Hà Giang: Nỗ lực đưa ngành chè vượt qua khó đại dịch

Hiện toàn tỉnh Hà Giang có trên 20 nghìn ha chè, diện tích cho thu hoạch là hơn 18 nghìn hecta. Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên cả nước. Nhiều biện pháp cách ly xã hội đã được triển khai quyết liệt nhằm ngăn chặn dịch bệnh, vì vậy cũng ảnh hưởng đến ngành nông nghiệp của tỉnh Hà Giang nói chung và ngành chè nói riêng, nhất là tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu chậm so với những năm trước. Nhưng về thị trường và giá cả sản phẩm chè búp tươi và chè khô vẫn tương đối ổn định.

Người dân xã Cao Bồ (huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang) thu hoạch chè - Ảnh: dangcongsan.vn
Người dân xã Cao Bồ (huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang) thu hoạch chè - Ảnh: dangcongsan.vn

Toàn tỉnh Hà Giang có trên 20 nghìn ha chè, diện tích cho thu hoạch là hơn 18 nghìn hecta. Trong đó, chè hữu cơ gần 7 nghìn hecta tập trung ở các huyện Hoàng Su Phì, Xí Mần, Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên; diện tích chè VIETGAP là hơn 3 nghìn hecta. Toàn tỉnh có trên 700 cơ sở sản xuất, chế biến chè các loại. Trong đó có 4 Công ty Cổ phần, 8 Công ty TNHH, 23 Hợp tác xã, 665 cơ sở nhỏ lẻ. Sản phẩm chè ngày càng đa dạng, có chất lượng tốt, đảm bảo an toàn thực phẩm và có chỗ đứng trên thị trường trong nước và xuất khẩu.

Thời gian gần đây, ngành sản xuất, chế biến chè của tỉnh đang phải chịu ảnh hưởng khá mạnh từ đại dịch Covid-19, sức tiêu thụ của thị trường chậm, vận chuyển khó khăn, xúc tiến thương mại mở rộng thị trường hầu như bị đình trệ dẫn đến hàng hoá bị tồn đọng, đặc biệt là mặt hàng chè phục vụ xuất khẩu. Tình hình tiêu thụ tại một số doanh nghiệp sản xuất chè lớn của tỉnh cũng chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 do không vận chuyển được hàng hóa qua một số nước và giá cước vận chuyển cũng tăng cao.

Chia sẻ với báo chí, chị Phạm Thị Nhung, Quản lý Công ty TNHH 1 Thành viên Đầu tư và Phát triển Chè Quang Bình cho biết: “Đối với tình hình dịch bệnh bây giờ cả nước, cả thế giới đang rất là căng thẳng, hiện tại với nhà máy của chúng tôi vẫn hoạt động bình thường trong khuôn khổ, phạm vi của toàn huyện, vẫn bao tiêu sản phẩm cho bà con bình thường. Thứ 2 là khâu sản xuất, chế biến, về công nhân lao động đều là công nhân lao động trực tiếp của địa phương, thế nên cũng không quá lo ngại và không ảnh hưởng về vấn đề dịch bệnh. Thứ 3 là chuỗi khách hàng, hiện tại chúng tôi cũng có một tập khách hàng, tương đối là ổn định, thế nên việc hàng hóa đi vẫn có thể đẩy được. Tuy nhiên, dịch bệnh cũng ảnh hưởng đến khâu xuất khẩu, hàng hóa qua cửa khẩu, phí giao dịch cao, thế nên cũng khó khăn cho việc tăng giá thành sản xuất”.

Hiện đang vào vụ thu hái chè chính trong năm, sản lượng thu hoạch lớn nhất chiếm trên 60% tổng sản lượng cả năm, sản phẩm chè có thể bảo quản, tuy nhiên nếu tình hình dịch bệnh Covid-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp, sẽ ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh chè trên địa bàn. Đặc biệt, đối với khối lượng sản phẩm chè thành phẩm đã được đóng gói nhưng chưa bán ra thị trường.

Nhưng với lợi thế, chè là sản phẩm có thể để lâu, vì thế các công ty, doanh nghiệp, Hợp tác xã sản xuất chè luôn chú trọng đến khâu chế biến, bản quản để giữ được chất lượng chè, chờ dịch qua đi để tiếp tục tiêu thụ và xuất khẩu được thuận lợi.

Công ty Cổ phần Chè Hùng An ở huyện Bắc Quang (Hà Giang) là một trong những đơn vị tiêu thụ và sản xuất chè lớn của tỉnh Hà Giang. Bình quân mỗi năm Công ty thu mua sản phẩm chè búp tươi từ 70 đến 80 nghìn tấn, chế biến thành phẩm khoảng 20 nghìn tấn chè khô với hai loại chè xanh và chè đen xuất khẩu.

Ông Nguyễn Văn Hà, Giám đốc Công ty Cổ phần Chè Hùng An (Bắc Quang, Hà Giang) cho biết, để duy trì sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm chè trong thời điểm khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Công ty vẫn bao tiêu toàn bộ sản phẩm chè búp tươi cho người dân, không để người trồng chè phải gặp khó khăn trong tiêu thụ, đồng thời công ty cũng phải cân đối tài chính một cách hợp lý từ khâu thu mua, đến tiêu thụ sản phẩm để sản xuất chè không bị đình trệ. Ngoài ra, công ty cũng phải đảm bảo chi trả mức thu nhập cho 55 công nhân trực tiếp sản xuất, chưa tính đến thuê số lao động theo thời vụ.

“Từ năm 2020 đến nay, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, công ty cũng luôn nhận được sự giúp đỡ của các cấp chính quyền, nhất là của huyện Bắc Quang và xã Hùng An luôn luôn chỉ đạo công ty các biện pháp phòng chống dịch, mọi công nhân trong công ty đều rất ý thức trong khâu phòng chống dịch, do vậy vẫn chưa có vấn đề gì xảy ra trong quá trình lao động, sản xuất, cũng như trong an toàn phòng, chống dịch bệnh.

