Chè là một cây trồng quan trọng tại nhiều địa phương trong tỉnh, nhất là tại các huyện Kỳ Anh, Hương Khê, Hương Sơn. Tuy nhiên, hai tháng trở lại đây, dưới cái nắng gắt người dân đang “căng mình” với nhiều giải pháp chống hạn cứu cây chè trước thời tiết cực đoan.
Một số lớn diện tích trồng chè của huyện Hương Khê bị héo úa ngả sang màu nâu, nông dân đang nỗ lực hết mình để chè không bị chết cháy. Chị Lê Thị Hòa (thôn Nam Trà, xã Hương Trà) cho biết: Gia đình có 0,7 ha, một số diện tích chè đang bị héo úa do thời tiết nắng nóng kéo dài khiến cây chè không phát triển dẫn đến bị ảnh hưởng năng suất và sản lượng.
“Từ khi thời tiết bắt đầu nắng nóng người dân chúng tôi đã bật máy mở nước để tưới chè giúp cho cây ra búp. Nhưng thời gian gần đây vì cường độ nắng nóng tăng cao, nên diện tích chè khô héo ngày càng nhiều, người dân như chúng tôi vừa phải túc trực để tưới đều đặn, vừa không có thu nhập, vừa phải tốn tiền điện để bơm nước. Chúng tôi cũng đã tìm đủ biện pháp như ủ gốc, tưới nước cả ngày lẫn đêm nhưng tình trạng này không cải thiện. Nông dân rất vất vả với nghề”, chị Hòa cho biết thêm.
Được biết, ở xã Hương Trà, chè là cây trồng chủ lực, giúp người dân có thu nhập ổn định. Địa phương này có diện tích trồng chè lớn nhất huyện miền núi Hương Khê, với 152 ha. Nhiều năm qua, toàn bộ lượng chè của người dân xã này hái về đều nhập cho Xí nghiệp chè 20/4.
Suốt cả tháng nay, người trồng chè ở xã Hương Trà không có búp chè thu hoạch vì nắng nóng kéo dài. Hiện nay chỉ khoảng 80 ha chè là đang có nước tưới, số còn lại chưa có phương án để chống hạn nên bị héo khô cháy sém, lá rụng đầy gốc.
Để phục vụ cho cánh đồng trà, Xí nghiệp trà 20/4 đã đắp đập Khe Bắc có dung tích 4.000 khối nước từ hàng chục năm trước. Hiện nước trong đập chứa này đang dần cạn kiệt, nhiều vị trí khô cạn, nứt nẻ.
Ông Trần Xuân Phong, Phó chủ tịch UBND xã Hương Trà cho hay hơn 1 tháng qua dù đã chủ động cho tưới từ trước nhưng vì nắng nóng kéo dài nên một số diện tích chè bị héo. Đặc biệt, một số hồ đập trên địa bàn đã cạn, việc cung ứng nguồn nước tưới đảm bảo chống hạn cũng gặp khó khăn. Chính quyền đang cố gắng phối hợp với đơn vị bao tiêu là Xí nghiệp chè 20/4 tập trung hỗ trợ bà con huy động các máy bơm để hút nước tích trữ từ các ao hồ, đập, giếng khoan lên tưới cho cây chè. Sớm tìm thêm những giải pháp chống hạn kịp thời, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại và tránh tình trạng chè chết cháy.
Không chỉ tại các xã trồng chè huyện Hương Khê xảy ra tình trạng trên, mà tại một số xã trồng chè huyện Hương Sơn người dân cũng đang rất lo lắng dưới thời tiết này. Chị Lê Thị Mỹ (ở thôn Phố Tây, xã Sơn Tây), cho biết: Sau chuỗi ngày dài nắng nóng, một số diện tích lớn chè ở xa nguồn nước hiện tại đã bị héo lá. Người dân phải đặt các máy công suất lớn, mua sắm hệ thống đường ống tưới cho các đồi chè cũng như thực hiện những biện pháp chống nắng cho cây chè. Tuy nhiên, dưới thời tiết “chảo lửa” diện tích chè bị khô héo ngày càng nhiều, ảnh hưởng rất lớn đến năng suất.
Ông Nguyễn Hồng Sánh, Giám đốc Xí nghiệp chè Tây Sơn chia sẻ: Tình trạng nắng nóng đã kéo dài từ đầu tháng 5, người dân ở đây đã tiến hành cho tưới chè, đến thời điểm này chè trên địa bàn vẫn có một số diện tích bị héo lá song nhân dân đang cố gắng tập trung cao độ khắc phục không làm ảnh hưởng trên diện rộng.
Dưới cái nắng đó, người dân trồng chè tại Kỳ Anh cũng đang phải đối mặt với hoàn cảnh chè chết héo. Với hơn 15 sào chè, gia đình ông Bùi Định Hợi ở thôn Đất Đỏ mang nặng nỗi lo cây chè bị chết cháy do hạn hán kéo dài, nguồn nước chủ yếu từ ao hồ, khe suốt dẫn đến không có đủ để bơm tưới. Nếu nắng nóng tiếp tục kéo dài thì khó khăn lớn nhất của gia đình ông và bà con trong xóm là nguồn nước bơm để tưới và tiền điện, xăng dầu,.. thiệt hại của gia đình ông là con số khá lớn.
Mọi nỗ lực chống hạn đang ở phía trước, nếu thời tiết vẫn tiếp tục nắng nóng, không có mưa thì nguy cơ diện tích chè bị thiệt hai sẽ tăng lên, do thiếu nguồn nước chống hạn, hiện tại các hồ đập, khe suối vùng đang bị cạn kiệt dần. Chính quyền địa phương cùng với người dân bằng mọi biện pháp, dốc toàn bộ nguồn lực để cứu cây chè.
Hoài Thanh