Hà Nội: Làng nghề chè xã Ba Trại - điểm sáng kinh tế của huyện Ba Vì

Tận dụng khí hậu và đồng đất, từ một xã miền núi gặp nhiều khó khăn trong sản xuất nông nghiệp, đến nay, xã Ba Trại (huyện Ba Vì) đã xây dựng thành công mô hình sản xuất chè "sạch". Cây chè đã giúp nông dân miền núi Ba Trại vươn lên làm giàu, phát triển kinh tế địa phương.

Ba Trại “thủ phủ" chè của Ba Vì

Cách trung tâm Hà Nội chừng 60km, xã Ba Trại (huyện Ba Vì, Hà Nội) là một vùng đồi núi mờ sương. Nhờ thổ nhưỡng, khí hậu trong lành, những nương chè nơi đây xanh mướt quanh năm, để rồi kết tinh thành “Đệ nhất trà Hà thành” với hương thơm tự nhiên, vị đậm đà khác biệt.

Làng văn hóa Đô Trám, xã Ba Trại, huyện Ba Vì, Hà Nội. Ảnh: Sơn Thủy  
Làng văn hóa Đô Trám, xã Ba Trại, huyện Ba Vì, Hà Nội. Ảnh: Sơn Thủy  

Ba Trại là xã có diện tích trồng chè lớn nhất huyện Ba Vì. Những năm gần đây, người dân nơi đây đã đưa vào trồng giống chè mới cho năng suất, chất lượng cao và xây dựng thương hiệu chè Ba Trại. Cây chè không chỉ giúp người dân nơi đây làm giàu qua thương hiệu chè búp khô đang dần được khẳng định mà còn mở hướng đi mới trong phát triển du lịch, hứa hẹn mang đến những đổi thay cho vùng miền núi này trong thời gian không xa...

Được biết, đến nay trên địa bàn xã Ba Trại huyện Ba Vì có 9 làng nghề sản xuất và chế biến chè được công nhận làng nghề truyền thống. Cây chè được xác định là cây trồng chủ lực và là nguồn thu nhập chính của người dân địa phương. Nhờ cây chè mà đời sống của người dân được nâng lên rõ rệt. Đặc biệt, từ năm 2013, nhận được sự giúp đỡ của Trung tâm Phát triển giống cây trồng Hà Nội, nông dân xã Ba Trại đã tích cực chuyển đổi và thay thế dần giống chè cũ bằng giống chè LDP1 cho năng suất cao, chất lượng tốt. Từ đó, những vườn chè sạch tại xã Ba Trại được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP ngày càng được mở rộng. Toàn xã có tổng diện tích 471 ha thì có tới 70% diện tích trồng giống chè LDP1.

Ông Nguyễn Tạ Tấn - Phó Chủ tịch UBND xã Ba Trại trao đổi với phóng viên về tình hình phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn xã. Ảnh: Sơn Thủy  
Ông Nguyễn Tạ Tấn - Phó Chủ tịch UBND xã Ba Trại trao đổi với phóng viên về tình hình phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn xã. Ảnh: Sơn Thủy  

Trong đó, Ba Trại đã có gần 50ha chè được cấp chứng nhận VietGAP. Các vườn chè được kiểm soát chặt chẽ từ quy trình bón phân tới sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Sau nhiều năm chuyển đổi, đưa giống mới và khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhiều hộ trồng chè nơi đây đã đầu tư công nghệ, máy móc phục vụ phun, tưới chè để giảm công lao động mà vườn chè vẫn cho năng suất cao. Cũng từ khi trồng giống chè mới và trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, thương hiệu chè Ba Trại được khách hàng biết đến ngày càng nhiều hơn. Thị trường tiêu thụ được mở rộng, giá bán cao hơn so với giống chè cũ. Năm 2020, với tổng diện tích 471 ha chè, năng suất bình quân vườn chè Ba Trại 1 ha đạt 8,5 tấn, cá biệt có nhiều hộ chăm sóc tốt, sản lượng chè đạt từ 10-12 tấn/ha. Tính tổng sản lượng chè xã Ba Trại đạt trên 5.000 tấn/năm, chiếm gần 50% tổng sản lượng chè toàn huyện Ba Vì.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Tạ Tấn - Phó Chủ tịch UBND xã Ba Trại, cho biết: “Ba Trại tự hào về vùng đất được mệnh danh là thủ phủ trồng chè của huyện Ba Vì, với địa hình có độ dốc lại nằm trong khu vực núi Ba Vì mát mẻ, không khí trong lành nên rất thích hợp cho cây chè sinh trưởng, phát triển. Hiện nay, diện tích trồng chè của Ba Trại là khoảng 470ha, là vùng trồng chè lớn nhất của huyện Ba Vì. Trung bình mỗi hộ dân có từ 2.000m2 đến 3.000m2 chè. 9/10 thôn của Ba Trại đã được thành phố Hà Nội công nhận danh hiệu làng nghề chế biến chè búp khô truyền thống. Từ năm 2019, xã Ba Trại bắt tay vào xây dựng nhãn hiệu tập thể “Chè búp khô Ba Trại”.

