Hà Tĩnh nỗ lực tháo gỡ khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm, giảm áp lực tồn kho

Những tháng đầu năm, đầu ra sản phẩm của nhiều ngành hàng không thuận lợi, số lượng đơn hàng giảm khiến cho tồn kho của ngành chế biến chế tạo tăng cao so với năm trước, kéo theo chỉ số sản xuất giảm sâu, ảnh hưởng đến tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp.

Khu công nghiệp Phú Vinh (Hà Tĩnh).
Khu công nghiệp Phú Vinh (Hà Tĩnh).

Trong những tháng đầu năm 2023, sản xuất công nghiệp gặp nhiều khó khăn do chịu ảnh hưởng suy thoái kinh tế trên phạm vi toàn cầu, lạm phát vẫn ở mức cao.

Số liệu của Cục Thống kê cho thấy, 6 tháng đầu 2023, chỉ số tiêu thụ ngành chế biến - chế tạo của Hà Tĩnh giảm 5,1% so với cùng kỳ. Trong khi đó, chỉ số tồn kho ngành chế biến - chế tạo tháng 6/2023 tăng 30,22% so với tháng trước và tăng 35,77% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong đó, nhiều nhóm hàng có chỉ số tồn kho trong tháng 6 cao so với cùng kỳ năm trước như: sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm tăng 160,89%; bia tồn kho tăng 149%; cưa xẻ gỗ tăng 56,77%; than cốc tăng 38,12%; kim loại đúc sẵn tăng 32,35%...

Theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Tĩnh, 6 tháng đầu năm 2023, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn đang đối mặt với khó khăn khi chỉ số sản xuất toàn ngành giảm 0,61%.

Có 3/4 nhóm ngành công nghiệp cấp 1 giảm chỉ số sản xuất so với cùng kỳ, trong đó, ngành khai khoáng giảm 3,74%; ngành chế biến - chế tạo giảm 1,72%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải giảm 7,83% (ngành có chỉ số tăng là sản xuất và phân phối điện, mức tăng 8,38%).

Sản lượng thép của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh – sản phẩm chủ lực của ngành công nghiệp chỉ tăng 0,34% so với cùng kỳ năm trước (đạt 2,7 triệu tấn). Trong khi đó, nhiều ngành nghề gặp khó do đơn hàng giảm, thị trường tiêu thụ khó khăn; tổ máy số 1 của Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 đến nay vẫn đang khắc phục sự cố.

Để duy trì sản xuất, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực trong việc tháo gỡ khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm, đẩy mạnh giải quyết lượng hàng tồn kho.

Theo kết quả khảo sát của Cục Thống kê, tỷ lệ doanh nghiệp ngành chế biến - chế tạo nhận định hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định và tốt hơn trong quý III lên đến hơn 72%. Bên cạnh đó, chỉ 16,28% số doanh nghiệp nhận định lượng tồn kho thành phẩm tăng lên trong quý III ( quý II có 18,6% doanh nghiệp nhận định hàng tồn kho tăng).

Để phục hồi và phát triển sản xuất, các doanh nghiệp mong muốn được các cơ quan hỗ trợ bằng cách đẩy mạnh xúc tiến thương mại tại thị trường trong và ngoài nước để có thêm những đơn hàng mới. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng mong tiếp tục có chính sách ưu đãi giảm lãi suất, gia hạn, giãn nợ để có thêm nguồn vốn đầu tư cho sản xuất.

Hoài Thanh