Hà Nội yêu cầu xem xét dừng hoạt động đông người không cần thiết

Mới đây, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký ban hành Chỉ thị số 25/CT-UBND về việc xem xét dừng các hoạt động tập trung đông người không cần thiết, các hoạt động vui chơi, lễ hội, tôn giáo tại các địa phương theo diễn biến dịch và chỉ đạo của Trung ương và thành phố.

Cụ thể, thực hiện hiệu quả nguyên tắc “5K+ vaccine, thuốc điều trị + công nghệ + ý thức người dân”; chủ động công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong dịp lễ Giáng sinh, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Nhâm Dần. Đồng thời, tăng cường quản lý, giám sát các trường hợp nhập cảnh về thành phố, đặc biệt các trường hợp đến/đi về từ các quốc gia đã ghi nhận biến chủng mới Omicron.

Tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại các địa bàn, nhất là tại các khu vực có nguy cơ cao như: Bệnh viện, cơ sở sản xuất, chợ, siêu thị, nhà ga, sân bay, bến xe…; đẩy mạnh tuyên truyền người dân tiếp tục thực hiện “5K”, không chủ quan, lơ là vì đã tiêm vaccine phòng COVID-19; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về phòng, chống dịch. Dừng các hoạt động tập trung đông người không cần thiết.

Hà Nội yêu cầu xem xét dừng hoạt động đông người không cần thiết - Ảnh 1

Theo đó, UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn; tăng cường tuyên truyền, thường xuyên đánh giá cấp độ dịch tại địa phương trên quy mô xã, phường, thị trấn và nhỏ nhất có thể để kịp thời điều chỉnh, bổ sung các biện pháp hành chính phù hợp; xem xét dừng các hoạt động tập trung đông người không cần thiết, các hoạt động vui chơi, lễ hội, tôn giáo tại các địa phương theo diễn biến dịch và chỉ đạo của Trung ương và TP...

Bên cạnh đó, phân công Tổ COVID-19 cộng đồng “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, lập danh sách người trên 50 tuổi, người có bệnh lý nền, phụ nữ trong thời kỳ mang thai, người chống chỉ định chưa được tiêm vaccine và các trường hợp chưa tiêm vaccine phòng COVID-19… để quản lý, tiêm vaccine (có thể tổ chức tiêm lưu động, tại nhà), hỗ trợ tiếp cận dịch vụ y tế sớm, điều trị kịp thời.

Các quận, huyện, thị xã cũng cần chủ động vận dụng tối đa mọi biện pháp, phân công các lực lượng phối hợp ngành Y tế để tổ chức “thần tốc” tiêm vaccine phòng COVID-19 theo Kế hoạch để phấn đấu hoàn thành tiêm mũi 2 cho người từ 18 tuổi trở lên, chậm nhất hoàn thành trước 31/12/2021; hoàn thành tiêm mũi 2 cho người từ 12 đến 18 tuổi trước 31/1/2022; hoàn thành tiêm mũi bổ sung cho người từ 18 tuổi trở lên trước ngày 31/1/2022.

Chủ động xây dựng, ban hành các kịch bản, phương án ở mức cao hơn để sẵn sàng đáp ứng với các tình huống dịch COVID-19 từ cấp quận, huyện, thị xã đến cấp xã, phường, thị trấn, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống...

Các địa phương cần bảo đảm triển khai tối đa việc quản lý, điều trị F0 triệu chứng nhẹ và không triệu chứng tại nhà khi đủ điều kiện; Sẵn sàng kích hoạt các cơ sở thu dung điều trị F0; chủ động rà soát hệ thống y tế cơ sở, trạm y tế lưu động, cơ sở thu dung điều trị F0 để có giải pháp cụ thể về trang thiết bị y tế, thuốc, nguồn nhân lực y tế (ngoài công lập, sinh viên các trường cao đẳng, đại học, các y, bác sỹ nghỉ hưu, tình nguyện viên…) tham gia phục vụ công tác phòng, chống dịch, hoàn thành trong tháng 12/2021.

Hỗ trợ theo dõi F0 tại nhà

Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội, tối 20/12 ghi nhận 1.641 ca Covid-19 trong 24 giờ, cao nhất từ trước tới nay; thành phố lập Tổ hỗ trợ theo dõi người nhiễm Covid-19 tại nhà.
Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội, tối 20/12 ghi nhận 1.641 ca Covid-19 trong 24 giờ, cao nhất từ trước tới nay; thành phố lập Tổ hỗ trợ theo dõi người nhiễm Covid-19 tại nhà.

Bộ Y tế công bố Hà Nội 1.612 ca nhiễm mới, không ca tử vong. Như vậy, một số ca chưa được cấp mã số bệnh nhân. Chưa có số liệu thống kê số ca đang điều trị và số ca nặng tính đến 19h hôm nay.

Trong số ca nhiễm hôm nay có 406 ca cộng đồng, 1.021 ca ở khu cách ly và 214 ca ở khu phong tỏa. Như vậy, số nhiễm cộng đồng giảm 94 ca so với hôm qua, phân bố tại 21 quận huyện; trong đó cao nhất ở Ba Đình với 90 ca, Đống Đa 66 ca, Long Biên 52 ca.

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, số ca nhiễm ngày càng tăng, Hà Nội nâng cao năng lực điều trị F0 tại nhà. Chỉ thị tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh ban hành ngày 17/12 nêu rõ, UBND các quận, huyện, thị xã chủ động xây dựng, ban hành các kịch bản, phương án ở mức cao hơn để sẵn sàng đáp ứng với các tình huống dịch Covid-19 từ cấp quận, huyện, thị xã đến cấp xã, phường, thị trấn, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống, hoàn thành trước ngày 31-12-2021.

Địa phương lập Tổ hỗ trợ theo dõi người nhiễm Covid-19 tại nhà với lực lượng thanh niên là nòng cốt. Nhiệm vụ tổ là tiếp nhận thông tin từ người nhiễm Covid-19 tại nhà, cập nhật vào hệ thống phần mềm quản lý F0, lấy mẫu xét nghiệm, hướng dẫn các biện pháp cách ly tại nhà, ghi chép các thông tin và khi có những dấu hiệu bất thường về sức khỏe của người cách ly thì thông báo ngay cho cán bộ Trạm y tế.

Các trạm y tế xã, phường, thị trấn, trạm y tế lưu động, cơ sở thu dung điều trị F0 trực 24/7 để cùng tổng đài 1022 kịp thời tiếp nhận và xử lý kịp thời các tình huống phát sinh theo phản ánh của người dân.

Tổ Covid-19 cộng đồng "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng", lập danh sách người trên 50 tuổi, người có bệnh lý nền, phụ nữ trong thời kỳ mang thai, người chống chỉ định chưa được tiêm vaccine... để quản lý, tiêm. Hà Nội phấn đấu hoàn thành tiêm mũi 2 cho người từ 18 tuổi trở lên, chậm nhất trước 31/12; hoàn thành tiêm mũi 2 cho người từ 12 đến 18 tuổi trước ngày 31/1/2022; hoàn thành tiêm mũi bổ sung cho người từ 18 tuổi trở lên trước thời hạn này.

Tổng số ca tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4) là 28.694 ca, trong đó số cộng đồng 10.671 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 18.023 ca.

Thanh Phong - Doãn Chiến