Bên cạnh đó, được sự hỗ trợ và quan tâm của UBND huyện Ba Vì, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, xã Ba Trại cải tạo những vườn chè già cỗi, xen canh trồng mới những nương chè. Đặc biệt, qua các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ ngành nông nghiệp, người trồng chè ở Ba Trại đã thay đổi phương thức sản xuất, hướng đến trồng chè sạch, chất lượng cao... Hơn nữa, các hộ gia đình đẩy mạnh chuyển đổi, mở rộng sản xuất nhằm nâng cao giá trị của cây chè. Sau nhiều năm chuyển đổi, đưa giống mới, khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhiều hộ trồng chè nơi đây đã đầu tư công nghệ, máy móc phục vụ phun tưới, sao chè…

Đổi thay nhờ cây chè

Trao đổi với ông Đinh Công Phu - Chủ tịch Hội Nông dân xã Ba Trại cho biết: “Năm 2021, sản phẩm chè Ba Trại được UBND thành phố Hà Nội chấm điểm đạt sản phẩm chè OCOP 3 sao. Chè xanh vốn là đặc sản của nhiều tỉnh miền núi phía Bắc, đặc biệt ở vùng đất Thủ đô, chè Ba Trại nhờ vào sự thuận lợi của thổ nhưỡng, phương pháp chế biến riêng, đã tạo được hương vị rất riêng làm hài lòng nhiều thực khách. Chè Ba Trại so với nhiều vùng chè khác của Thủ đô có vị khác biệt, hương thơm tự nhiên, vị đậm đà, nước chè khi pha có màu xanh, sánh vàng, nhấp ngụm trà đầu có vị chát nhẹ, sau đó vị ngọt đậm dần cùng hương thơm lan tỏa... Đó là vị hòa quyện, kết tinh của đất và trời Ba Trại cùng với bí kíp chọn chè, sao chè của người dân nơi đây...”.

 Ông Đinh Công Phu - Chủ tịch Hội Nông dân xã Ba Trại trao đổi về sản phẩm chè Ba Trại. Ảnh: Sơn Thủy  
 Ông Đinh Công Phu - Chủ tịch Hội Nông dân xã Ba Trại trao đổi về sản phẩm chè Ba Trại. Ảnh: Sơn Thủy  

Theo ông Phu, chia sẻ thêm thời gian qua, Ba Trại đã xây dựng Nghị quyết của Đảng ủy, Hội đồng Nhân dân về định hướng phát triển nông nghiệp kết hợp với du lịch, đặc biệt là du lịch làng nghề chè. Một số đường làng đã được trồng hoa, cây cảnh tạo điểm nhấn cho khách du lịch đến với Ba Trại có cảm giác được đến với làng quê tươi đẹp. Chúng tôi mong muốn đẩy mạnh du lịch cộng đồng, đặc biệt là các vùng sản xuất chè, vận động bà con nhân dân chỉnh trang đường làng ngõ xóm, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất cây chè theo hướng sạch và an toàn, từng bước tuyên truyền bà con nhân dân dùng chế phẩm sinh học để đảm bảo việc sử dụng thuốc trừ sâu an toàn. Chúng tôi đã xây dựng được mô hình trồng chè VietGap, toàn xã hiện có 4ha và đang tiến tới nhân rộng mô hình này với hướng 10ha chè VietGap, 40ha chè an toàn. Đến năm 2020 xã sẽ cố gắng chuyển đổi toàn bộ cơ cấu giống thay thế cho giống chè cũ bằng những giống chè mới có năng suất chất lượng cao.

