Dự buổi lễ có: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 04 của Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến; nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Bùi Duy Nhâm, Nguyễn Công Soái; nguyên Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Tưởng Phi Chiến; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực HĐND, UBND TP Hà Nội và đông đảo cán bộ, tầng lớp Nhân dân huyện Ứng Hòa.
Phát biểu tại Lễ công bố, đón nhận huyện đạt chuẩn NTM và huân chương lao động hàng Nhì, Chủ tịch UBND huyện Ứng Hoà Nguyễn Tiến Thiết cho biết: Ứng Hòa là vùng quê văn hiến, có truyền thống văn hóa, lịch sử cách mạng; là vùng đất địa linh nhân kiệt; quê hương của nhiều nhân sĩ trí thức, anh hùng hào kiệt, chí sĩ cách mạng. Trong suốt chiều dài lịch sử hình thành và phát triển, Nhân dân Ứng Hòa vừa phải chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc, vừa phải lao động sản xuất để xây dựng và phát triển quê hương. Với những đóng góp to lớn đó, năm 1951, quân và dân huyện Ứng Hòa đã được Bác Hồ gửi thư khen; được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và Huân chương Lao động hạng Ba.
Xây dựng nông thôn mới luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể huyện Ứng Hòa xác định là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội.
Qua hơn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, với xuất phát điểm thấp, Ứng Hòa đã có bước phát triển toàn diện từ việc quán triệt chủ trương, thay đổi nhận thức, đến hành động cụ thể của cả hệ thống chính trị và toàn dân, đạt được nhiều kết quả tích cực. Đến nay, toàn huyện có 28/28 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 6/28 xã được công nhận Xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và thị trấn Vân Đình được UBND huyện công nhận đạt chuẩn văn minh đô thị; Kinh tế có bước phát triển khá theo hướng bền vững; Diện mạo nông thôn, thị trấn đổi mới, khang trang; đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân không ngừng phát triển. Ứng Hòa đã từng bước xây dựng lên giá trị cốt lõi của một miền quê đáng sống.
Là huyện trọng điểm về phát triển nông nghiệp, Đảng bộ, chính quyền huyện luôn nhận thức sâu sắc được vị trí, tầm quan trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn nên đã xây dựng Nghị quyết chuyên đề về công tác dồn điền đổi thửa, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Sau dồn điền đổi thửa tạo điều kiện thuận lợi cho cơ giới hoá, ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao giá trị sản xuất, từ đó đã hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung như vùng chuyên canh tập trung, với trên 8.000ha lúa, trong đó có trên 60% lúa chất lượng cao, trên 2 triệu gia cầm, trên 4.000ha thủy sản lớn nhất thành phố và hàng trăm ha rau củ quả các loại; năng suất các loại tăng bình quân từ 15 đến trên 20%.
Bên cạnh đó, huyện tập trung triển khai kế hoạch thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030. Toàn huyện có 70 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP, trong đó có 13 sản phẩm đạt 4 sao, 57 sản phẩm đạt 3 sao; trọng tâm là các sản phẩm từ nông nghiệp có giá trị cao trên thị trường.
Trên địa bàn huyện hiện có 03 cụm công nghiệp đang hoạt động, thu hút trên 80 doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh vào đầu tư với trên 3.000 lao động có việc làm thường xuyên thu nhập từ 8-15 triệu/người/tháng; 21/21 làng nghề hoạt động có hiệu quả, trong đó nổi bật như làng nghề: sản xuất tăm hương thôn Xà Cầu, Đạo Tú… xã Quảng Phú Cầu; may áo dài thôn Trạch Xá xã Hòa Lâm; giày da thôn Thần xã Minh Đức… góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và quảng bá sản phẩm thế mạnh của địa phương trên thị trường trong và ngoài nước.
Kinh tế của huyện tiếp tục trên đà tăng trưởng khá, bình quân đạt 7,22%; Thu ngân sách hàng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch. Thu nhập bình quân đầu người đạt 68,2 triệu đồng/người/năm; tăng 55,82 triệu so với năm 2010. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2023 chỉ còn 0,003%.
PHI LONG