Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, năm học 2020 - 2021, quy mô học sinh Thủ đô tăng khoảng 68.000 học sinh. Việc tăng quy mô thể hiện ở các cấp học so với năm học trước. Đơn cử như, tổng số học sinh lớp 1 dự kiến tuyển vào các trường tiểu học khoảng 167.000 học sinh, tăng 9.500 học sinh so với năm học 2019 - 2020.
Sở GD&ĐT Hà Nội cũng đã công bố kế hoạch tuyển sinh các lớp đầu cấp bao gồm mầm non, lớp 1, lớp 6 năm học 2020 - 2021 của tất cả các quận, huyện trên địa bàn. Trong đó, đáng chú ý là tuyển sinh vào cấp học mầm non cho thấy tỷ lệ "chọi" (giữa số trẻ trên địa bàn so với chỉ tiêu) năm học tới tại một số trường cũng khá cao.
Việc tăng quy mô học sinh đặt ra thách thức đối với nhiều trường công lập, tiêu biểu như tại quận Hoàng Mai, số lượng học sinh vào lớp 1 năm học 2020 - 2021 tại một số trường khá lớn, thậm chí ngang bằng quy mô của một trường cỡ nhỏ. Cụ thể, Trường tiểu học Chu Văn An: 580 học sinh; Hoàng Liệt: 718 học sinh; Đại Kim: 550 học sinh…
Việc số lượng học sinh tuyển mới lớn, quy mô nhà trường lớn khiến 12/18 trường khối 1 học 2 buổi/ngày, khối 2, 3, 4, 5 học 10 buổi/tuần có luân phiên thứ Bảy. Có 2 Trường Tiểu học Tân Mai và Tiểu học Vĩnh Hưng khối 3, 4, 5 học 9 buổi/tuần có luân phiên thứ Bảy. Riêng hai Trường Tiểu học Chu Văn An, Hoàng Liệt: khối 2, 3, 4, 5 học 8 buổi/tuần, có luân phiên thứ 7. Trường Thúy Lĩnh khối 2, 3, 4, 5 học 7 buổi/tuần có luân phiên thứ 7. Cấp THCS, có 8/15 trường học 6 buổi/tuần, 1 buổi/ngày. Có 7/15 trường học 6 buổi/tuần, 2 ca/ngày.
Theo Sở GD&ĐT Hà Nôi, do quy mô học sinh tăng mạnh so với năm trước, công tác chuẩn bị cho năm học mới đang được khẩn trương triển khai. Các quận, huyện, thị xã đã xây dựng, thành lập mới 38 trường học ở các cấp học với tổng kinh phí hơn 1.900 tỷ đồng; khối trực thuộc có 72 trường được cải tạo với kinh phí 445 tỷ đồng. Sở GD&ĐT phối hợp với Sở Nội vụ tổ chức xét tuyển viên chức đối với 2.034 trường hợp lao động hợp đồng giảng dạy tại các trường công lập từ năm 2015 trở về trước...
Về công tác chuẩn bị tổ chức tuyển sinh đầu cấp (mầm non, lớp 1, lớp 6, lớp 10), Hà Nội tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm: Tăng quy mô tuyển sinh, tăng chất lượng công tác tuyển sinh, tăng cường cơ sở vật chất cho các trường học, giảm số học sinh trái tuyến, giảm số học sinh/lớp. Tăng số học sinh được học 2 buổi/ngày.
Công tác tuyển sinh phải đảm bảo năm rõ: Tuyến tuyển sinh, chỉ tiêu tuyển sinh, thời gian tuyển sinh, phương thức tuyển sinh và trách nhiệm trong công tác tuyển sinh; Kiểm soát chặt chẽ, hạn chế tối đa việc tuyển sinh trái tuyến, không tiếp nhận học sinh trái tuyến đối với các cơ sở giáo dục đã tuyển đủ chỉ tiêu. Tiếp tục sử dụng hình thức tuyển sinh trực tuyến; tạo thuận lợi cho học sinh và cha mẹ học sinh…
Trước băn khoăn về việc Hà Nội có hơn 104.000 học sinh lớp 9 xét tốt nghiệp, nhưng chỉ tiêu vào các trường THPT công lập chỉ chiếm 62%, Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng (Sở GD&ĐT Hà Nội) - Phạm Quốc Toản cho biết: "Có khoảng 15.000 học sinh không đăng ký dự thi vào lớp 10, nhiều hơn 5.000 học sinh so với năm học trước. Sở đã rà soát, cho thấy các em đã đăng ký dự tuyển vào các trường ngoài công lập, vào trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên; số còn lại đăng ký theo học ở 38 trường trung cấp nghề".
Còn ông Phạm Văn Đại - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội thông tin, với tỷ lệ 62% số học sinh tốt nghiệp THCS được tuyển vào trường THPT công lập, trong khi có gần 89.000 học sinh dự thi, có đến 65.000 học sinh đỗ. Như vậy là tỷ lệ đỗ rất lớn, phụ huynh và học sinh không nên quá lo lắng.
Quang Anh
Theo Gia đình & Xã hội