Sở Công Thương đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền tiếp tục thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp bán hàng đa cấp theo kế hoạch năm 2020 của các cơ quan, đơn vị; tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn thành phố
Sở Công Thương Hà Nội vừa có báo cáo về kết quả công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn thành phố, 6 tháng đầu năm 2020. Theo đó, tính đến 30/6, trên địa bàn thành phố có 18 doanh nghiệp hoạt động bán hàng đa cấp. Mặt hàng kinh doanh theo phương thức đa cấp gồm: Thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, đồ gia dụng, trong đó thực phẩm chức năng là mặt hàng có số lượng doanh nghiệp tham gia kinh doanh nhiều nhất, với trên 80% số doanh nghiệp đã đăng ký kinh doanh đa cấp.
Trong 6 tháng đầu năm 2020, Sở Công Thương đã tiếp nhận 106 lượt hồ sơ thông báo về việc tổ chức 129 hội nghị, hội thảo, đào tạo về bán hàng đa cấp tại Hà Nội, trong đó, có 15 hội nghị, hội thảo, đào tạo đã xin hủy không tổ chức. Thực hiện các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, Sở Công Thương Hà Nội đã ban hành văn bản đề nghị các doanh nghiệp bán hàng đa cấp trên địa bàn tạm dừng các hội nghị, hội thảo, đào tạo có tập trung đông người, xem xét chuyển sang hình thức trực tuyến.
Trong công tác phối hợp về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp, các sở, ngành, quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố thường xuyên chủ động phối hợp thực hiện nhiệm vụ này; đồng thời tiến hành các hoạt động thanh tra, kiểm tra, tiếp nhận và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo… liên quan đến hoạt động bán hàng đa cấp.
Mặc dù vậy, do đặc thù của hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp thực hiện thông qua mạng lưới người tham gia rộng khắp tại các tỉnh, thành phố trên cả nước; được phát triển và quản lý theo từng cá nhân bán hàng; hình thức hoạt động chủ yếu là truyền miệng hoặc quảng cáo trên mạng xã hội dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý, giám sát.
Đến nay, bán hàng đa cấp bất chính để trục lợi đã được kiềm chế, không hoạt động manh động công khai như trước, nhưng mạng lưới hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, khó kiểm soát…
Từ thực tiễn trong công tác quản lý, Sở Công Thương đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền tiếp tục công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân trên địa bàn thành phố về hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp; tiếp tục thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp bán hàng đa cấp theo kế hoạch năm 2020 của các cơ quan, đơn vị; tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn thành phố, đặc biệt là hoạt động tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo của các doanh nghiệp; giải quyết các đơn thư phản ánh, tố cáo của người dân đối với các doanh nghiệp và người tham gia bán hàng đa cấp (nếu có)…
Trước đó, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm đối với hoạt động bán hàng đa cấp không phép và hoạt động lợi dụng mô hình kinh doanh đa cấp để thực hiện các hoạt động huy động tài chính trái phép, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản theo tinh thần Chỉ thị số 21/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Cụ thể, theo chỉ đạo mới nhất, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu Sở Công Thương chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan thực hiện công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp cho các doanh nghiệp, người tham gia bán hàng đa cấp và người dân trên địa bàn thành phố; Sở Thông tin và Truyền thông hướng dẫn các cơ quan báo chí, truyền thông trên địa bàn triển khai xây dựng các chương trình thường kỳ, các chuyên mục để tuyên truyền, phổ biến pháp luật về kinh doanh theo phương thức đa cấp và cảnh báo người dân về các hoạt động biến tướng, bất chính trong kinh doanh theo phương thức đa cấp.
PV
|