Hà Nội xây dựng mục tiêu phát triển kinh tế năm 2023

Năm 2022, trước tình hình biến động của nền kinh tế - chính trị thế giới đã tác động mạnh mẽ, ảnh hưởng trực tiếp tới nền kinh tế Việt Nam nói chung và kinh tế TP. Hà Nội nói riêng. Tuy nhiên kinh tế thành phố Hà Nội đã phục hồi đà tăng trưởng mạnh mẽ với mức tăng đạt 8,8% - mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây và vượt kế hoạch đề ra.

Hà Nội xây dựng mục tiêu phát triển kinh tế năm 2023 - Ảnh 1

Thu ngân sách của thành phố vượt 6,8% dự toán, bảo đảm chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên và các nhiệm vụ chi phòng, chống dịch Covid-19, chi hỗ trợ người lao động và đối tượng sử dụng lao động, bảo đảm an sinh xã hội.

Sản xuất, kinh doanh của Hà Nội phục hồi mạnh; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng cao 2 con số - ước đạt 10,9%. Sản xuất công nghiệp, nông nghiệp tiếp tục duy trì phát triển.

Thành phố hoàn thành toàn bộ 22 chỉ tiêu kế hoạch đề ra, trong đó 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch gồm: Tăng trưởng GRDP (đạt 8,8%, kế hoạch là 7-7,5%), GRDP/người (đạt 142,3 triệu đồng, kế hoạch là 139-141 triệu đồng), tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện (đạt 13,8%, kế hoạch là 10,5%), tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu (đạt 11,9%, kế hoạch là 5%), giảm số hộ nghèo so với năm trước (đạt 38,8% - kế hoạch là 20%).

Phát huy những kết quả của năm 2022, Hà Nội xây dựng nhiều mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023.

Đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2023 đạt 7%

Năm 2023, Thành phố đặt mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) là 7%; tổng sản phẩm bình quân đầu người (GRDP bình quân đầu người) đạt khoảng 150 triệu đồng (năm 2022 ước đạt 142 triệu); vốn đầu tư tăng 10,5%; kim ngạch xuất khẩu tăng 6%; kiểm soát chỉ số giá dưới 4,5%; giảm 30% hộ nghèo so với cuối năm 2022...

Thành phố đặt mục tiêu giữ vững ổn định và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng trong năm 2023.

Thành phố tiếp tục cơ cấu lại kinh tế; củng cố, phát triển các động lực tăng trưởng mới; nâng cao năng lực nội tại, tính tự lực, tự chủ, khả năng chống chịu và thích ứng của kinh tế Thủ đô.

Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các khâu đột phá. Đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, các hoạt động khoa học-công nghệ, đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước, xây dựng chính quyền số, nâng cao thứ hạng các chỉ số PCI, PAR Index, PAPI, SIPAS. Dự kiến, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023 có 22 chỉ tiêu/nhóm chỉ tiêu chủ yếu.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Anh Quân thông tin, kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 gần 47.000 tỷ đồng, trong đó cấp thành phố hơn 26.000 tỷ và cấp huyện gần 20.000 tỷ. Thành phố hiện có hơn 100 dự án đã phê duyệt chủ trương đầu tư nhưng chưa phê duyệt dự án, cần đẩy nhanh tiến độ để kịp thời bố trí vốn.

Theo bà Vũ Thu Hà, Giám đốc Sở Nội vụ, biên chế công chức thành phố sẽ phải giảm 5% trong giai đoạn 2022-2026. Trong năm 2023, các đơn vị sẽ tự điều hòa nội bộ; năm 2024-2025 giảm 1,5% mỗi năm; năm 2026 giảm 2%. 12 quận và thị xã Sơn Tây đang thí điểm mô hình chính quyền đô thị giữ ổn định số biên chế hơn 2.300.

Triển khai 6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2023

Ông Hà Minh Hải - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội
Ông Hà Minh Hải - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải cho biết, năm 2023, bên cạnh những thuận lợi, Thủ đô vẫn còn phải đối mặt với những khó khăn, thách thức. Cùng với thực hiện có hiệu quả chủ đề công tác “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”, UBND thành phố đề ra 22 chỉ tiêu chủ yếu của năm 2023 (với 5 nhóm chỉ tiêu kinh tế tổng hợp; 13 nhóm chỉ tiêu văn hóa - xã hội và 4 nhóm chỉ tiêu về đô thị, nông thôn, môi trường).

Theo đồng chí Hà Minh Hải, để đạt kết quả, UBND thành phố đề ra 6 những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Thứ nhất, tiếp tục chú trọng đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành gắn với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động của các cơ quan hành chính các cấp và thực hiện công khai, minh bạch các thông tin quản lý, điều hành, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung của thành phố. Tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền gắn với hoàn thiện quy trình, quy chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trên địa bàn, đồng bộ, thống nhất với hệ thống tiêu chuẩn, định mức, đơn giá của từng ngành, từng lĩnh vực.

Thứ hai, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội gắn với phát triển các động lực tăng trưởng mới với trọng tâm chọn chuyển đổi số là động lực phát triển; phát triển các mô hình kinh tế mới; đẩy mạnh các hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Trong đó, đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án đầu tư; đôn đốc quyết liệt tiến độ các công trình trọng điểm, các công trình thiết yếu, dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; đánh giá, rà soát lại kế hoạch đầu tư công trung hạn để đảm bảo tiến độ thực hiện dự án và nâng cao chất lượng đầu tư công.

Thứ ba, phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, giáo dục; kiểm soát hiệu quả dịch bệnh; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Thứ tư, đẩy nhanh công tác quy hoạch; phát triển hạ tầng số, kết cấu hạ tầng, đô thị; quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thứ năm, triển khai thực hiện phân cấp quản lý nhà nước trong từng ngành, lĩnh vực đảm bảo đồng bộ, đầy đủ; tiếp tục cải cách hành chính, sắp xếp bộ máy, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu.

Thứ sáu, bảo đảm quốc phòng, an ninh; tiếp tục phối hợp hiệu quả với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại. Đồng thời, tăng cường thông tin, truyền thông, tạo đồng thuận xã hội, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và tạo đà cho những năm tiếp theo…

Tiến Hoàng

Từ khóa: