Huyện Quang Bình hiện có trên 3 nghìn ha chè Shan tuyết, diện tích cho thu hoạch trên 2.400 ha; có 905 ha chè sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP tập trung chủ yếu tại các xã Tiên Nguyên, Xuân Minh, Tân Bắc... Sản lượng chè búp tươi năm 2017 đạt hơn 9.200 tấn; giá bán bình quân 7.000 – 8.500 đồng/kg chè búp tươi, tổng giá trị ước đạt trên 64 tỷ đồng.
Thời gian qua, huyện đã tập trung chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn và các xã, thị trấn vùng chè đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 209 của HĐND tỉnh để người dân, các hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, đầu tư phát triển sản xuất, nhân rộng vùng chè theo tiêu chuẩn VietGAP.
Từ đầu năm đến nay, có 125 hộ đăng ký vay vốn phát triển sản xuất chè theo Nghị quyết số 209 với nhu cầu vay trên 4,4 tỷ đồng. Trong đó, 18 hộ đủ điều kiện vay, đã giải ngân cho 14 hộ với tổng số tiền 645 triệu đồng. Bên cạnh đó, huyện thường xuyên cử cán bộ chuyên môn xuống cơ sở, tuyên truyền, vận động người dân tuân thủ đúng quy trình sản xuất VietGAP, cách ghi chép sổ sách về quá trình sinh trưởng, phát triển, thu hoạch chè...
Đồng thời, huyện tăng cường xây dựng các vùng nguyên liệu chè sạch, an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; khuyến khích các doanh nghiệp, HTX đầu tư dây chuyền công nghệ chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, huyện đã thực hiện việc phân vùng quản lý và bao tiêu sản phẩm chè cho các doanh nghiệp, HTX gồm: Công ty TNHH MTV Chè Quang Bình với diện tích 1.390 ha, vùng nguyên liệu tại xã Tiên Nguyên, Yên Thành, Tân Bắc; HTX Xuân Mai có vùng nguyên liệu tập trung tại xã Xuân Minh, Tiên Nguyên với diện tích 418 ha; HTX Nam Hải, HTX Cao Nguyên khai thác nguyên liệu tại xã Tân Bắc, Tiên Nguyên…
Từ đó, giúp các đơn vị chế biến, tiêu thụ sản phẩm chè có vùng nguyên liệu ổn định, kiểm soát tốt hơn chất lượng sản phẩm. Các doanh nghiệp, HTX đã thực hiện chuỗi liên kết với người trồng chè theo quy trình khép kín từ cung ứng giống, phân bón, hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc và bao tiêu sản phẩm.
Tuy nhiên, năm 2020 và đặc biệt là năm 2021, tình hình dịch bệnh Covid 19 làm kinh tế trong nước và quốc tế suy giảm, tình hình sản xuất, chế biến chè tại Quang Bình đã gặp phải một số khó khăn trong quá trình sản xuất, tiêu thụ chè... do thiếu lao động cục bộ, tiêu thụ khó khăn vào các thị trường trong tỉnh và một số thị trường lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Tuyên Quang... và xuất khẩu sang Trung Quốc gặp khó do giãn cách, phong tỏa...
Trước những khó khăn do dịch bệnh gây ra, huyện Quang Bình (Hà Giang) đã tập trung chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn và các xã, thị trấn vùng chè đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 209 của HĐND tỉnh để người dân, các hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, đầu tư phát triển sản xuất, nhân rộng vùng chè theo tiêu chuẩn VietGAP, nâng cao chất lượng sản phẩm để tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Bên cạnh đó, huyện Quang Bình cũng thường xuyên cử cán bộ chuyên môn xuống cơ sở, tuyên truyền, vận động người dân tuân thủ đúng quy trình sản xuất VietGAP, cách ghi chép sổ sách về quá trình sinh trưởng, phát triển, thu hoạch chè... đồng thời thực hiện nghiêm túc các biện pháp an toàn khi sản xuất, chế biến như áp dụng biện pháp 5K; cách thức bảo quản sản phẩm trong lúc tồn kho chờ tiêu thụ...
Dịch bệnh khiến tiêu thụ khó khăn, cũng là lúc Quang Bình tính đến giải pháp xây dựng sản phẩm mang thương hiệu chủ lực để tiếp tục phát triển sau dịch. Một trong những giải pháp được đưa ra đó chính là phát triển các sản phẩm chè Shan tuyết đạt hạng 3, 4 và 5 sao OCOP trở lên.
Để thực hiện mục tiêu trên, huyện Quang Bình (Hà Giang) đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ như: Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức trong việc triển khai thực hiện OCOP cho cấp ủy, chính quyền cơ sở, các doanh nghiệp, HTX và các hộ sản xuất, kinh doanh sản phẩm chè Shan tuyết; đưa đề án OCOP vào nghị quyết của cấp ủy, chính quyền các cấp.
Cùng với đó, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Quang Bình đã chủ động phối hợp với đơn vị tư vấn tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng, mức độ hoàn thiện của các sản phẩm được huyện lựa chọn xây dựng sản phẩm OCOP, đặc biệt là sản phẩm chè Shan tuyết: Tiến hành hoàn thiện mã số, mã vạch, mã QR và tem chống hàng giả cho các sản phẩm tham gia chương trình OCOP của huyện…
Việc xây dựng nhãn hiệu sản phẩm chè Shan tuyết OCOP được đánh giá là hướng đi đúng đắn, mang lại hiệu quả, giúp nâng cao giá trị sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường; góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân, đơn vị sản xuất kinh doanh.
Hiện nay, sản phẩm chè Shan tuyết của HTX Minh Quang hay chè Shan tuyết Quang Sơn đều được sản xuất theo chuỗi, đảm bảo chất lượng, nhãn mác rõ ràng và tham gia trưng bày, giới thiệu tại nhiều hội chợ lớn trong và ngoài tỉnh, có sức tiêu thụ lớn.
Tại HTX Chè thiên nhiên Bản Rịa huyện Quang Bình được thành lập từ năm 2017 với số vốn đầu tư ban đầu 500 triệu đồng, gồm 8 thành viên, trong đó duy trì thường xuyên 6 lao động thời vụ và trên 10 lao động theo giờ, chủ yếu sản xuất các loại chè vàng, chè khói xuất khẩu...
* Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.