Ba Trại đầu tư hệ thống đường giao thông cho các làng nghề trồng và chế biến chè búp khô, trong đó tập trung vào thôn 3 và thôn 4 (làng Đô Trám) để phát triển làng nghề gắn với du lịch. Ảnh: Sơn Thủy  
Ba Trại đầu tư hệ thống đường giao thông cho các làng nghề trồng và chế biến chè búp khô, trong đó tập trung vào thôn 3 và thôn 4 (làng Đô Trám) để phát triển làng nghề gắn với du lịch. Ảnh: Sơn Thủy  

Trung bình mỗi năm, chè cho thu hoạch 7-8 lứa. Vụ chè chính kéo dài từ tháng 4 đến tháng 9. Những tháng còn lại, sản lượng chè giảm nhưng giá thường tăng hơn. Nguyên nhân do vào mùa đông, búp chè phát triển chậm năng suất thấp hơn vụ hè, nhưng đổi lại, cây chè được dưỡng đủ gió, sương nên mang vị đậm đà, thơm hơn.

Nói về giá trị kinh tế, cây chè không chỉ được đong đếm ở mức giá 200 đến 250 nghìn đồng/kg chè búp khô; mà từ đây, những đồi chè xanh còn manh nha mở hướng cho địa phương phát triển du lịch. Năm 2021, Ba Trại sẽ tiếp tục đầu tư hệ thống đường giao thông cho các làng nghề trồng và chế biến chè búp khô, trong đó tập trung vào thôn 3 và thôn 4 (làng Đô Trám) để phát triển làng nghề gắn với du lịch.

Đến Ba Trại hôm nay, mọi người sẽ gặp những mảng xanh rộng lớn trải dài từ khắp các sườn đồi đến khu vườn của mỗi nhà dân. Hộ gia đình trồng chè ông Nguyễn Văn Chính, tại khu 3, xóm Đô chia sẻ: “Đối với làng nghề chè xóm Đô, xã Ba Trại có khoảng 100 hộ gia đình trồng chè và chế biến sản xuất chè. Năm 2021, đạt chuẩn sản phẩm OCOP 3 sao “Chè sạch Ba Trại”. Hiện nay, tổng diện tích vườn chè của gia đình có hơn 4000 m2, trồng chè của gia đình được áp dụng theo hướng sản xuất hữu cơ với giống cây chè chủ đạo hiện nay chủ yếu là giống LDP1, PH8, mỗi năm gia đình đạt khoảng hơn tạ chè khô, tính trung bình giá bán thô 250 nghìn/kg chè…mỗi năm đạt trung bình thu nhập từ cây chè khoảng 250 triệu đồng”.

Hộ gia đình trồng chè ông Nguyễn Văn Chính, tại khu 3, xóm Đô, xã Ba Trại đã gắn bó làm nghề chè gần 40 năm. Ảnh: Sơn Thủy  
Hộ gia đình trồng chè ông Nguyễn Văn Chính, tại khu 3, xóm Đô, xã Ba Trại đã gắn bó làm nghề chè gần 40 năm. Ảnh: Sơn Thủy  

“Chúng tôi đã xây dựng được mô hình trồng chè VietGAP, để nói về trồng chè của gia đình phải nói việc khó khăn nhất là khâu chế biến và chăm sóc, không phải ai cũng làm được chè ngon. Làm phải xây dựng thương hiệu tập thể, như gia đình tôi làm chè phải giữ chắc “chữ tín và lòng tin” như bản thân tôi năm nay đã hơn 60 tuổi thì đã gần 40 năm gắn với làm chè…”, ông Chính chia sẻ thêm.

Từ những nương chè trên núi, những năm gần đây, Ba Trại còn là điểm du lịch rất hút khách. Qua đó, giúp người dân trong xã phát triển thêm nhiều nghề dịch vụ; đồng thời, thương hiệu "Chè Ba Trại" có điều kiện được quảng bá hiệu quả hơn trước.

Cây chè là một trong những cây trồng chủ lực mang lại kinh tế cao cho người dân trên địa bàn xã Ba Trại. Ảnh: Sơn Thủy  
Cây chè là một trong những cây trồng chủ lực mang lại kinh tế cao cho người dân trên địa bàn xã Ba Trại. Ảnh: Sơn Thủy  
 Người dân xã Ba Trại (huyện Ba Vì) thu hái chè. Ảnh: Sơn Thủy
 Người dân xã Ba Trại (huyện Ba Vì) thu hái chè. Ảnh: Sơn Thủy

Sơn Thủy