Với đặc điểm của một vùng đất màu pha cát, phù hợp để triển khai trồng nhiều loại rau màu, từ nhiều năm nay, bà con nông dân các xã Thiên Lộc, Thuần Thiện và xã Vượng Lộc huyện Can Lộc đã đưa cây hành lá vào trồng và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Loài cây này bắt đầu gieo củ từ tháng 7, sau 3 tháng cho thu hoạch.
So với những năm trước, giá hành lá hiện tại gấp 3-4 lần, tuy nhiên đầu vụ năm nay thời tiết không thuận lợi, mưa nhiều, đến đầu tháng 10 thì gặp bão khiến quá trình sinh trưởng của cây chậm lại, năng suất giảm một nửa.
Theo bà con nơi đây, trồng hành khá vất vả vì phải bỏ ra nhiều công sức chăm sóc, hầu như ngày nào cũng phải ra ruộng hành để nhổ cỏ, tỉa cây nếu không thì cỏ dại sẽ mọc lấn át sự phát triển của cây hành. Trồng hành lá tuy vất vả nhưng nếu chăm sóc tốt có thể cho thu nhập cao hơn trồng lúa từ 3 – 4 lần; 1 sào hành tăm có thể cho thu nhập khoảng 15 triệu đồng.
Bà Lê Thị Niêm (thôn Lồng Lộng, Thuần Thiện) cho biết : “Trồng hành lá cho thu nhập cao hơn trồng lúa từ 3 – 4 lần; giá bán hiện tại thu mua tại ruộng là 40 ngàn đồng/kg, đầu thời vụ giá bán khá cao từ 50.000 – 70.000 đồng. Năm ngoái, thu mua tại ruộng giá 15.000-20.000 đồng một kg. Năm nay giá hành lá tăng cao, chúng tôi rất phấn khởi, ngày nào cũng muốn ra đồng, tuy nhiên năng suất lại giảm một nửa.”
Ông Nguyễn Văn Minh (56 tuổi, trú thôn Tây Hồ, xã Thuần Thiện) là người đã gắn bó với cây hành khá nhiều năm đánh giá đây là loại cây cho giá trị kinh tế cao song đòi hỏi chăm sóc tốt. Đầu vụ năm nay giá hành bất ngờ tăng mạnh, trung bình một ngày tôi nhổ được 30-35 kg hành lá đem bán cho thương lái ở trong xã Thuần Thiện, thu về gần một triệu đồng. Những năm trước một sào hành lá chỉ đạt 5-6 triệu đồng, vụ này được giá, ước tính thu về gần 15 triệu đồng một sào.
Ông Tuấn – một thương lái chuyên thu mua hành lá đến tỉnh Đà Nẵng cho biết: “Hành lá được chúng tôi thu mua ngay tại ruộng của những người dân, so với mọi năm, năm nay giá hành tăng gấp 4 lần, tuy nhiên sản lượng lại giảm khiến việc thu mua rất khó khăn. Những năm trước, thời điểm này, mỗi ngày chúng tôi thu mua được 3-4 tấn hành lá nhưng năm nay, số lượng chỉ đạt khoảng 1-1,2 tấn/ ngày.”
Cây hành đã mang về thu nhập cho nông dân trồng hành khoảng 300 triệu đồng/ha, gấp 4-5 lần so với trồng lúa trên một đơn vị diện tích. Cùng với nhiều chính sách đã triển khai, hiện nay, huyện Can Lộc cũng đang có chủ trương khuyến khích người dân mở rộng diện tích canh tác cây trồng chủ lực này trong thời gian tới. Đây là mức thu nhập tương đối ổn định giúp bà con nông dân có thêm động lực, thúc đẩy sản xuất.
Hiện tại, giá hành trên thị trường vẫn đang tăng lên từng ngày và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Việc giá hành tăng lên khiến các tiểu thương phải tăng giá và lượng hàng cung cấp cho người tiêu dùng cũng không đủ như trước.
Chị Lê Châu (TP. Hà Tĩnh) một tiểu thương cho biết: “Đợt trước, người tiêu dùng sẽ chỉ cần 2.000 đồng để mua hành lá, đôi khi hành lá rẻ mọi người còn xin thêm được, chứ như giá bây giờ cứ phải 5.000 đồng trở lên mới có thể bán được. Giá hành tăng lên 70.000 đồng/kg, mà nguồn hàng thì lại khan hiếm, nên không đủ cung cấp cho khách hàng.”
Chị Bùi Hoa (phường Thạch Quý, TP. Hà Tĩnh) chia sẻ: “ Mới tháng trước, tôi đi chợ vẫn mua 2.000-3.000 đồng tiền hành được, thế mà giờ hành đột nhiên tăng giá cao, nhiều khi muốn mua cũng không có. Khi chưa biết hành tăng giá, tôi mua 10.000 đồng về được 6-7 cây nhỏ, cứ tưởng bị mua đắt.”
Theo Giám đốc Sở Công thương Hà Tĩnh, ông Hoàng Văn Quảng, cây hành trồng ngắn ngày, nguyên nhân đầu tiên là do bước vào vụ sản xuất hành năm nay, thời tiết không thuận lợi. Thời điểm gieo trồng gặp nhiều đợt mưa khiến lớp áo phủ luống bị trôi, hành nẩy mầm chậm và kém phát triển. Mặt khác, đợt đầu tháng 10 vừa qua, ảnh hưởng bão gây mưa lớn nhiều ngày đã khiến quá trình sinh trưởng của cây hành chậm lại... Bên cạnh đó, diện tích canh tác hành năm nay cũng giảm hơn so với những năm trước khoảng 30 ha. Khoảng một tháng nữa, khi thời tiết ổn định, người dân canh tác gặp thuận lợi thì giá sản phẩm sẽ trở lại bình thường.
Hoài Thanh