Được biết, năm 2024 toàn huyện Hoàng Su Phì có 100 hộ đăng ký thực hiện cải tạo vườn tạp; trong đó 61 hộ nghèo; 39 hộ cận nghèo. Đến nay, các hộ đã thực hiện cải tạo được trên 15.550 m2 vườn; tập trung trồng rau chuyên canh; chăn nuôi lợn, gà, dê, trâu; nuôi thủy sản. Trong 6 tháng đầu năm, đã thẩm định giải ngân theo chính sách Nghị quyết 58 HĐND tỉnh được 14 hộ với kinh phí 420 triệu đồng. Ngoài ra, có 16 hộ không thuộc đối tượng thụ hưởng theo Nghị quyết 58 đăng ký triển khai thực hiện; diện tích vườn đã được cải tạo là 4.600 m2, tập trung trồng cây ăn quả, hoa màu và chăn nuôi. Với phương châm “làm đến đâu chắc đến đó, không chạy theo số lượng”, huyện đã chỉ đạo ngành chuyên môn và các xã, thị trấn tập trung hướng dẫn người dân lựa chọn cây, con phù hợp trong quá trình thực hiện; chuyển giao KHKT; hướng dẫn quy hoạch vườn đảm bảo khoa học, hợp lý...
Thực hiện kế hoạch phát triển nông nghiệp đặc trưng hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị, huyện tập trung phát triển các sản phẩm gồm: Chè Shan tuyết, lúa chất lượng cao, cây dược liệu và cây ăn quả. Trong đó, sản phẩm chè Shan tuyết đã xây dựng được chuỗi liên kết sản xuất giữa người trồng với các doanh nghiệp, HTX, với các dòng chè thành phẩm đa dạng như: Trà xanh, Hồng trà, Trà Phổ Nhĩ ép bánh, Trà Shan tiên, Trà Móng rồng… Đến nay, toàn huyện có 4.451 ha chè, trong đó diện tích cho thu hoạch 4.287 ha, sản lượng thu hoạch 6 tháng đầu năm ước đạt 5.876 tấn. Với sản phẩm lúa chất lượng cao và cây ăn quả ôn đới, huyện cũng đã kết nối với các doanh nghiệp, HTX xây dựng dự án liên kết sản xuất theo hướng doanh nghiệp cung ứng giống, vật tư, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc và bao tiêu sản phẩm cho nông dân, giúp bà con yên tâm sản xuất.
Đặc biệt, huyện Hoàng Su Phì tiếp tục xây dựng các mô hình sản xuất điển hình như: Mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ Thủy điện Sông chảy 3, quy mô 16 lồng nuôi, diện tích mặt nước 576 m2. Và các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng như trồng dưa hấu tại xã Bản Luốc; trồng dâu tây tại xã Pố Lồ; trồng thanh long tại các xã Bản Luốc, Bản Máy, thị trấn Vinh Quang. Mô hình cải tạo vườn cây ăn quả lê, mận tại 2 xã Chiến Phố, Thàng Tín...
Ông Lý Chòi Nhàn - Phó Chủ tịch UBND huyện Hoàng Su Phì, cho biết: Từ năm 2023 đến nay, huyện tiếp tục thực hiện 7 dự án hỗ trợ liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, trong đó trồng trọt 2 dự án, chăn nuôi 4 dự án, nuôi thủy sản 1 dự án; tổng số hộ tham gia 780 hộ, chủ yếu là hộ nghèo và cận nghèo với kinh phí thực hiện 24.298,1 triệu đồng. Qua thực hiện các dự án đã giúp tăng năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, tăng giá trị sản phẩm và từng bước nâng cao thu nhập cho nông dân.
Cùng với đó, huyện tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án chuyển đổi diện tích đất trồng ngô kém hiệu quả sang cây trồng khác. Trong 6 tháng đầu năm, huyện đã chuyển đổi được 15 ha đất trồng ngô sang trồng cây mận Máu tại 2 xã Thàng Tín (05 ha); Chiến Phố (10 ha). Bà Hoàng Thị Thủy, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hoàng Su Phì, cho biết: Phòng đang tích cực tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát những diện tích trồng ngô kém hiệu quả để chuyển sang các cây trồng khác, trong đó tập trung vào cây ăn quả vì phù hợp với điều kiện khí hậu của địa phương với các loại như: Mận, lê, dưa hấu, dâu tây, thanh long...
Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, ngành chuyên môn và sự tham gia hưởng ứng của nông dân đã góp phần thực hiện hiệu quả các chương trình nông nghiệp trọng tâm trên địa bàn huyện, qua đó thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng liên kết sản xuất, tăng giá trị, phát triển bền vững./.
XUÂN SỸ