anh Vinh nhận thấy tiềm năng làm giàu từ cây chè shan của Nậm An, loại cây đã gắn bó bao đời với bà con trong thôn nhưng bị lãng quên từ nhiều năm nay. 

Hà Giang: Chàng trai người Dao khởi nghiệp từ chế biến chè hữu cơ khẳng định thương hiệu Việt - Ảnh 1
Để phát triển kinh tế từ cây chè thì không chỉ thu hoạch sản phẩm, mà cần phải tập trung vào khâu chế biến nhằm nâng cao chất lượng, cũng như nâng cao giá thành của sản phẩm cây chè.
Để phát triển kinh tế từ cây chè thì không chỉ thu hoạch sản phẩm, mà cần phải tập trung vào khâu chế biến nhằm nâng cao chất lượng, cũng như nâng cao giá thành của sản phẩm cây chè.

Với trăn trở, để phát triển kinh tế từ cây chè thì không chỉ thu hoạch sản phẩm, mà còn cần phải tập trung vào khâu chế biến nhằm nâng cao chất lượng, cũng như nâng cao giá thành của sản phẩm cây chè. Sau nhiều năm tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm, được sự động viên của gia đình và Ban quản lý thôn, anh Vinh đã vận động các hộ có cùng sở thích mạnh dạn vay vốn để đầu tư cơ sở chế biến chè. Năm 2014, Tổ hợp tác chế biến chè Vinh - Sính ra đời với 5 thành viên do anh làm tổ trưởng

Sau thời gian tìm hiểu và nghiên cứu thị trường, anh Vinh cùng các thành viên Tổ hợp tác vận động bà con trong thôn quy hoạch lại diện tích đã có để tăng cường thâm canh; đồng thời nhờ cán bộ khuyến nông xã đến tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, thu hái cho bà con, nhờ vậy nguồn cung ứng sản phẩm chè búp tươi cho cơ sở dần ổn định.

Theo các cụ già làng kể lại, cây chè ở thôn Nậm An những năm trước đây được trồng chủ yếu chỉ để phục vụ nhu cầu sinh hoạt của các gia đình là chính; do trồng phân tán và chăm sóc thiếu khoa học và không đúng quy trình kỹ thuật nên cây chè phát triển chậm, năng xuất không cao, sản phẩm chè búp tươi thường mất giá; thêm vào đó, giá thành vận chuyển nguyên liệu chè xanh đến các cơ sở chế cao do giao thông đi lại khó khăn.

Anh Vinh cũng cho biết thêm: Ngày đầu mở xưởng chế biến, Tổ hợp tác sản xuất chè hữu cơ của anh gặp muôn vàn khó khăn, thiếu thốn cả về kinh nghiệm sản xuất, thiết bị máy móc, đồng vốn, nhất là nguồn điện lưới. Sau bao năm vất vả, Tổ hợp tác chế biến chè Vinh - Sính cũng đã đem lại thành quả nhất định, đến nay với gần 90ha chè hiện có, Tổ hợp tác đã tiêu thụ cho bà con trên 100 tấn chè búp tươi, xuất bán ra thị trường trên 20 tấn chè khô thành phẩm, sản phẩm chè xanh của Tổ hợp tác đã dần được khẳng định chỗ đứng trên thị trường và được người tiêu dùng đón nhận.

Sau gần 10 năm nỗ lực của các thành viên Tổ hợp tác, năm 2019, Tổ hợp tác chế biến chè Vinh - Sính được tổ chức Nông - Lương Thế giới (FAO) công nhận đạt tiêu chuẩn sản xuất theo nông nghiệp hữu cơ. Cùng với việc đón nhận thương hiệu chè hữu cơ, Trung tâm Khuyến công tỉnh Hà Giang đã hỗ trợ Tổ hợp tác 135 triệu đồng để đầu tư thêm máy móc, kéo điện 3 pha, đăng ký nhãn, mác và bao bì sản phẩm chè hữu cơ để thuận lợi cho việc nhận diện thương hiệu trên thị trường.

Nhờ có sự nỗ lực của cá nhân và các thành viên, Tổ hợp tác chế biến chè hữu cơ Vinh - Sính đã tiêu thụ nguyên liệu chè búp tươi cho bà con trung bình 16-18.000/kg, vào mùa cao điểm Tổ hợp tác thu mua lên tới 20.000đ/g.

Thu nhập ổn định, người trồng chè đã biết chú trọng đầu tư chăm sóc cây chè shan tuyết của gia đình.
Thu nhập ổn định, người trồng chè đã biết chú trọng đầu tư chăm sóc cây chè shan tuyết của gia đình.

Với mong muốn khởi nghiệp thoát nghèo và làm giàu bằng chính sản phẩm chè của quê hương, anh Triệu Quang Vinh đã biến ước mơ của mình thành hiện thực. Không chỉ giúp bà con trong thôn thoát nghèo, chàng trai người Dao còn xây dựng nên một thương hiệu nông sản hữu cơ, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm cây chè Shan ở Nậm An đã từng một thời bị lãng quên trở thành cây kinh tế mũi nhọn và ngày càng đứng vững trên thị trường./.

Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.

Sơn Thuỷ - Chí Cường