Đối với sản xuất, từ năm 2020 đến nay, chúng tôi tập trung vào sản xuất là chủ yếu, nên sản lượng sản xuất 2 năm nay vẫn duy trì sản xuất ổn định. Chỉ trong năm 2021 thì gặp khó khăn trong vấn đề tiêu thụ hàng hóa. Công ty cũng đã chủ động về việc này và huy động các nguồn vốn, mặc dù có tồn đọng sản phẩm nhưng đến hiện tại công ty vẫn đang duy trì hoạt động, ổn định và bảo đảm bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho bà con”. Ông Hà cho biết thêm.

Công ty TNHH Thành Sơn có địa chỉ tại xã Phương Độ, Thành phố Hà Giang cũng là một trong những đơn vị sản xuất, chế biến chè từ nhiều năm nay với việc thu mua khoảng 75 tấn chè búp tươi mỗi năm để sản xuất, chế biến ra từ 10 – 15 tấn chè thành phẩm chất lượng cao.

Theo lãnh đạo công ty cho biết, vào thời điểm này, hàng năm khi chưa có ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19, chè của công ty chế biến đến đâu đều được tiêu thụ hết đến đó. Tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên sản lượng chè để sản xuất và tiêu thụ cũng gặp những khó khăn nhất định. Do vậy, trong thời điểm này công ty phải cân đối lượng chè sản xuất cho phù hợp với nhu cầu của thị trường.

Ngoài ra, cũng phải chuẩn bị các điều kiện để bảo quản chè tốt để khi dịch bệnh qua đi có thể cung cấp chè ngay ra thị trường như trước đây.

Chia sẻ với báo chí, bà Phạm Thị Minh Hải, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thành Sơn cho biết: “Do tình hình dịch Covid-19 hiện nay gây ảnh hưởng rất lớn đến toàn xã hội, khách hàng thì hạn chế chi tiêu, thắt chặt lại quá trình mua sắm cũng như sử dụng của mình. Thứ 2 là, một số khách hàng thì cách ly, chính vì thế mà họ cũng sẽ không đặt nhiều đơn hàng để tránh không bị tiếp xúc với nhiều người. Đây là một trong những khó khăn ảnh hưởng rất lớn đến tất cả các doanh nghiệp cũng như là Công ty Thành Sơn. Với tình hình như hiện nay, các doanh nghiệp vẫn phải đảm bảo được đầu bao tiêu chè búp tươi cho bà con, thế nhưng cũng phải tính kỹ trong vấn đề cân đối tài chính để làm sao chi tiêu và xử lý được tất cả các đầu nguồn kia làm sao cho hợp lý”.

Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Giang cho biết, trước diễn biến ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, ngành nông nghiệp cũng đã tham mưu cho tỉnh triển khai, thực hiện chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với các công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã. Trong đó, quan tâm đặc biệt tới hỗ trợ tín dụng đối với các khoản vay cho sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh các hình thức tiêu thụ nông sản một cách linh động, phù hợp, tiếp tục khuyến khích bà con đầu tư thâm canh, chế biến chè để nâng cao sản lượng và chất lượng chè.

Ông Vũ Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở NN&PTNN tỉnh Hà Giang đã có chia sẻ với báo chí: “Dịch bệnh Covid-19 không chỉ ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội. Trong đó cũng ảnh hưởng khá lớn đối với ngành phát triển chè tại Hà Giang. Trong thời gian vừa qua, qua nắm bắt tình hình thực tế, chúng tôi thấy việc ảnh hưởng thứ nhất đối với ngành chè Hà Giang đó là việc xuất, bán ra thị trường, đặc biệt là những thị trường xuất khẩu, đâu đấy cũng ảnh hưởng bởi việc lưu thông chậm dẫn đến một số công ty, doanh nghiệp còn hàng tồn kho với khối lượng khá lớn. Song song với đó là ảnh hưởng đến nguồn vốn, để các doanh nghiệp thực hiện các việc thu mua, sơ chế, chế biến đầu vào từ các vùng nguyên liệu của người dân. Đồng thời, ảnh hưởng đến việc quản lý, phát triển vùng nguyên liệu đảm bảo theo đúng tiêu chuẩn để cho đúng theo các thông số đã cam kết với cơ quan chức năng”.

“Trước các khó khăn đấy, các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước cũng đã có nhiều giải pháp. Thứ nhất là về lợi thế ngành chè, Hà Giang cũng đã xây dựng được các nhãn hiệu, phát triển thành những thương hiệu khá mạnh. Thứ hai là Hà Giang cũng có nhiều cơ sở chế biến, những cơ sở hạ tầng về bảo quản các sản phẩm chè khá tốt, đặc biệt là có thị trường rộng. Do vậy, trước những khó khăn của địa dịch, việc thích ứng của các doanh nghiệp khá tốt. Song song với đó, các cơ quan nhà nước như Sở Nông nghiệp, Sở Công Thương, các huyện cũng đã hướng dẫn các biện pháp linh hoạt như các giải pháp về bán hàng trên các trang thương mại điện tử, bán hàng online,... Nhìn chung, đến thời điểm hiện tại, việc thích ứng của ngành chè cũng khá là tốt”. Ông Hiếu cho biết thêm.

Được biết, trong thời gian qua, ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương cũng đã chủ động phối hợp với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chè trên địa bàn để kịp thời giải quyết, tháo gỡ khó khăn, xây dựng các phương án, giải pháp tiêu thụ sản phẩm chè thành phẩm trong giai đoạn hiện nay.

* Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.