Hà Nội tiên phong ứng dụng AI trong giám sát giao thông: Hướng tới đô thị văn minh

Thông tin từ lãnh đạo Công an Thành phố Hà Nội về việc ứng dụng hệ thống camera tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) trong quản lý giao thông đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ người dân. Việc lực lượng chức năng có thể giám sát, ghi nhận và xử lý vi phạm thông qua công nghệ không còn là điều quá mới mẻ, bởi đây là xu hướng tất yếu trong phát triển đô thị thông minh trên toàn cầu.

Còn gần 5 tháng nữa, hệ thống camera tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ chính thức được đưa vào vận hành để ghi nhận và xử lý các hành vi vi phạm giao thông trên toàn quốc. Đây được xem là một bước tiến lớn trong việc hiện đại hóa công tác quản lý, góp phần xây dựng môi trường giao thông an toàn và văn minh hơn.

Việc ứng dụng công nghệ không chỉ giúp giảm áp lực cho lực lượng chức năng, hạn chế những tình huống nhạy cảm khi xử lý vi phạm trực tiếp, mà còn bảo đảm tính khách quan, minh bạch trong quá trình ghi nhận và xử lý thông tin. Dữ liệu được lưu giữ tại trung tâm điều hành giao thông của thành phố, tạo cơ sở xác thực để trả lời mọi kiến nghị từ người dân một cách rõ ràng và thuyết phục.

Hà Nội là địa phương đầu tiên triển khai giải pháp này, mở ra kỳ vọng về một hệ thống giao thông thông minh, chuẩn mực và hiệu quả trên cả nước.

Hà Nội tiên phong ứng dụng AI trong giám sát giao thông: Hướng tới đô thị văn minh - Ảnh 1

Thời gian gần đây, tình trạng vi phạm luật giao thông trên địa bàn Hà Nội đã có chuyển biến tích cực. Việc siết chặt các quy định xử phạt với nhiều hành vi thường gặp như vượt đèn đỏ, phóng nhanh vượt ẩu, đi sai làn, rẽ không đúng quy định, xe không đủ gương chiếu hậu... đã góp phần nâng cao ý thức chấp hành luật lệ trong cộng đồng. Đây được xem là tín hiệu tích cực về sự chuyển biến trong nhận thức của người dân đối với văn hóa giao thông.

Việc triển khai hệ thống camera tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) để hỗ trợ giám sát và xử lý vi phạm là bước đi tiếp theo, phù hợp với định hướng phát triển đô thị thông minh. Thay vì lực lượng chức năng phải trực tiếp làm nhiệm vụ ngoài đường – vốn dễ phát sinh tình huống phức tạp – thì nay, công nghệ có thể thay thế phần việc ấy một cách chính xác, khách quan và công tâm, tương tự như hệ thống VAR trong các trận bóng đá.

Kinh nghiệm từ việc áp dụng thu phí không dừng trên các tuyến cao tốc từng cho thấy, quá trình ứng dụng công nghệ vào đời sống không tránh khỏi giai đoạn thử nghiệm và điều chỉnh. Tuy nhiên, chính từ đó, ngành giao thông và lực lượng chức năng có thêm nền tảng để vận hành hiệu quả hơn trong những bước đi tiếp theo.

Thực tế hạ tầng giao thông nội đô hiện vẫn còn không ít hạn chế: nhiều tuyến phố hẹp, vỉa hè bị lấn chiếm, hệ thống tín hiệu giao thông chưa đồng bộ, mặt đường xuống cấp… Trong khi đó, lượng phương tiện lưu thông ngày càng đa dạng, khiến việc phân luồng, điều tiết giao thông gặp nhiều áp lực, đặc biệt trong giờ cao điểm hoặc khi thời tiết bất lợi. Những yếu tố này có thể dẫn đến vi phạm ngoài ý muốn nếu chưa được đánh giá, điều chỉnh kịp thời.

Vì vậy, từ nay đến khi chính thức triển khai rộng rãi, các cơ quan chức năng cần tiếp tục rà soát đồng bộ hạ tầng, hệ thống biển báo, đèn tín hiệu và cơ chế giám sát, để bảo đảm tính minh bạch và công bằng trong quá trình áp dụng công nghệ vào quản lý giao thông. Khi mọi khâu đều được chuẩn bị kỹ lưỡng, việc xử lý vi phạm sẽ trở nên thuyết phục hơn, góp phần hình thành thói quen tự giác, nghiêm túc và tích cực từ người tham gia giao thông.

Là địa phương đầu tiên triển khai thí điểm, Hà Nội sẽ không tránh khỏi những khó khăn ban đầu. Nhưng sự thành công tại Thủ đô sẽ là tiền đề quan trọng để mô hình được nhân rộng trên cả nước. Đây không chỉ là một giải pháp kỹ thuật, mà còn là bước tiến mạnh mẽ trong xây dựng xã hội kỷ cương, văn minh, nơi mỗi người dân đều góp phần giữ gìn trật tự, an toàn và lan tỏa tinh thần “sống và hành động theo pháp luật” – nền tảng cho một cuộc sống an yên, hạnh phúc và phát triển bền vững.