Hà Tĩnh 10 tháng thu ngân sách hơn 14 nghìn tỷ đồng

Mặc dù trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn nhưng với sự nỗ lực của các cấp, ngành, tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Hà Tĩnh vẫn đạt được những kết quả tích cực trên tất cả các lĩnh vực trong 10 tháng qua.

Hà Tĩnh 10 tháng thu ngân sách hơn 14 nghìn tỷ đồng
Hà Tĩnh 10 tháng thu ngân sách hơn 14 nghìn tỷ đồng

Theo đó, tổng thu ngân sách trên địa bàn 10 tháng ước đạt 14.050 tỷ đồng, đạt 74% dự toán, bằng 91% cùng kỳ năm trước. Giải ngân đầu tư công đến ngày 25/10 đạt 6.404/11.299 tỷ đồng, bằng 72,7% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao và bằng 56,7% kế hoạch tỉnh giao.

Trong đó, thu nội địa ước đạt 7.150 tỷ đồng, đạt 89% dự toán, bằng 99% cùng kỳ (thu tiền đất ước đạt 1.620 tỷ đồng, đạt 90% dự toán, bằng 65% cùng kỳ; thu thuế phí ước đạt 5.530 tỷ đồng, đạt 89% dự toán, bằng 116% cùng kỳ); thu xuất nhập khẩu ước đạt 6.900 tỷ đồng, đạt 63% dự toán, bằng 85% cùng kỳ.

Công nghiệp lấy lại đà tăng trưởng, chỉ số sản xuất 10 tháng ước tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động thương mại, dịch vụ tăng trưởng khá. Tổng mức bán lẻ hàng hóa 10 tháng ước đạt 48.500 tỷ đồng. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 2,3 tỷ USD, tăng 60% so với cùng kỳ năm trước. Sản xuất nông nghiệp thời điểm hiện nay đang tập trung gieo trồng, chăm sóc cây vụ đông.

Hoạt động thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh. Trong 10 tháng toàn tỉnh thành lập mới 1.005 doanh nghiệp, tổng vốn đăng ký gần 4.700 tỷ đồng; chấp thuận 14 dự án đầu tư trong nước tổng vốn 1.700 tỷ đồng và 2 dự án đầu tư nước ngoài tổng vốn 70 triệu USD.

Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư dự án cao tốc Bắc - Nam được tập trung chỉ đạo. Đến nay, các địa phương đã bàn giao mặt bằng đạt 97,7%. Công tác quản lý lĩnh vực xây dựng, tài nguyên môi trường được tăng cường.

Lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm, chú trọng với các nhiệm vụ: tập trung hoàn thiện Đề án phát triển văn hóa Hà Tĩnh đến năm 2030, định hướng những năm tiếp theo; triển khai nhiệm vụ năm học 2023 - 2024 theo kế hoạch; đảm bảo công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe Nhân dân... Các hoạt động an sinh xã hội được triển khai kịp thời, hiệu quả.

Về nhiệm vụ những tháng cuối năm, yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương rà soát các chỉ tiêu phát triển KT-XH, nhất là những chỉ tiêu còn đạt thấp để tập trung thực hiện, phấn đấu đạt cao nhất các chỉ tiêu năm 2023.

Bên cạnh đó, đề nghị các đơn vị, địa phương tập trung giải quyết các vướng mắc về hạ tầng khu công công nghiệp, đẩy nhanh triển khai các dự án đã chấp thuận chủ trương đầu tư; tập trung nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công, thu ngân sách, xây dựng nông thôn mới, giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm, xử lý các vấn đề tồn đọng, cải cách hành chính; quản lý tốt về giá cả vật liệu xây dựng; đẩy nhanh tiến độ sản xuất vụ đông và chuẩn bị tốt về giống, vật tư cho vụ xuân.

Đảm bảo cung ứng hàng hóa dịp cuối năm, phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân, tăng cường công tác quản lý thị trường; siết chặt kỷ luật kỷ cương, phát huy tinh thần đoàn kết trong các cơ quan, đơn vị; tiếp tục quan tâm các hoạt động an sinh xã hội; chú trọng phát triển hoạt động quỹ khuyến học ở các địa phương; thực hiện nghiêm việc tiếp công dân ở cấp cơ sở; đảm bảo công tác an ninh – quốc phòng.

Hoài Thanh